Những cảnh báo đáng quan ngại từ việc Hy Lạp vỡ nợ

Thứ Tư, 01/07/2015, 11:38
Ngoài việc người dân Hy Lạp phải chịu tác động tức thì từ việc đất nước này vỡ nợ, Pháp và Đức sẽ là những quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất bởi họ đang cho Hy Lạp vay hơn 110 tỷ euro.
>> Bị châu Âu ‘ruồng bỏ’, Hy Lạp sẽ dựa vào Nga?

Việc Nhóm các Bộ trưởng Tài chính của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) từ chối đề xuất vào phút chót của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (đêm 30/6) về gia hạn chương trình cứu trợ nước này, đã khiến xứ sở của truyện thần thoại rơi vào vỡ nợ. Bởi Hy Lạp không thể trả khoản vay 1,5 tỷ euro đúng hạn vào ngày 30/6 và đã chính thức rơi vào tình trạng vỡ nợ theo tuyên bố sáng 1/7 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Từ những tuyên bố khác nhau

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một nền kinh tế phát triển như Hy Lạp bị IMF kết luận vỡ nợ. Và với tuyên bố này, Hy Lạp không được quyền tiếp cận bất cứ khoản vay nào của IMF cho tới khi thanh toán xong nghĩa vụ nợ cũ. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, chỉ nối lại đàm phán khi nào Hy Lạp hoàn thành nghĩa vụ trả nợ IMF và sẽ đưa ra quyết định cuối cùng sau khi có kết quả của cuộc trưng cầu ý dân tại Hy Lạp.

Theo tờ Wall Street Journal, ngoài khoản vay quá hạn với IMF, trong tháng 7, Hy Lạp còn phải hoàn trả cho các chủ nợ trái phiếu Chính phủ, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Đầu tư châu ÂU (EIB) với tổng số tiền gần 7 tỷ euro.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis.

Liên minh châu Âu (EU) thừa nhận, Hy Lạp cần một khoản cứu trợ mới, nhưng họ chỉ rót tiền sau khi Athens thực hiện các yêu cầu đề ra. Trong khi đó, Thủ tướng Alexis Tsipras không những từ chối chấp nhận những cải cách kinh tế cần thiết mà các chủ nợ đưa ra, mà còn vận động người dân Hy Lạp nói "không" với các điều kiện cứu trợ.

Trước khi diễn ra cuộc họp qua điện thoại tối 30/6, Athens đã gửi tới các bộ trưởng Eurogroup bản đề xuất cải cách kinh tế và Eurogroup sẽ họp trong ngày 1/7 để thảo luận đề xuất này. Và đây là cuộc họp thứ 7 của Eurogroup kể từ hôm 18/6. Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis cho biết, nước này sẵn sàng hủy cuộc trưng cầu dân ý nếu Eurogroup chấp nhận các đề xuất mới của Hy Lạp. Ông Yanis Varoufakis cũng thông báo, Hy Lạp không thể trả khoản nợ 1,5 tỷ euro cho IMF vào hạn chót 30/6, và hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận mới với các chủ nợ quốc tế.

Theo đề xuất hôm 30/6 của Thủ tướng Alexis Tsipras, nước này cần một gói cứu trợ thứ ba trị giá 29,1 t​ỷ euro để trang trải các nhu cầu tài chính trong 2 năm tới, cũng như tái cấu trúc các khoản nợ của Hy Lạp, nhưng giới chức châu Âu đã bác bỏ. Bởi họ coi đề xuất này chỉ nhằm củng cố vị thế của Thủ tướng Alexis Tsipras trước thềm cuộc trưng cầu ý dân tại Hy Lạp dự định diễn ra ngày 5/7 về các điều kiện thắt chặt của các chủ nợ để đổi lại một khoản cứu trợ mới.

Tới các hệ luỵ tức thì

Ngay sau thông báo của IMF, lãi suất trái phiếu của chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm 0,02% trong sáng 1/7. Theo thông báo của Bộ Tài chính Hy Lạp, 850 chi nhánh ngân hàng sẽ mở cửa trong ngày 1/7, nhưng chỉ để phục vụ số cán bộ hưu trí.

Những khách hàng này chỉ được phép rút 120 euro/ngày, gấp đôi mức giới hạn hiện nay tại các máy rút tiền tự động. Bởi từ chiều 30/6, nhiều máy rút tiền tự động ở Hy Lạp đã cạn tiền mặt trong khi hàng đoàn người hưu trí vẫn chờ để rút lương hưu.

Người dân Hy Lạp xếp hàng chờ rút tiền từ ATM và ngân hàng.

Hy Lạp đã đóng cửa hệ thống ngân hàng, áp dụng cơ chế kiểm soát ngặt nghèo nhằm ngăn dòng vốn chạy ra nước ngoài. Trong khi đó, đã có ít nhất 20.000 người tuần hành tại thủ đô Athens để bày tỏ sự ủng hộ thỏa thuận cứu trợ với các chủ nợ quốc tế bị Thủ tướng Alexis Tsipras phản đối.

Cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp đang thu hút sự chú ý đặc biệt của thế giới, bởi nếu quốc gia này phải rời khỏi Eurozone, sẽ kéo theo những hậu quả khôn lường không những đối với EU, mà nhiều nền kinh tế khác. Nếu Hy Lạp phải rời Eurozone, khối này bị mất toàn bộ các khoản tín dụng cấp cho Athens hiện ở mức 331 tỷ euro.

Ngoài việc người dân Hy Lạp phải chịu tác động tức thì, Pháp và Đức sẽ là những quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất bởi họ đang cho Hy Lạp vay hơn 110 tỷ euro. Tiếp đó là các khoản cho vay từ các ngân hàng cũng của Đức, Pháp và Anh (khoảng 30 tỷ euro), chưa kể khoản nợ IMF hơn 20 tỷ euro.

Theo giới kinh tế, Hy Lạp không thể hoàn trả các khoản nợ khi tỷ lệ nợ công hiện đã bằng 178% GDP và các chính sách thắt lưng buộc bụng chỉ khiến nền kinh tế thêm èo uột, teo tóp, làm giảm khả năng trả nợ. Do đó, các chủ nợ chỉ có thể chấp nhận xóa một phần lớn số nợ hoặc để Hy Lạp rời khỏi Eurozone.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tuy cảnh báo, cuộc khủng hoảng tài chính của Hy Lạp sẽ có tác động đáng kể đối với sự tăng trưởng ở châu Âu, nhưng cũng cho rằng, đây sẽ không phải là "cú sốc lớn" đối với hệ thống toàn cầu. Thủ tướng Italia Matteo Renzi đã trấn an dư luận, nước này sẽ không bị ảnh hưởng từ nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp bởi Italia đã “đứng ngoài” những nguy cơ có thể xảy ra trong trường hợp Hy Lạp rời khỏi Eurozone.

Quốc Trung - Trường Giang (tổng hợp)
.
.
.