Nhiều nước mở cửa đón nhận dòng người di cư
Trước đó, ngày 5/9, Chính phủ Anh và Slovenia tuyên bố sẽ tiếp nhận thêm người tị nạn nhằm giúp giảm căng thẳng cho cuộc khủng hoảng người di cư đang đẩy châu Âu vào tình trạng hỗn loạn. Austria và Đức cũng đã mở cửa đón nhận dòng người di cư.
Nhiều nước chào đón người di cư
Phát biểu từ Canberra, Thủ tướng Abbott nêu rõ: “Chúng tôi đang xem xét nhận nhiều người hơn từ khu vực này, cũng như tăng viện trợ cho người tỵ nạn Syria đang ở trong các trại tỵ nạn ở các nước láng giềng như một phần trong cam kết bền vững của Australia với Cao ủy Liên Hợp Quốc (LHQ) về người tị nạn (UNHCR)”.
Lời cam kết này được đưa ra sau khi có nhiều lời kêu gọi Australia tăng lượng tiếp nhận người di cư từ Syria. Tổ chức Hòa bình Xanh (Green Peace) hối thúc Australia tiếp nhận ngay lập tức 20.000 người tị nạn Syria. Trong khi đó, thủ lĩnh Công đảng đối lập ở Australia Bill Shorten cho rằng, Chính phủ phải tiếp nhận nhiều hơn nữa người tị nạn Syria.
Cũng tại buổi họp báo, Thủ tướng Abbott còn chỉ ra rằng, trong năm tài chính vừa qua, Australia đã cho định cư hơn 4.400 người từ Syria và Iraq và dự kiến tăng số người tiếp nhận từ 13.750 đến 18.750 vào năm 2018. Thủ tướng Australia cho biết thêm rằng, Bộ trưởng Nhập cư nước này Peter Dutton tối 6/9 sẽ lên đường sang Geneva để thảo luận với LHQ cách thức mà Chính phủ Australia có thể hỗ trợ trong cuộc khủng hoảng di cư hiện nay ở châu Âu.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố, Chính phủ nước này muốn mở rộng chương trình tiếp nhận người di cư từ những khu vực xung đột, theo đó sẽ tiếp nhận 15.000 người tị nạn Syria nhằm giúp giảm căng thẳng cho cuộc khủng hoảng người di cư đang đẩy châu Âu vào tình trạng hỗn loạn.
Thực phẩm và nước uống được chuẩn bị cho người di cư tại nhà ga xe lửa ở Frankfurt, Đức. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, Thủ tướng Cameron cho biết Anh sẽ tiếp tục nhận người từ các trại tị nạn, tạo cho họ “con đường đến nước Anh trực tiếp và an toàn hơn việc mạo hiểm lao vào hành trình nguy hiểm đã làm tổn thất nhiều sinh mạng”. Tuy nhiên, theo các quan chức Anh, những đối tượng được tiếp nhận có thể là những người đang tá túc trong các trại tị nạn của UNHCR tại khu vực biên giới Syria, chứ không bao gồm những người đang tập trung ở thị trấn cảng Calais của Pháp hay các địa điểm khác để tìm cách vào Anh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Cameron cũng tuyên bố sẽ phát động chiến dịch quân sự nhằm đập tan các tổ chức buôn người, một phần nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng người di cư trở nên trầm trọng.
Mặc dù không bị tác động nhiều bởi làn sóng người di cư, Ngoại trưởng Slovenia Karl Erjavec tuyên bố quốc gia này sẵn sàng tiếp nhận tối đa 2.000 người di cư từ Italia và Hy Lạp để giúp các nước này giảm tải số lượng người xin tị nạn.
Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề nghị Slovenia tiếp nhận tổng cộng 2.128 người di cư song đã bị phản đối với lý do không có đủ cơ sở hạ tầng để tiếp nhận số người trên và đề nghị chỉ nhận một phần rất nhỏ. Tuy nhiên, những diễn biến của cuộc khủng hoảng người di cư vào châu Âu trong những ngày qua đã khiến Slovenia thay đổi lập trường. Trước đó, hàng nghìn người di cư đã được phía Hungary chở tới biên giới phía Tây giáp với Austria.
