Palestine kiện Israel lên tòa án hình sự quốc tế

Thứ Bảy, 27/06/2015, 09:46
Hồ sơ pháp lý đầu tiên của Palestine nhằm kiện Israel đã được nộp lên tòa án hình sự quốc tế (ICC) hôm 25/6. Đồng thời, Palestine cũng đang tìm cách loại bỏ quyền miễn trừ của Israel và các nhà lãnh đạo Israel để đưa ra xét xử.

Những con số thống kê

Để đơn kiện này đến được tận tay Trưởng công tố viên ICC Fatou Bensouda, hôm 25/6, Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki đã dẫn đầu một phái đoàn quan chức Palestine tới trụ sở tòa án ở The Hague (Hà Lan).

Trả lời phỏng vấn báo giới bên ngoài trụ sở ICC, ông Riyad al-Maliki cho hay, toàn bộ hồ sơ vụ kiện được 45 người là thành viên trong ủy ban do Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas chỉ định hồi tháng 2 sưu tầm và sắp xếp dưới sự chỉ đạo của nhà đàm phán của tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Sae Erekat. Hồ sơ này không chỉ có nội dung bao quát với các số liệu thống kê mà còn có cả các bằng chứng chi tiết về những hành vi vi phạm pháp luật của Israel.

Trong thông báo được đăng tải trên mạng xã hội Twitter, PLO cho biết, các văn kiện được trình lên tòa án liên quan tới những "tội ác và tội ác chiến tranh của các thành viên cấp cao ban lãnh đạo Israel", nhấn mạnh mối liên hệ sâu sắc giữa "những tội ác được tiến hành tại các khu định cư và các cuộc tấn công vào thường dân ở Gaza và khu Bờ Tây”.

Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki khẳng định, từ những bằng chứng này, ICC có thể mở một cuộc điều tra độc lập để xem xét những tội ác mà chính quyền Tel Aviv đã gây ra.

Sau cuộc xung đột kéo dài gần 2 tháng ở dải Gaza, hơn 100.000 người Palestine đã sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Ảnh: FNA.

Ông Riyad al-Maliki cũng cho biết thêm rằng, Trưởng công tố ICC đã nhận lời đến thăm Palestine để xem xét các bằng chứng nhưng chưa công bố cụ thể thời gian của chuyến đi. Đồng thời, Ngoại trưởng Palestine cũng nhấn mạnh: “ICC có thể mất  5-10 năm để xử lý hồ sơ của Palestine. Chúng tôi biết điều đó và đây chỉ là bước đầu tiên trong hàng trăm bước tiếp theo”.

Và cáo buộc của Liên Hợp Quốc

Theo tin từ tờ The Times, văn phòng Trưởng công tố ICC đã tiến hành xem xét sơ bộ các cáo buộc về tội ác của Israrel từ hồi tháng 6 năm 2014 sau khi có những thông tin do nhiều tổ chức nhân quyền và xã hội cung cấp, đặc biệt về các cuộc xung đột xảy ra vào mùa hè năm đó.

Palestine cũng không ít lần rào trước đón sau về việc kiện Israel lên ICC và bước đi quyết định cho việc này chính là đơn xin gia nhập ICC của Palestine – một điều kiện cần và đủ để tiến hành một vụ kiện. Thêm vào đó, kết luận trong báo cáo mới công bố của Uỷ ban điều tra của Liên Hợp Quốc (LHQ) về cuộc chiến ở dải Gaza hồi năm ngoái cũng khẳng định, cả Israel và Hamas đều có thể đã phạm tội ác chiến tranh.

Theo đó, cuộc xung đột kéo dài gần 2 tháng đã cướp đi sinh mạng của gần 2.200 người Palestine, trong đó có hàng trăm dân thường, 73 người Israel chủ yếu là binh sĩ. Báo cáo cũng chỉ rõ, Israel đã tiến hành hơn 6.000 cuộc không kích, bắn khoảng 50.000 quả đạn pháo, trong khi các nhóm vũ trang Palestine bắn 4.881 quả rocket và 1.753 đạn cối vào lãnh thổ Israel. Đặc biệt các vụ tấn công nhằm vào các khu dân cư đã gây hậu quả thảm khốc khiến 551 trẻ em thiệt mạng, ít nhất 142 gia đình mất đi hơn 3 thành viên.

Chủ tịch Ủy ban điều tra, thẩm phán Mỹ Mary McGowan Davis nhấn mạnh: "Quy mô tàn phá và nỗi thống khổ của người dân ở Gaza trong cuộc xung đột này là chưa từng thấy và sẽ gây ảnh hưởng đến các thế hệ kế tiếp”. Uỷ ban điều tra dự định sẽ nộp bản báo cáo này lên Hội đồng Nhân quyền LHQ vào ngày 29/6 nhưng hiện vẫn đang vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía Mỹ.

Chính quyền Washington đã bác bỏ những cơ sở nêu trong báo cáo do luận điệu chống Israel của Hội đồng Nhân quyền, đồng thời tuyên bố không ủng hộ việc tiến hành thêm bất cứ hoạt động nào của Hội đồng Bảo an LHQ đối với báo cáo này. Về phía Israel, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng báo cáo mang tính định kiến và khẳng định Israel không phạm tội ác chiến tranh.

Nhiều nguồn tin khác thì cho hay, Israel có thể sẽ không cộng tác với ICC trong vụ kiện này và bác bỏ việc coi Palestine như một nhà nước độc lập.

Sông Thương
.
.
.