Pakistan: Những bất đồng mới phát sinh trong chính phủ liên minh

Thứ Sáu, 02/05/2008, 09:34
Chính phủ của tân Thủ tướng Yousaf Raza Gillani đang đứng trước một thách thức mới, thậm chí có khả năng bị giải tán nếu những yêu cầu của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif, Chủ tịch đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-Nawaz (PML-N) không được giải quyết. Hơn nữa, thời hạn 1 tháng (theo thỏa thuận) do Thủ tướng Yousaf Raza Gillani đưa ra cũng vừa kết thúc hôm 30/4.

Từ yêu cầu của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif

Cựu Thủ tướng Nawaz Sharif đang có cuộc hội đàm với ông Asif Ali Zardari, chồng cố Thủ tướng Benazir Bhutto, Chủ tịch đảng Nhân dân Pakistan (PPP) tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất.

Để thể hiện quyết tâm của mình trong vấn đề này, cựu Thủ tướng Nawaz Sharif nhấn mạnh, nền dân chủ của Pakistan sẽ phải chịu những hậu quả tồi tệ nếu không phục hồi quyền lực cho những thẩm phán từng bị bãi nhiệm trước đây.

Hơn nữa, vấn đề này từng được thỏa thuận và đạt được sự thống nhất giữa PML-N và PPP trước khi Thủ tướng Yousaf Raza Gillani nhậm chức. PML-N cảnh báo, nếu các thẩm phán kể trên không được phục chức theo đúng thời hạn thì họ sẽ rút toàn bộ số Bộ trưởng của mình khỏi nội các cho dù vẫn tiếp tục tham gia liên minh cầm quyền.

Được biết, tân nội các của Thủ tướng Yousaf Raza Gillani cũng vừa có cuộc họp khẩn cấp để thương đàm về việc phục hồi quyền lực cho những thẩm phán từng bị Tổng thống Pervez Musharraf cách chức hồi tháng 11/2007. Ngoài ra, nội các còn thảo luận những bất đồng xung quanh giới hạn quyền lực của những thẩm phán sẽ được phục chức.

Về phần mình, ông Iftikhar Muhammad Chaudhry cũng đã khởi động một chiến dịch vận động phục chức và lật đổ Tổng thống Pervez Musharraf sau khi nội các của Thủ tướng Yousaf Raza Gillani đi vào hoạt động.

Giới quan sát cho rằng, hoạt động của ông Iftikhar Muhammad Chaudhry, người từng được coi là biểu tượng chống đối quyền lực của Tổng thống Pervez Musharraf là nhằm gây sức ép buộc chính phủ phải giữ lời hứa - phục hồi chức vụ cho các thẩm phán từng bị Tổng thống Pervez Musharraf sa thải. Ông Iftikhar Muhammad Chaudhry cùng với 60 thẩm phán cấp cao khác đã bị Tổng thống Pervez Musharraf cách chức trong thời gian ban hành lệnh giới nghiêm hồi tháng 11/2007.

Một số người nhận định, Tổng thống Pervez Musharraf có khả năng sẽ từ chức trước khi các thẩm phán chính thức được phục chức bởi những người này chắc chắn xem lại tính hợp pháp trong việc ông tái đắc cử Tổng thống. Dư luận cho rằng, cựu Chánh án Toà án tối cao Iftikhar Muhammad Chaudhry sẽ cùng những đồng nghiệp tiến hành ngay những thủ tục cần thiết sau khi được phục chức để có thể đưa ra phán quyết. Theo đó, ông Pervez Musharraf tái đắc cử Tổng thống thêm một nhiệm kỳ 5 năm là bất hợp pháp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Tổng thống Pervez Musharraf sẽ hợp sức với Tòa án Tối cao để vô hiệu hoá kế hoạch của chính phủ mới, cũng như của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif.

Mặc dù đang yếu thế, nhưng điều này không có nghĩa Tổng thống Pervez Musharraf sẽ dễ dàng chấp nhận bỏ cuộc khi "súng mới khai hoả" bởi ông còn khá nhiều con bài, chỗ dựa, cũng như những mưu tính khác và đặc biệt vẫn được Mỹ ủng hộ.

Theo Bộ trưởng Chaudhry Nisal Ali Khan, hiện vẫn còn bất đồng về một số vấn đề xung quanh pháp lý và Hiến pháp.

Đến những bất ổn khó lường

Trong khi PML-N cho rằng, Quốc hội có thể ra quyết định về việc phục hồi chức vụ cho những thẩm phán kể trên thì PPP lại lo ngại bởi việc này sẽ dẫn tới khả năng tái xuất chính trường của cựu Chánh án Tòa án Tối cao Iftikhar Mohammed Chaudhry. Nếu điều này diễn ra thì chính trường Pakistan lại rơi vào một cuộc khủng hoảng mới.

Được biết, ngay sau khi nội các của Thủ tướng Yousaf Raza Gillani chính thức thành lập (31/3), một làn sóng bạo lực mới đã bùng phát khi các luật sư không ngừng biểu tình đòi Tổng thống Pervez Musharraf từ chức.

Tổng thống Pervez Musharraf từng cảnh báo các luật sư không nên tiếp tục gây ra tình trạng hỗn loạn thêm cho đất nước vốn đã chìm trong bạo lực. Thủ tướng Yousaf Raza Gillani, người của PPP cũng lên án các vụ bạo lực.

Dư luận nhận định, những vụ bạo lực xảy ra trong 1 tháng qua cho thấy, sự thất vọng của người dân Pakistan về khả năng điều hành đất nước của chính phủ mới.

Trong khi cựu Thủ tướng Nawaz Sharif đặc biệt quan tâm tới việc phục chức cho các thẩm phán, thì Chủ tịch PPP Asif Ali Zardari lại muốn gộp vấn đề trên với những biện pháp cải cách Hiến pháp mang tính toàn diện. Nếu việc cải cách Hiến pháp được tiến hành thì khả năng Chủ tịch PPP Asif Ali Zardari trở thành Thủ tướng rất dễ xảy ra.

Trong một diễn biến khác, thủ lĩnh Taliban tại Pakistan, ông Baitullah Mehsud đã rút khỏi hiệp định hòa bình với chính phủ sau khi Islamabad từ chối rút quân khỏi các vùng đất gần biên giới với Afghanistan.

Điều này đồng nghĩa với việc "thỏa thuận hòa bình Pakistan - Taliban" bị hủy bỏ và Mỹ, phương Tây là người vui mừng nhất bởi trước đó họ rất quan ngại nếu kế hoạch này thành công.

Theo tờ "The New York Times", nhiều chỉ huy Mỹ tại Afghanistan từng xin phép tấn công các tay súng Hồi giáo ẩn náu tại các khu vực miền núi bên trong lãnh thổ Pakistan, nhưng chưa được duyệt.

Tổng tư lệnh quân đội, Tướng Ashfaq Parvez Kayani từng báo cáo với Thủ tướng Yousaf Raza Gillani, các Bộ trưởng nội các then chốt và lãnh đạo các đảng trong liên minh đương quyền để xem xét lại chính sách được Mỹ hậu thuẫn của Tổng thống Pervez Musharraf trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Được biết, Chính phủ liên minh từng muốn đàm phán với Taliban nhằm phá vỡ các chính sách trước đây của Tổng thống Pervez Musharraf, nhưng bất thành

Quốc Trung
.
.
.