Nhiều vấn đề nóng được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á

Thứ Tư, 21/11/2012, 08:26
Chiều 20/11, lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 đã diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia và kể từ tháng 1/2013, Brunei sẽ bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN. Cũng trong ngày 20/11, hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 7 (EAS 7) và đối thoại ASEAN-Mỹ đã diễn ra và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
>> Khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21

Mối quan tâm của Mỹ

Tại hội nghị EAS 7, các nhà lãnh đạo đã hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ Myanmar trong thúc đẩy tiến trình hòa hợp dân tộc và hội nhập khu vực, cũng như ủng hộ việc dỡ bỏ cấm vận kinh tế đối với Myanmar; ủng hộ một bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định, phi vũ khí hạt nhân và sớm nối lại đàm phán 6 bên.

Về biển Đông, nhiều nước nhấn mạnh tới việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Tuyên bố “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN”, Tuyên bố DOC và sớm xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).

Kết thúc hội nghị EAS 7, lãnh đạo các nước tham gia hội nghị Thượng đỉnh Đông Á đã thông qua Tuyên bố EAS về sáng kiến phát triển Đông Á và Tuyên bố EAS về phòng chống sốt rét kháng thuốc, đồng thời chính thức khởi động đàm phán về đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Tại hội nghị EAS7, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có các cuộc gặp song phương với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda. Một lần nữa, vấn đề biển Đông và tình hình tranh chấp lãnh hải căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước trong và ngoài ASEAN lại được dư luận trong và ngoài khu vực quan tâm.

Với tư cách là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm Campuchia, nhưng khi bắt tay Thủ tướng Hun Sen tối 19/11, ông Barack Obama đã thể hiện rõ những quan ngại của mình, nhất là trong vấn đề tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Giới truyền thông đưa tin, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã có cuộc gặp tại Campuchia và đây là cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai bên kể từ sau bầu cử tổng thống Mỹ và Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 (Đại hội 18).

Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Hun Sen.

Hãng tin AFP cho biết, ông Barack Obama và ông Ôn Gia Bảo đều né tránh câu hỏi của giới phóng viên về vấn đề biển Đông (nội dung được bàn thảo trọng tâm tại hội nghị), chỉ đề cập nhiều tới các vấn đề song phương. Tuy nhiên, Mỹ vẫn kêu gọi Trung Quốc xem xét Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) như một biện pháp giảm bớt căng thẳng với các nước trong khu vực, nhưng Bắc Kinh vẫn muốn đàm phán song phương xung quanh chủ đề nhạy cảm này.

Không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông!?

Giới truyền thông rất quan tâm tới tuyên bố của Campuchia trước khi diễn ra hội nghị EAS 7 bởi sự nhạy cảm của vấn đề. Ngay sau tuyên bố của Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia Kao Kimhourn - tất cả 10 nước ASEAN đã nhất trí không quốc tế hóa vấn đề biển Đông, Tổng thống Philippines Benigno Aquino lập tức có phản ứng. Tổng thống Benigno Aquino nhấn mạnh, Campuchia không nên rêu rao về cái gọi là “sự đồng thuận ASEAN xung quanh vấn đề biển Đông”.

Ngoại trưởng Philippines Albert Rosario cho biết, đã có một số quan điểm thể hiện tình đoàn kết ASEAN bị Campuchia diễn giải thành “sự đồng thuận ASEAN” và nước này đã gửi thư tới tất cả các lãnh đạo ASEAN để nói rõ rằng, không hề có sự đồng thuận nào giữa các nước Đông Nam Á về việc “không quốc tế hóa vấn đề biển Đông”. Ông Albert de Rosario nhấn mạnh, làm sao có thể đồng thuận bởi đồng thuận là 100% và không thể đồng thuận khi có 2 nước nói không về vấn đề này.

Dư luận cho rằng, Mỹ và nhiều nước trên thế giới đều ủng hộ cách tiếp cận đa phương về biển Đông, ủng hộ lập trường của Việt Nam, Philippines và một số nước tích cực trong ASEAN: quốc tế hóa vấn đề, tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực. Bởi đối với nhiều nước trong ASEAN, biển Đông là vấn đề cần được “hành động khẩn cấp”.

Tuy nhiên, tại hội đàm song phương với Campuchia (tối 18/11), Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã khẳng định với Thủ tướng Campuchia Hunen rằng vấn đề này không nên vội vàng. Ngày 19/11, ông Ôn Gia Bảo lại nhấn mạnh, không nên “quốc tế hóa” tranh chấp tại biển Đông

Lê Trịnh -Trọng Hậu
.
.
.