Nhiều quốc gia lo ngại về kế hoạch tấn công Syria của Mỹ - Anh

Thứ Tư, 28/08/2013, 09:38
Ngày 27/8, Nga đã lên tiếng cảnh báo việc can thiệp quân sự vào Syria có thể mang lại "hậu quả thảm khốc"cho khu vực trong khi Trung Quốc khuyên cộng đồng quốc tế nên nhớ về vụ dàn dựng vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) để tấn công Iraq vào năm 2003.
>> Tổng thống Syria bác bỏ các cáo buộc của phe đối lập

Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 26/8 Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, một hành động can thiệp quân sự không được thông qua tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Iran cũng đã lên tiếng cảnh báo, can thiệp vào Syria sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với Mỹ. Iraq thì khẳng định không cho phép sử dụng không phận hoặc lãnh thổ nước này để tiến hành bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Syria. Về phía Syria, trả lời phỏng vấn hãng tin AP tại Damascus, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mikdad cho biết, tấn công Syria sẽ làm bùng phát “sự hỗn loạn” và đe dọa hòa bình, an ninh trên toàn thế giới.

Ông khẳng định, Syria sẽ tự vệ trước bất kỳ cuộc tấn công quốc tế nào, đồng thời thề rằng Syria sẽ không phải là một mục tiêu dễ dàng. Một quan chức cấp cao khác của Syria thì đe dọa, nếu bị tấn công, nước này sẽ trả đũa nhằm vào Israel. Trong khi đó, nguồn tin từ Israel cho hay, trong 3 ngày qua, giới chức Mỹ và phương Tây đã có những thảo luận kín về khả năng can thiệp quân sự vào Syria, và có thể bắt đầu một cuộc tấn công phối hợp không quân và hải quân trong vòng 7/10 ngày.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã có các cuộc họp gấp với quan chức chính phủ và quân đội để chuẩn bị kế hoạch đối phó với nguy cơ bị tấn công từ bên ngoài.

Thậm chí, các chỉ huy quân sự Anh-Mỹ còn phác thảo danh sách các mục tiêu “tiềm năng” để tấn công, trong một chiến dịch tương tự với giai đoạn mở đầu trong cuộc can thiệp của phương Tây vào Libya để lật đổ nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi. Ngoại trưởng Anh William Hague hôm 26/8 còn tuyên bố rằng, một cuộc tấn công nhằm trả đũa việc chính phủ Syria "sử dụng vũ khí hóa học" có thể được tiến hành mà không cần sự đồng thuận tuyệt đối của Hội đồng Bảo an LHQ.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu thì khẳng định, nước này sẽ tham gia vào bất kỳ liên minh quốc tế nào chống lại Syria ngay cả khi hành động tấn công Damascus không nhận được sự đồng thuận của Hội đồng Bảo an LHQ. Tờ Washingtonpost số ra ngày 27/8 nhấn mạnh, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang cân nhắc tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào Syria, nhưng hạn chế về quy mô và thời gian.

Theo các nguồn tin này, cuộc tấn công có thể kéo dài không quá 2 ngày và sẽ được tiến hành theo cách để Mỹ tránh can dự trên quy mô lớn vào cuộc nội chiến kéo dài 29 tháng qua tại Syria. Mỹ hiện cũng đã đơn phương hủy cuộc gặp thảo luận về giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria dự kiến tổ chức tại The Hague (Hà Lan) ngày 28/8 với sự tham gia của đại diện đến từ Nga.

Giới quan sát nhận định, động thái nói trên của Anh và Mỹ có thể xuất phát từ tuyên bố của phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ Farhan Haq rằng, các thanh sát viên LHQ đã tìm thấy “một số bằng chứng quan trọng” và “đang cố gắng hoàn thành việc “phân tích khoa học một cách sớm nhất có thể và sẽ tìm cách dựng lại báo cáo tường thuật về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học".

Tuy nhiên, tuyên bố của ông Farhan Haq cũng không khẳng định rằng số vũ khí hóa học được dùng là thuộc lực lượng đối lập hay của quân đội chính phủ Syria. Chỉ biết rằng, khi phát hiện thấy công việc thu thập chứng cứ của các thanh sát viên có những chuyển biến, một nhóm tay súng bắn tỉa giấu mặt đã nổ súng nhằm vào nhóm thanh sát viên LHQ này. Rất may không có thông tin về thương vong nhưng xe chở các thanh sát viên đã bị hư hại nặng nề.

Hiện LHQ đang yêu cầu chính phủ Syria hỗ trợ công tác bảo vệ an toàn tính mạng cho các thanh sát viên để họ có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách công bằng, trung thực và nhanh nhất

Phan Hiển
.
.
.