Những điều chưa biết về Cơ quan mật vụ Mỹ

Chủ Nhật, 05/10/2014, 13:28
Tiết lộ động trời của tờ Washington Post về việc Tổng thống Mỹ Barack Obama phải đi chung thang máy với một mật vụ không có nhiệm vụ bảo vệ ông cũng như sự kiện Nhà Trắng liên tiếp bị đột nhập… đã khiến hình ảnh về Cơ quan mật vụ Mỹ đang ngày một xấu đi. Một cuộc cải tổ đã thực sự bắt đầu khi Giám đốc Cơ quan mật vụ Julia Pierson từ chức sau cuộc điều trần bất thành trước Quốc hội và nhường lại chiếc ghế đầy quyền lực này cho cựu đặc vụ Joseph Clancy.

Bảo vệ nhân vật trọng yếu

Theo nhận định của tờ Polotical, trong bối cảnh phải hứng chịu 2 cuộc điều tra riêng rẽ của Bộ An ninh nội địa và Quốc hội Mỹ, Cơ quan mật vụ Mỹ cần phải có sự thay đổi hoàn toàn để trụ vững. Điều quan trọng nhất đối với quyền Giám đốc Cơ quan mật vụ Joseph Clancy lúc này là đưa mật vụ Mỹ trở lại đúng quỹ đạo của mình và lấy lại niềm tin của gia đình Tổng thống Barack Obama. Nghĩa là, bên cạnh nhiệm vụ ngăn chặn và điều tra việc làm giả tiền tệ, trái phiếu và các gian lận thương mại gây phương hại đến kinh tế Mỹ, Cơ quan mật vụ cần phải có kế hoạch mới nhằm bảo đảm an toàn cho Tổng thống, Phó Tổng thống và thân nhân trong gia đình họ; đặc biệt là không được để xảy ra bất kỳ scandal như những bê bối vừa qua.

Thống kê từ Bộ An ninh nội địa cho hay, hiện Cơ quan mật vụ Mỹ có hơn 6.500 nhân viên trong đó có 3.300 đặc vụ, 1.300 sĩ quan sắc phục và số còn lại là nhân viên kỹ thuật, hành chính. Các đặc vụ nằm trong đội bảo vệ, đội đặc nhiệm có trách nhiệm làm việc với các cơ quan liên bang, bang, địa phương khác và quân đội để đảm bảo an toàn cho Tổng thống khi ông du hành trên chiếc Air Force One và lập đoàn hộ tống khi Tổng thống dùng chiếc Limousine. Hằng ngày, Cơ quan mật vụ Mỹ còn phải đảm bảo một hành lang an toàn cho Tổng thống và gia đình. Để công việc bảo vệ được thuận tiện, Cơ quan mật vụ Mỹ đã chia ra làm nhiều đội trong đó, đội sắc phục có nhiệm vụ hỗ trợ công tác bảo vệ an ninh tại khu vực phức hợp của Nhà Trắng, nơi cư trú của Phó Tổng thống, Bộ Ngân khố và khu vực công sự ngoại giao ở thủ đô Washington D.C. Các sĩ quan thuộc đơn vị sắc phục này thường xuyên tuần tra bằng xe đạp, đi bộ, xe môtô và ôtô để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Hỗ trợ hoạt động của đơn vị sắc phục có đơn vị chống bắn tỉa. Đơn vị này được thành lập năm 1971 với mục đích là cung cấp sự hỗ trợ bảo vệ để chống mối nguy hiểm từ đằng xa. Chính vì thế mà hễ Tổng thống Mỹ đi đâu, người ta cũng thấy có một nhóm lính bắn tỉa đi theo quan sát và bao quát an ninh trên nóc các tòa nhà cao tầng. Bên cạnh đó, còn có một số đội khác chuyên trách các nhiệm vụ cụ thể như đội phản ứng nhanh, đội dò tìm kim loại và bom… Tờ USA Today cho biết, nhiệm vụ của Cơ quan mật vụ Mỹ đã chính thức được Quốc hội Mỹ phê chuẩn sau vụ ám sát Tổng thống William McKinley năm 1901. Đến nay, các nhiệm vụ này vẫn được ủy quyền theo luật pháp của Mỹ và thậm chí quyền thế của Cơ quan mật vụ Mỹ ngày càng được gia tăng.

Các đặc vụ luôn kè kè sát bên Tổng thống Mỹ Barack Obama để đảm bảo an ninh, an toàn cho ông và gia đình. Ảnh: Press TV.

