Nước Mỹ từ Watergate đến Snowdengate

Thứ Hai, 12/08/2013, 16:48
Trong những ngày vừa qua, câu chuyện Edward Snowden, một nhân viên của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) công bố thông tin mật về hệ thống giám sát toàn cầu của Mỹ đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong nước Mỹ và trên toàn thế giới.

Theo tiết lộ của Edward Snowden, toàn bộ hệ thống máy chủ của các tập đoàn truyền thông khổng lồ ở Mỹ như Verizon, Microsoft, Google, Facebook, Apple, Yahoo, Google, PalTalk, AOL, Skype, YouTube đã bị NSA trực tiếp xâm nhập theo một chương trình mang tên PRISM nhằm kiểm tra các đoạn phim, ảnh, thư điện tử và nhiều tài liệu khác của người sử dụng là công dân Mỹ cũng như công dân của tất cả các nước trên toàn thế giới...  

Dư luận ở Mỹ và trên thế giới gọi đây là vụ Snowdengate, tương tự như Watergate trong thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Mỹ Nixon đầu những năm 1970. Chỉ có điều, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã buộc phải từ chức do liên quan tới nghe lén điện thoại, còn trong vụ Snowdengate - không một quan chức nào ở Mỹ bị truy tố.

Vụ Watergate xảy ra cách đây 40 năm, vào năm 1973, khi đó người của Đảng Cộng hòa đã tổ chức vụ đột nhập vào trụ sở Ủy ban của Đảng Dân chủ ở khu tổ hợp văn phòng Watergate tại Washington D.C. Mục đích của vụ đột nhập bí mật đó là để lắp đặt các thiết bị nghe lén để ứng cử viên trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng là đương kim Tổng thống Đảng Cộng hòa Richard Nixon có thể theo dõi mọi động thái của ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, ông George McGovern. Vụ việc sau đó bị bại lộ và phiên tòa xét xử các nghi can kéo dài gần hai năm với kết cục là Tổng thống Nixon buộc phải tuyên bố từ chức nhằm tránh các thủ tục luận tội rắc rối về sau. 

Nghị viện châu Âu đã mở cuộc điều trần, xem xét về việc quyền riêng tư của công dân EU bị xâm phạm bởi chương trình do thám quy mô lớn PRISM của NSA.

Sau vụ Watergate, người dân Mỹ và toàn thế giới đã từng được nghe từ Washington lời tuyên bố khẳng định như "đinh đóng cột" rằng từ đây những câu chuyện nghe lén điện thoại tương tự như vậy sẽ không bao giờ tái diễn. Tuy nhiên, giống như "ngựa quen đường cũ", sau vụ Watergate, sự can thiệp bất hợp pháp của Nhà nước Mỹ vào cuộc sống của người dân ngày một nghiêm trọng và mở rộng ra đối với người dân ở tất cả các nước trên thế giới. Để có được khả năng giám sát toàn cầu, các cơ quan an ninh của Mỹ đã khai thác tối đa mọi thành tựu công nghệ cao, trước hết là công nghệ thông tin.

Như vậy, nếu vụ Watergate chỉ liên quan đến cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa hai đảng cầm quyền ở Mỹ, thì vụ Snowdengate vượt xa Watergate về quy mô và tầm quan trọng liên quan đến cuộc chiến giữa Mỹ với phần còn lại của nhân loại để thực hiện tham vọng của Washington là bá chủ thế giới. Vì thế, trong vụ Snowdengate, cả hai đảng cầm quyền ở Mỹ đều hành động thống nhất trong một mặt trận chống lại toàn thế giới và không một ai, kể cả Đại hội đồng Liên hợp quốc hay Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có thể lên án hay cáo buộc Mỹ.

Chính vì thế, Mỹ đã gây sức ép đối với tất cả các nước trên thế giới, không cho họ đứng ra bảo vệ Edward Snowden hoặc cho phép anh ta cư trú chịnh trị. Theo chủ trương đó, Mỹ đã có một hành động chưa từng có trong quan hệ với các nước là buộc máy bay của Tổng thống Bolivia, ông Evo Morales, phải hạ cánh khẩn cấp xuống Áo khi ông trên đường trở về từ Hội nghị năng lượng tại Nga do Tổng thống Nga Putin chủ trì.

