Nhiều quốc gia châu Âu có thể tiếp tục bị hạ xếp hạng tín dụng

Thứ Năm, 06/10/2011, 11:34
Ngay sau khi hãng Moody's hạ mức xếp hạng tín dụng của Italia (4/10) - lần đầu tiên trong gần 20 năm và chỉ 2 tuần sau khi hãng Standard & Poor's có động thái tương tự (20/9), dư luận bày tỏ sự quan ngại khi cho rằng, những quốc gia châu Âu có xếp hạng nợ dưới AAA đều có thể bị hạ bậc tín dụng trong thời gian tới.

Cảnh báo kể trên được đưa ra ngay sau khi hãng Moody's hạ mức xếp hạng tín dụng của Italia từ AA2 xuống còn A2 do lo ngại tình hình nợ công của nước này có thể diễn biến xấu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chưa khởi sắc.

Được biết, lần hạ xếp hạng tín dụng mới nhất của Moody's đối với Italia diễn ra cách đây hơn 18 năm (tháng 5/1993). Việc cả 2 tổ chức xếp hạng tín dụng đều hạ mức xếp hạng tín dụng trong vòng hơn 10 ngày đối với triển vọng kinh tế của Italia thực sự khiến giới đầu tư lo lắng.

Hơn nữa, việc này diễn ra ngay sau khi nhóm bộ trưởng tài chính 17 nước khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vừa kết thúc cuộc họp tại Luxembourg nhằm tìm giải pháp đối với gói cứu trợ thứ 2 dành cho Hy Lạp. Điều đáng nói là các quốc gia kể trên đã hoãn đưa ra quyết định giải ngân khoản cứu trợ trị giá 8 tỷ euro cho Hy Lạp cho dù Chủ tịch nhóm bộ trưởng tài chính 17 nước Eurozone Jean-Claude Juncker khẳng định, Hy Lạp không bị vỡ nợ và không một quốc gia châu Âu nào được phép buộc Hy Lạp phải rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Người biểu tình tại Tây Ban Nha.

Giới truyền thông đưa tin, ngày 5/10, hãng Standard & Poor's lại vừa đưa ra khuyến cáo về nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế tương tự năm 2008 đang gia tăng. Theo đó, mức tăng trưởng tại các nước thuộc Eurozone trong năm 2012 là 1,1% và tại Anh là 1,7%, thấp hơn so với mức dự báo được đưa ra hồi cuối tháng 8 lần lượt là 1,5% và 1,8%.

Việc này diễn ra trước cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 6/10 càng khiến giới chuyên môn quan tâm. Ngoài ra, EU cũng đang chuẩn bị giải cứu các ngân hàng khu vực trước khả năng Hy Lạp vỡ nợ và Ngân hàng Dexia của Pháp - Bỉ đã trở thành ngân hàng châu Âu đầu tiên được giải cứu bởi hệ quả từ cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone. Hơn nữa, việc này diễn ra cùng thời điểm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke thông báo, FED sẵn sàng áp dụng các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Ông Ben Bernanke đưa ra thông báo kể trên khi nhiều công đoàn lớn ở Mỹ tuyên bố ủng hộ phong trào "Chiếm phố Wall" để phản đối giới tài chính nước này. Dự kiến, họ sẽ tổ chức tuần hành quy mô lớn ở Quảng trường New York hôm 6/10.

Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos cho biết, nước này có đủ tiền mặt để hoạt động tới giữa tháng 11. Nhưng hôm 5/10, khu vực nhà nước ở Hy Lạp đã bị tê liệt vì cuộc bãi công trên khắp đất nước để phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng mới" của chính phủ.

Trong khi đó, hàng ngàn giáo viên công lập Tây Ban Nha tại vùng Madrid đã đình công (4/10) để phản đối việc cắt giảm nhân viên và ngân sách giáo dục trong khi chính phủ cố gắng cải thiện tình trạng tài chính đất nước

Tiên Du
.
.
.