Trang bị hoàn hảo

Lúc nào cũng phải kè kè bên cạnh bảo vệ nhân vật quyền lực nhất nước Mỹ, nhiệm vụ của các đặc vụ không hề đơn giản. Họ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp để có khả năng bảo vệ và phòng thủ. Cựu đặc vụ Joe Petro cho biết, các đặc vụ tham gia bảo vệ Tổng thống và gia đình Tổng thống phải luôn tập trung cao độ, phát hiện những bất thường dựa vào thính giác, khứu giác, tay và cả bản năng làm việc. Joe Petro nói: “Chúng tôi đều phải trải qua các khóa huấn luyện như nhau, phải biết để mắt tới những kẻ trông lạc lõng trong đám đông, những kẻ không cười khi tất cả đều cười và vẫy tay… Nhiều lúc chúng tôi phải hàng tiếng đồng hồ trong cái lạnh, cái nóng, luôn phải giữ im lặng nhưng không được bỏ sót việc quan sát và lắng nghe”.

Sau bài học đắt giá từ vụ ám sát Tổng thống John F.Kennedy năm 1963, các mật vụ Mỹ hiện giờ luôn có một bộ trang phục thống nhất là áo vest đen bên ngoài, áo sơ mi bên trong, quần tây dài, thắt cà vạt với đôi kính đen mát. Đi kèm với bộ đồng phục này luôn là các thiết bị liên lạc, kính viễn vọng, dụng cụ dò tìm kim loại và nhiều công nghệ khác. Còn về vũ khí, không chỉ phải biết sử dụng thành thạo các loại vũ khí chuyên dụng, các đặc vụ còn luôn được sử dụng những loại tân tiến nhất và nguy hiểm nhất, bao gồm những khẩu súng ngắn SIG Sauer P229, FN Five-Seven tốt nhất dùng trong các cuộc đọ súng; súng ngắn Remington 870, súng tiểu liên Uzi, súng tiểu liên FN90, HK MP5 hay súng săn biến thể Remington 870.

Theo tiết lộ của một quan chức cấp cao trong Cơ quan mật vụ Mỹ, SIG Sauer P229 là vũ khí ưa thích của các đặc vụ bởi nó có cỡ đạn 9,53mm, lớn hơn nhiều so với các loại súng ngắn khác; lại được cải tiến bộ phận thanh trượt phía trên bằng hợp kim thép mới, làm nó hấp thụ được khá lớn phản lực sinh ra khi nổ súng, giúp người sử dụng có thể nhanh chóng ngắm bắn viên tiếp theo. Một lợi thế khác của SIG Sauer P229 là chốt bắn tự động, giúp súng có thể hoạt động mà không cần chốt an toàn truyền thống, nhả đạn mà không cần lên cò, tiết kiệm một thao tác khi sử dụng. Còn FN Five-Seven chỉ có phần thanh trượt và báng súng bằng hợp kim, còn lại đều được làm từ nhựa tổng hợp nên nó chỉ nặng có 1,54kg. FN Five-Seven còn cấu tạo độc đáo cả 2 bên phù hợp với mọi người dùng dù thuận tay nào đi nữa.

Ngày nay, Cơ quan mật vụ Mỹ còn được ủy nhiệm để bảo vệ Phó Tổng thống, ứng viên Tổng thống được chọn, ứng viên Phó Tổng thống được chọn và gia đình riêng của các cá nhân này. Cựu Tổng thống Mỹ miễn nhiệm trước năm 1997 sẽ được bảo vệ trọn đời. Riêng hôn thê của họ sẽ được bảo vệ cho đến khi li dị hoặc tái hôn với người khác. Hôn thê của cựu Tổng thống chết trong nhiệm kỳ hoặc chết trong vòng 1 năm sau khi miễn nhiệm cũng được bảo vệ.

Con của cựu Tổng thống cho đến 16 tuổi hoặc trong vòng 10 năm sau nhiệm sở (tùy vào cái nào tới trước), cựu Phó Tổng thống, hôn thê và con của họ cho đến tuổi 16 và không quá 6 tháng sau khi miễn nhiệm cũng nằm trong danh sách được mật vụ bảo vệ. Ngoài ra, còn có các nguyên thủ quốc gia và hôn thê của họ đang có chuyến thăm, làm việc tại Mỹ; các vị khách danh dự; các đặc sứ ngoại giao… Những cá nhân này đều có quyền từ chối sự bảo vệ của Cơ quan mật vụ, trừ Tổng thống, Phó Tổng thống, ứng viên đắc cử Tổng thống và Phó Tổng thống

Hà Linh (tổng hợp)
.
.
.