Nước Mỹ trước ngày chuyển giao quyền lực

Thứ Bảy, 17/01/2009, 09:10

Chỉ trong khoảng 15 phút, nhưng Tổng thống Bush đã gửi tới toàn thể người dân Mỹ một bản tổng kết thành tích cũng như thất bại trong 8 năm cầm quyền của mình. Tổng thống Bush cũng bày tỏ, nếu có cơ hội, ông sẽ làm khác đi, nhưng điều này không thể diễn ra bởi 20/1 là thời điểm người kế nhiệm Barack Obama sẽ chính thức vào làm chủ Nhà Trắng.

Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Bush thừa nhận đã phạm một số sai lầm, thất bại và đây là điều mà tất cả những người tiền nhiệm từng trải qua. Tổng thống Bush đã đề cập tới vụ khủng bố 11/9/2001 cùng tuyên bố, nước Mỹ không có thêm một cuộc tấn công nào kể từ sau sự kiện kể trên - hơn 7 năm đã trôi qua, đa số người Mỹ có thể trở lại cuộc sống bình thường như trước vụ 11/9/2001. Tuy nhiên, ông Bush cũng cảnh báo, cho dù Mỹ đã an toàn hơn so với cách đây hơn 7 năm, nhưng mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với người dân vẫn là một cuộc tấn công khủng bố khác bởi kẻ thù rất kiên nhẫn và quyết tâm tấn công một lần nữa.

Ông Bush cũng đề cập tới vấn đề Afghanistan với niềm lạc quan "hơi thái quá" bởi giới truyền thông đã có phản ứng ngay tức thì và tình hình thực tế tại đây đang chứng minh như vậy - Mỹ phải tăng thêm 30.000 quân tới Afghanistan nhằm ngăn chặn sự nổi dậy của các chiến binh Al-Qaeda và Taliban.

Cũng với quan điểm tương tự, Tổng thống Bush đã coi Iraq là nền dân chủ tại khu vực Arab trong khi tình hình an ninh tại quốc gia này vẫn yếu kém, thậm chí xung đột giữa 2 lực lượng chính Shiite và Sunni còn gay gắt hơn. Nhiều người dân Mỹ coi cuộc chiến Iraq là sai lầm của ông Bush. Tuy đã chi hơn 500 tỷ USD, hơn 4.220 binh sĩ phải thiệt mạng và khoảng 20.000 người khác bị thương, nhưng Mỹ vẫn chưa bình ổn được tình hình tại Iraq.

Dư luận cho rằng, di sản để lại của Tổng thống Bush sau 8 năm cầm quyền được đánh dấu bởi chủ nghĩa khủng bố, 2 cuộc chiến tranh (Afghanistan, Iraq) và cuộc suy thoái kinh tế đang khiến nước Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ thập niên 1930 đến nay. Tuy theo đuổi tiến trình hòa bình Trung Đông, nhưng Tổng thống Bush vẫn trắng tay sau 8 năm cầm quyền bởi Israel và Hamas vẫn đang rơi vào "chảo lửa" không lối thoát.

Theo thống kê, Tổng thống Bush là người chi tiêu ngân sách nhiều hơn mức cho phép - trong 8 năm, mức chi ngân sách tăng 70% khiến Mỹ nợ tới 10.000 tỷ USD. Tổng thống Bush sẽ rời Nhà Trắng với tỉ lệ không được lòng dân cao nhất kể từ thời cựu Tổng thống Richard Nixon đến nay.

Thách thức của tân Ngoại trưởng

Sau khi được Ủy ban đối ngoại Thượng viện thông qua với 16 phiếu thuận, 1 phiếu chống, cựu Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton chính thức trở thành Ngoại trưởng thứ 67 của nước Mỹ. Dư luận coi đây là sự hoán đổi quyền lực của bà Hillary Clinton - từ cựu Đệ nhất phu nhân, Thượng nghị sỹ thành nhân vật thứ hai trong chính quyền của Tổng thống đắc cử Barack Obama.

Thượng nghị sỹ John Kerry, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện cho rằng, tân Ngoại trưởng đã thực hiện một phiên điều trần về chính sách ngoại giao đầy ấn tượng và đặc biệt xuất sắc khi quyết định, nền ngoại giao Mỹ nên kết hợp một cách khôn ngoan giữa sức mạnh ngoại giao với sức mạnh quân sự.

