Scandal do thám, nghe lén của tình báo Mỹ và Anh:

Nhiều quốc gia cảnh báo vi phạm quyền riêng tư

Thứ Tư, 19/06/2013, 08:43
Chương trình do thám PRISM của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) sau khi bị tiết lộ đã gây sốc dư luận. Tuy nhiên, chỉ đến khi “người thổi còi” Edward Snowden tiết lộ về việc tình báo Anh, Mỹ giám sát và nghe lén các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại thủ đô London hồi năm 2009, các quốc gia mới thể hiện sự phản đối mạnh mẽ trước vụ việc này.
>>Tình báo Mỹ từng nghe lén cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev

Tin từ hãng AFP cho hay, hôm 17/6, Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu Đại biện lâm thời Anh tại nước này để yêu cầu làm rõ những cáo buộc cho rằng Anh đã do thám các thư điện tử và nghe lén các cuộc điện thoại của Bộ trưởng Tài chính Mehmet Simsek trong quá trình diễn ra Hội nghị G20 tại thủ đô London hồi năm 2009.

Một nhà ngoại giao giấu tên Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Bộ Ngoại giao nước này đã bày tỏ quan ngại về những cáo buộc nói trên và chờ "sự giải thích chính thức và thỏa đáng" từ phía London. Cùng ngày, Nam Phi cũng đề nghị Chính phủ Anh "hành động rõ ràng và cương quyết" đối với những cáo buộc nghe lén.

Riêng với Nga, sau khi báo chí đăng tải thông tin rằng cựu Tổng thống Dmitry Medvedev nay là Thủ tướng bị nghe lén trong thời gian tham dự Hội nghị G20, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Alexei Pushkov đã gọi đây là "một vụ bê bối", còn Thượng nghị sỹ Igo Igor Morosov tuyên bố điều này nếu đúng sự thật chắc chắn sẽ gây tổn hại cho quan hệ Nga-Mỹ.

Phó Chủ tịch kiêm Ủy viên Tư pháp Ủy ban châu Âu Viviane Reding hôm 17/6 đã gửi thư cho Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder Jr cảnh báo xung quanh nghi vấn chính phủ Mỹ do thám người dân châu Âu.

Thủ tướng Anh David Cameron từ chối bình luận vì cho đây là vấn đề của cơ quan tình báo. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, thông tin do tờ Guardian đưa ra đúng vào thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Bắc Ireland nên đại biểu nhiều quốc gia khác cũng đã tỏ thái độ dè chừng và nghi kị trước các hoạt động của cơ quan an ninh Anh.

Trung Quốc, quốc gia được “người thổi còi” Edward Snowden nhắc đến như là nạn nhân số 1 của chương trình tấn công mạng do NSA thực hiện cũng đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Washington phải có lời giải thích thỏa đáng về hoạt động của chương trình PRISM.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: “Mỹ phải lưu ý đến những lo ngại của cộng đồng quốc tế và người dân các nước liên quan đến chương trình giám sát người truy cập internet. Chúng tôi cần những giải trình xác đáng từ Mỹ”. Đồng thời, bà Hoa Xuân Oánh cũng từ chối cáo buộc cho rằng Edwarđ Snowden là gián điệp cho Trung Quốc.

Lục địa già châu Âu, nơi có nhiều quốc gia thành viên là đồng minh thân thiết của Mỹ sau hàng loạt cuộc họp cấp cao, hôm 17/6 cũng đòi hỏi Mỹ phải đưa ra những lời giải đáp nhanh chóng và cụ thể nhằm bảo đảm rằng các chương trình theo dõi đại trà của nước này không vi phạm những quyền riêng tư cơ bản của công dân châu Âu.

Giới chức EU còn bày tỏ lo ngại rằng, phạm vi sử dụng đạo luật yêu nước của Mỹ có thể dẫn đến tình huống các công ty châu Âu bị đòi hỏi chuyển dữ liệu cho Mỹ, vi phạm luật EU và luật các quốc gia EU. Một điểm đáng chú ý nữa là, các con số thống kê gửi lên Nghị viện châu Âu (EP) thời gian qua cho thấy, nhiều khả năng, người dân châu Âu cũng bị NSA theo dõi thông qua chương trình PRISM và điều này thật sự đem lại những hậu quả bất lợi đối với các quyền cơ bản của công dân EU.

“Người thổi còi” Edward Snowden đã tiết lộ nhiều thông tin.

Vì thế, theo nhiều nhà phân tích, không chỉ chính quyền Washington, giới chức tình báo Mỹ mà cả các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông và internet ở châu Âu và Mỹ đều phải trả lời đầy đủ câu hỏi này. Trong trường hợp, quyền riêng tư của người dân bị xâm phạm, EU không loại trừ khả năng khởi kiện.

Để biện luận cho những hành động của mình và làm dịu những quan ngại về chương trình PRISM, hôm 17/6, NSA cũng tuyên bố sẽ cho công bố các chi tiết liên quan đến các âm mưu khủng bố nhằm vào Mỹ và hơn 10 quốc gia khác trên thế giới, bị cơ quan này kịp thời phát giác và ngăn chặn với đóng góp không nhỏ của chương trình giám sát này

Phan Hiển
.
.
.