Tại hội nghị này, ông Evo Morales đã lên tiếng ủng hộ Edward Snowden. Vài giờ sau đó, Washington chỉ đạo các nước châu Âu, gồm Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italia rút đặc quyền ưu tiên dành cho máy bay Tổng thống Bolivia, đóng cửa không phận không cho bay qua với những cáo buộc nghi ngờ Edward Snowden có mặt trên chuyến bay này. Mặc dù Edward Snowden không có mặt trên chuyến bay nhưng Morales cùng các bộ trưởng phải chờ mất 13 tiếng ở sân bay Vienna trước khi nhận được lệnh cho phép tiếp tục chuyến bay.

Hành động của Mỹ và các đồng minh ở châu Âu vi phạm chủ quyền của Bolivia đã bị Chính phủ Bolivia lên án là "hành động kẻ cướp" và "xâm lược". Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 45 khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) ở thủ đô Montevideo của Urugoay, chính phủ các nước khu vực đã lên án gay gắt đối với hành động nghe lén của Washington. Theo tiết lộ của Edward Snowden, mục đích chính của chương trình nghe lén của Mỹ đối với khu vực này không chỉ nhằm vào những thông tin quân sự mà còn vào những bí mật thương mại nhạy cảm, bao gồm các nguồn tài nguyên dầu mỏ và năng lượng. Mối quan tâm chủ yếu của Mỹ chính là thu thập thông tin về ngành công nghiệp năng lượng của các nước Nam Mỹ.

Một hành động khác của Mỹ được nhìn nhận là vi phạm quy chuẩn quốc tế trong quan hệ với các nước là cách ứng xử của họ đối với Nga. Mỹ đã đòi hỏi phía Nga dẫn độ, hoặc "chuyển giao" Edward Snowden cho Mỹ, nghĩa là ép Nga phải làm những gì mà Matxcơva đã từng nhiều lần bị phía Mỹ từ chối, trong đó có cả những yêu cầu từ nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama. Kẻ phản bội người Nga Alexander Poteev, nguyên đại tá tình báo, cựu Phó phòng của Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga, người đã chỉ điểm cho mật vụ Mỹ cả một mạng lưới điệp viên của Nga trên đất Mỹ, giúp cơ quan phản gián của Mỹ bắt giữ và trục xuất 10 điệp viên của Nga vào năm 2010.

Do đó, việc Nga quyết định cấp phép cho Edward Snowden được tị nạn ở Nga vừa phù hợp với chính sách nhân đạo của Nga, vừa phù hợp với những quy định về nhân quyền của cộng đồng quốc tế. Tổng thống Nga V. Putin đã từng tuyên bố dứt khoát và minh bạch rằng, Edward Snowden có quyền được phép tị nạn tạm thời ở Nga một khi anh ta chấm dứt mọi hành động gây thiệt hại tới an ninh quốc gia của Mỹ.

Với tuyên bố đó, Tổng thống Nga V. Putin muốn gửi tới Washington một thông điệp rõ ràng rằng, Nga luôn đề cao và tôn trọng lợi ích song phương trong quan hệ Mỹ-Nga. Do đó, quyết định của Tổng thống Mỹ Barack Obama hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga V. Putin bên lề Hội nghị G-20 sắp diễn ra ở Sant-Peterburg của Nga là một lần nữa chứng tỏ, Washington vẫn chưa từ bỏ tư duy Chiến tranh lạnh đối với Nga, hơn thế nữa vẫn ứng xử với Nga trên thế mạnh, vẫn coi Nga là "kẻ chiến bại" trong Chiến tranh lạnh.

Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến Mỹ và Nga vẫn bất đồng về nguyên tắc trong việc giải quyết các vấn đề thuộc quan hệ song phương cũng như các vấn đề quốc tế như "lá chắn tên lửa" ở châu Âu, cuộc chiến ở Syria, vấn đề hạt nhân của Iran, hay cuộc chiến ở Afghanistan

L.T.M.
.
.
.