Ông Mitch McConnell, lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Thượng viện đánh giá cao bà Hillary Clinton - là một Ngoại trưởng tuyệt vời. Tại phiên trả lời chất vấn của các Thượng nghị sỹ thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện (5 tiếng đồng hồ hôm 13/1), bà Hillary Clinton cho biết, sẽ áp dụng chính sách ngoại giao "quyền lực thông minh" trong nhiệm kỳ của mình.

Tân Ngoại trưởng cam kết đưa nước Mỹ bước vào kỷ nguyên ngoại giao mới dưới thời Tổng thống Barack Obama với phương châm "thêm bạn bớt thù". Bà Hillary Clinton cho rằng, Mỹ không thể một mình giải quyết những vấn đề cấp bách toàn cầu và thế giới cũng không thể giải quyết những vấn đề này mà không có nước Mỹ.

Cựu Đệ nhất phu nhân cũng nhấn mạnh, Mỹ không từ bỏ tiến trình hòa bình ở Trung Đông, mặc dù cuộc chiến đang leo thang tại dải Gaza. Ngoài ra, bà Hillary Clinton cũng chủ trương đối thoại với Iran, muốn có mối quan hệ tích cực và hợp tác với Trung Quốc, Nga, cũng như mối quan hệ ngoại giao truyền thống với châu Âu và có thể thay đổi chính sách với Cuba. Tân Ngoại trưởng khẳng định, sẽ mang lại sức sống mới cho nền ngoại giao bằng việc đẩy mạnh lợi ích an ninh quốc gia Mỹ.

Giới bình luận cho rằng, tân Ngoại trưởng phải đương đầu với một số thách thức như kết thúc cuộc chiến tại dải Gaza, tìm đường đến với Iran, CHDCND Triều Tiên, thiết lập mối quan hệ mới với Nga sau "cuộc chiến 5 ngày Nga - Gruzia", đưa ra thời gian biểu để rút quân đội Mỹ khỏi Iraq, Afghanistan, hoà giải mối bất đồng hiện tại giữa Pakistan và Ấn Độ sau vụ khủng bố tại Mumbai, tháo gỡ những vướng mắc trong thương mại với một số quốc gia Colombia, Hàn Quốc, Panama… cũng như đẩy mạnh mối quan hệ song phương với Trung Quốc - quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của mình.

Giới truyền thông đưa tin, tân Ngoại trưởng Hillary Clinton có kế hoạch xây dựng Bộ Ngoại giao trở nên quyền lực với ngân sách lớn hơn. Theo đó, thành lập một nhóm các nhà ngoại giao giỏi, có năng lực và một số đặc phái viên quyền lực, xuất sắc để tới những điểm nóng của thế giới.

Đến việc hoàn tất công tác bảo vệ lễ nhậm chức của tân Tổng thống

Sở Mật vụ Mỹ, cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ lễ nhậm chức từng nhận định, mối đe dọa đối với ông Barack Obama lớn hơn nhiều so với bất cứ Tổng thống nào trong lịch sử.

Theo Thiếu tướng Richard Rowe, người đứng đầu Ủy ban nhậm chức của các lực lượng vũ trang Mỹ cho biết, mọi công tác chuẩn bị cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Barack Obama đã hoàn tất.

Bộ trưởng An ninh nội địa Michael Chertoff cho biết, đây sẽ là sự kiện an ninh lớn nhất từ trước đến nay.

Giới truyền thông coi mức độ bảo vệ an ninh cho ông Barack Obama là nghiêm ngặt nhất từ trước tới nay. Cơ quan chức năng đã lập 13 chốt kiểm soát tại tất cả các ngả đường tiến tới nơi tổ chức và mọi người đều phải đứng xếp hàng để kiểm tra an ninh.

Có một chi tiết khá thú vị là chiếc Cadillac với biệt danh "The Beast" dùng để chở ông Barack Obama tới địa điểm tuyên thệ nhậm chức vừa được tiết lộ. Theo đó, chiếc xe có hệ thống cung cấp oxy riêng biệt và bên trong được bịt kín hoàn toàn để ngăn khả năng bị tấn công hóa học. Thân xe làm bằng vật liệu tổng hợp từ thép, nhôm, titan và gốm có khả năng chống đạn. Lốp xe có khả năng chống đạn và được thiết kế chạy được trong trường hợp bị tấn công rocket.

Ngoài ra, "The Beast" còn có hệ thống liên lạc được mã hóa khiến nó trở thành chiếc xe có hệ thống bảo vệ công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay

Quốc Trung
.
.
.