Nhiều “ông lớn” kêu gọi ngừng bắn tại Ukraine

Thứ Sáu, 04/07/2014, 08:20
Trong cuộc gặp được tổ chức vào rạng sáng 3/7 tại Berlin (Đức), theo sáng kiến của Ngoại trưởng nước này Frank-Walter Steinmeier, Ngoại trưởng các nước Ukraine, Nga, Pháp và Đức đã ra tuyên bố chủ trương theo đuổi hòa bình bền vững và ổn định tại Ukraine. Các bên cũng đã thống nhất tiến hành các cuộc đàm phán trước ngày 5/7 giữa đại diện Ukraine, Nga, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), trong đó có sự tham gia của lực lượng ủng hộ liên bang hóa tại miền Đông Ukraine, nhằm tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn không điều kiện, lâu dài và chắc chắn.

Tuyên bố trên cũng kêu gọi các phe phái tại Ukraine chấm dứt bạo lực, tiến hành thả các con tin và khu vực biên giới Nga-Ukraine phải nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền Ukraine. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier khẳng định, dù việc nhất trí tiến hành đàm phán không phải giải pháp giúp thay đổi ngay lập tức tình hình Ukraine, nhưng rõ ràng đây là bước đi đầu tiên vô cùng quan trọng để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn.

Ông Steinmeier nhấn mạnh, đây là cơ hội mà tất cả các bên cần nắm giữ để chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius thì bày tỏ tin tưởng thỏa thuận đạt được là bước đi đúng hướng nhằm giảm căng thẳng tại miền Đông Ukraine, nơi quân đội chính phủ Ukraine vừa nối lại chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng đòi liên bang hóa.

Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh điểm quan trọng của tuyên bố là “sự cần thiết thống nhất ngay các điều kiện ngừng bắn lâu dài và bền vững” thông qua cuộc họp của Nhóm tiếp xúc quốc tế liên nghị viện về Ukraina nhằm chấm dứt đổ máu và tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán thực sự với sự tham gia của tất cả các bên có liên quan, tất cả các khu vực của Ukraine để thống nhất về tương lai Ukraine dựa trên thỏa thuận Geneva 17/4.

Theo ông Lavrov, Nhóm tiếp xúc quốc tế liên nghị viện hiện nay là cơ chế duy nhất có đại diện của cả chính quyền Kiev và lực lượng đòi liên bang hóa cùng sự tham gia của OSCE và Nga. Ngoại trưởng Nga hy vọng các đối tác liên quan cần thống nhất với nhau hối thúc giới lãnh đạo Ukraine đối thoại. Tuy nhiên, ông Lavrov cũng khẳng định Moskva không chấp nhận tuyên bố của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko rằng ngừng bắn chỉ là để bố trí lại lực lượng.

Ông cho biết đại diện lực lượng đòi liên bang hóa tại miền Đông Ukraine đã tuyên bố sẵn sàng tham vấn để thống nhất các điều kiện ngừng bắn. Ngoại trưởng Nga cũng tuyên bố Moskva sẵn sàng cho phép lính biên phòng Ukraine tiếp cận lãnh thổ Nga để tới các trạm kiểm soát biên giới ở Gukovo và Donetsk một khi các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Tại cuộc gặp, các bên đều hoan nghênh quyết định này của Nga, đồng thời kêu gọi OSCE thông qua các biện pháp cần thiết bố trí quan sát viên OSCE theo lời mời của Nga thăm các trạm kiểm soát cửa khẩu của Nga, cho rằng điều này có thể góp phần kiểm soát hiệu quả biên giới giữa hai nước. Các bên cũng kêu gọi trao đổi thông tin thường xuyên và nhanh chóng giữa Nga, Ukraine và OSCE.

Trước đó, ngày 2/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố nước này sẽ duy trì những nỗ lực trong việc tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine. Bà Merkel bày tỏ đáng tiếc về việc Chính phủ Ukraine đã kết thúc lệnh ngừng bắn quá sớm và cho biết sẽ không ngừng tìm kiếm các biện pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và người đồng cấp Ukraine Pavlo Klimkin tại cuộc họp hôm 3/7 tại Berlin, Đức.

Bên cạnh đó, Berlin vẫn để ngỏ khả năng tăng cường trừng phạt Nga. Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Ernest tuyên bố Mỹ tôn trọng quyết định chấm dứt lệnh ngừng bắn của Tổng thống Poroshenko và kêu gọi Nga ngừng ủng hộ lực lượng đòi liên bang hóa. Cùng ngày, Moskva đã kêu gọi các nhà chức trách Ukraine từ bỏ chiến dịch quân sự ở miền Đông và quay lại với lệnh ngừng bắn thực sự. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng, hành động giải quyết những vấn đề chính trị của Ukraine bằng con đường bạo lực là đi ngược lại với các tiêu chuẩn của xã hội văn minh châu Âu – điều mà Kiev đang kì vọng.

Còn Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon thì bày tỏ “vô cùng thất vọng” vì lệnh ngừng bắn đơn vừa qua “đã không có được động lực cần thiết để chấm dứt bạo lực”. Ông kêu gọi tất cả các bên ở Ukraine không từ bỏ ý tưởng về “một lệnh ngừng bắn thực sự hoạt động” và nỗ lực hướng đến việc chấm dứt hoàn toàn bạo lực bằng việc tiếp tục tiến trình chính trị và ngoại giao.

Trong một diễn biến liên quan, lực lượng đòi liên bang hóa tại “Cộng hòa nhân dân” Lugansk ngày 2/7 cho biết đã trả tự do cho 2 nhà báo thuộc kênh truyền hình Hromadske TV là phóng viên Anastasia Stanko và nhà quay phim Illya Bezkaravayny, theo lời kêu gọi của giới truyền thông Nga. Người đứng đầu chính quyền nước “Cộng hòa nhân dân” Donetsk Valery Bolotov cho biết các nhà báo trên được trả tự do sau khi lãnh đạo của 3 đài truyền hình nhà nước Nga đích thân can thiệp vào sáng 2/7. Hãng thông tấn Nga RIA Novosti đưa tin lãnh đạo của 3 đài này đã gửi thư cho ông Bolotov nói rằng những phóng viên này không đáng để giam giữ “bất chấp quan điểm (chính trị) của họ là gì”.

Ngày 3/7, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã đề cử 2 vị trí cấp cao nhất trong quân đội nước này, đồng thời đưa ra cam kết sẽ diệt trừ tận gốc nạn tham nhũng vốn đã làm lực lượng vũ trang Ukraine suy yếu dưới thời của Tổng thống tiền nhiệm. Theo đó, Thượng tướng Valery Heletey đã được ông Poroshenko giới thiệu làm Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine thay thế quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mykhailo Koval, trong khi Trung tướng Viktor Muzhenko sẽ giữ cương vị Tổng tham mưu trưởng quân đội.

Ngoài hai vị trí trên, Tổng thống Poroshenko cũng đề cử ông Yury Kosyuk – ông trùm trong lĩnh vực nông nghiệp và là một trong những người giàu nhất Ukraine giữ vai trò giám sát các vấn đề chi tiêu quốc phòng.

Cùng ngày, Quốc hội Ukraine đã xem xét thông qua dự luật do chính phủ của quyền Thủ tướng Arseny Yatseniuk đệ trình liên quan đến ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên do Kiev chưa thanh toán nợ của Nga.

Hà Khổng
.
.
.