Đến đầu giờ chiều 5/9, có khoảng 6.500 người đã vào lãnh thổ Austria và được chính quyền nước này tiếp nhận trước khi thuê xe buýt và tàu hỏa để chở họ tới Vienna, Salzbourg và sang Đức. Thông qua mạng xã hội Facebook, Thủ tướng Austria Werner Faymann cho biết: “Vì hình tình khẩn cấp tại biên giới với Hungary, Austria và Đức chấp thuận cho người tị nạn vào lãnh thổ”.
Theo Thủ tướng Faymann, người đồng cấp Đức Angela Merkel cũng cho phép dòng người tị nạn vào lãnh thổ của mình bất chấp còn nhiều bất đồng trong Liên minh châu Âu (EU).
“Thời khắc định hình” lại châu Âu
Trong một phát biểu mới đây, Trưởng UNHCR Antonio Guterres mô tả cuộc khủng hoảng di dân ở châu Âu là một “tình hình hết sức bi thảm”, và cũng là một “thời khắc định hình” cho EU nếu EU vẫn tiếp tục chia rẽ về vấn đề này thì chỉ có lợi cho những kẻ đưa người trái phép và buôn người xuyên biên giới.
Từ đó, ông Guterres kêu gọi EU đảm nhiệm những trung tâm giải quyết di dân. Đồng quan điểm, người phát ngôn UNHCR Melissa Fleming cho rằng, cuộc khủng hoảng đã phơi bày sự khác biệt trong thái độ và chính sách của các nước thành viên EU. Bà kêu gọi thành lập những trung tâm giải quyết di dân dưới sự bảo trợ của LHQ và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM). UNHCR cũng đề nghị châu Âu phải có một kế hoạch khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay, trong đó kêu gọi Liên minh châu Âu tiếp nhận thêm 200.000 người tị nạn như một phần trong chương trình tái thiết quy mô lớn của mình.
Trong khi đó, phát biểu tại hội nghị không chính thức của các Ngoại trưởng EU hôm 5/9 tại Luxembourg, Bộ trưởng Ngoại giao tạm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ Feridun Sinirlioglu đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chia sẻ trách nhiệm trong việc cung cấp viện trợ cho người tị nạn Syria.
Ngoại trưởng Sinirlioglu chỉ ra rằng, trong số 300.000 người di cư đã tới châu Âu kể từ tháng 1/2015 tới nay có tới 46% là người Syria và 12% là người Afghanistan. Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini nhấn mạnh, nếu cộng đồng quốc tế không chung tay giải quyết vấn nạn người di cư, cuộc khủng hoảng này có thể ảnh hưởng tới nhiều quốc gia thành viên EU khác trong tương lai.
Trước đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng đưa ra lời kêu gọi sự đoàn kết giữa các thành viên EU trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng đầy thử thách này. Chính phủ Italia, Pháp và Đức dự kiến sẽ thúc đẩy một hệ thống của châu Âu cho phép hồi hương những di dân không đủ điều kiện xin tị nạn và cải thiện kiểm soát biên giới.
Austria kêu gọi tổ chức hội nghị thượng đỉnh về người di cư Ngày 6/9, Thủ tướng Austria Werner Faymann đã kêu gọi EU tổ chức cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng người di cư “ngay sau” cuộc họp của các Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp vào ngày 14/9 tới. Thủ tướng Faymann nhấn mạnh, việc nước này hỗ trợ những người tị nạn mắc kẹt tại Hungary tới Đức chỉ là một giải pháp tạm thời, biểu thị “thiện chí” của Vienna trong cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay. Người đứng đầu Chính phủ Austria khẳng định, không có biện pháp thay thế nào ngoài việc EU phải tìm ra một giải pháp chung toàn khối. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi chính quyền Austria và Đức mở cửa biên giới cho phép thêm hàng nghìn di cư vào hai nước này sau nhiều ngày bị kẹt lại ở Hungary. Trong khi đó, Ngoại trưởng Austria Sebastian Kurz cũng tuyên bố rằng số phận của người di cư và cái giá mà họ phải trả bằng cả mạng sống là “hồi chuông cảnh tỉnh” đối với châu Âu. Kim Linh |