Nhiều nước lên tiếng ủng hộ Tổng thống Syria

Thứ Ba, 29/09/2015, 07:53
Trong bài phát biểu tại Liên hợp quốc (LHQ) hôm 28/9 (giờ Việt Nam), nhấn mạnh sự phản đối đối với hành động can thiệp vào công việc nội bộ nước khác, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã đặt ra câu hỏi về lý do Mỹ và phương Tây muốn lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ông ấy đã làm điều gì sai?”.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moskva sẽ hỗ trợ Damascus dựa theo Hiến chương LHQ. Còn Tổng thống Iran Hassan Rouhani thì nhấn mạnh, Tổng thống Assad đáng được quốc tế ủng hộ, khi quân đội Syria đang chiến đấu chống lại các tổ chức khủng bố, đặc biệt là nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Lukashenko đưa ra câu hỏi: “Tại sao (các ngài - PV) lại muốn lật đổ ngài Tổng thống đương nhiệm? Ông ấy đã làm điều gì sai?” Nhắc lại các cuộc khủng hoảng khác tại Trung Đông và châu Phi, Tổng thống Lukashenko tiếp tục hỏi: “Vì lí do xuất hiện vũ khí hạt nhân tại Iraq nên nhiều nước đã quyết định dân chủ hóa Iraq. Những vũ khí hạt nhân đó đâu rồi? Nền dân chủ đó giờ ở đâu?”. Tổng thống Belarus kết luận rằng, “bắt đầu ở Tunisia và kết thúc ở Libya, kịch bản đó là như nhau”.

Trước đó, Tổng thống Putin nói, Moskva sẽ chỉ hỗ trợ quân sự cho quân đội Syria hợp pháp của Tổng thống Assad theo đúng nguyên tắc của Hiến chương LHQ: “Chúng tôi chỉ hỗ trợ một chính phủ hợp pháp. Việc hỗ trợ bao gồm cung cấp vũ khí, huấn luyện binh sĩ, hỗ trợ nhân đạo cho người dân Syria”. Tổng thống Nga cũng tái khẳng định, Moskva hiện không có kế hoạch tham gia bất kỳ chiến dịch quân sự nào trên mặt đất tại Syria cũng như các nước khác.

Ông chủ Điện Kremlin đồng thời chỉ ra rằng, thực tế hiện nay chính quyền của Tổng thống Assad đang đấu tranh với các tổ chức khủng bố chứ không phải với phe đối lập như cách giải thích của một số nước, trong đó có Mỹ: “Có một quân đội hợp pháp duy nhất tại Syria, đó là quân đội của Tổng thống Syria. Tổng thống Assad đang phải đối mặt với các chỉ trích, nhưng thực tế quân đội Assad đang đối phó chống các tổ chức khủng bố”.

Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cũng chỉ trích kế hoạch hỗ trợ quân sự của Mỹ đối với các tay súng đối lập Syria (mà Washington cho là “ôn hòa”) để tăng cường cho các lực lượng quân sự chống lại IS tại Syria, cho rằng điều này là vô ích và bất hợp pháp, khi lực lượng này lại đào ngũ, chiến đấu cùng IS bằng chính vũ khí do Mỹ cung cấp.

Về điều này, chính Lầu Năm Góc hôm 25/9 đã xác nhận, đơn vị NFS (lực lượng tân Syria) đã đầu hàng và giao nộp 6 xe bán tải cùng một phần đạn dược của họ cho một nhóm bị nghi là Mặt trận al-Nusra có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda.

Cái bắt tay Nga - Mỹ cần thiết để giải quyết các thách thức tại Syria. (Tổng thống Putin và Tổng thống Obama trong một lần gặp gỡ trước đây).

Số lượng thiết bị quân sự này chiếm khoảng 25% lượng khí tài mà Washington đã cung cấp cho NFS. Hồi tuần trước, Tướng Lloyd Austin thừa nhận trước Quốc hội Mỹ rằng, chỉ còn “4 - 5 chiến binh” Mỹ huấn luyện vẫn còn chiến đấu. Washington đã chi 500 triệu USD để đào tạo và trang bị cho khoảng 5.000 phiến quân Syria với mục tiêu chiến đấu chống lại IS.

Chia sẻ quan điểm của Tổng thống Putin, Tổng thống Iran Rouhani cho rằng, các nước cần phải chấp nhận việc Tổng thống Assad tiếp tục nắm quyền. Mục đích chính hiện nay đó là chống khủng bố tại Syria, thông qua việc tăng cường cho Chính phủ của Tổng thống Assad. “Tôi nghĩ rằng hôm nay ai cũng đã chấp nhận rằng Tổng thống Assad phải tại vị để chúng ta có thể chống khủng bố”, Tổng thống Rouhani nói, đồng thời nhấn mạnh, một khi chính quyền Tổng thống Assad bị suy yếu, hoặc bị đẩy ra khỏi cán cân chính trị tại Syria, thì quốc gia Trung Đông này sẽ trở thành “thiên đường an toàn” cho các phần tử khủng bố.

Nhà lãnh đạo Iran cũng chỉ ra rằng, nhiều cường quốc đã đồng ý với quan điểm chính quyền hiện nay ở Syria phải tiếp tục lãnh đạo đất nước. Một trong những nước hàng đầu phương Tây là Đức đã bày tỏ quan điểm ủng hộ Tổng thống Assad trong tiến trình hòa bình của Syria. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hôm 27/9 tuyên bố, ông Assad có vai trò quan trọng để đạt được ngừng bắn tại Syria, song tương lai của nước này sẽ không thể gắn bó với ông. Ngoại trưởng Steinmeier cũng đã kêu gọi tổ chức các cuộc đàm phán có sự tham dự của các lãnh đạo khu vực, các nước châu Âu, Mỹ và Nga “nhằm hướng tới thành lập một chính phủ chuyển tiếp ở Syria”.

Thủ tướng Anh David Cameron thì “có vẻ” sẽ từ bỏ lập trường phản đối ông Assad giữ vai trò trong chính phủ chuyển tiếp. Ông Cameron cho rằng, Tổng thống Asad không có tương lai “dài hạn”, nhưng ông vẫn có thể tại vị trong giai đoạn chuyển tiếp. Thủ tướng Cameron cũng tuyên bố nước này có thể hợp tác với Nga để tiêu diệt IS. Nga và các cường quốc khác nên hành động bởi điều này mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Theo các chuyên gia, một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria là điều mà không chỉ Nga và Mỹ, mà tất cả các nước đều ủng hộ. Tổng Thư kí NATO Jens Stonltenberg cho rằng, hợp tác Nga và Mỹ là điều cần thiết để tránh đối đầu tại Syria: “Cần có sự hợp tác giữa Nga và Mỹ - người đang dẫn đầu liên minh quốc tế chống IS. Tôi hoan nghênh các cuộc tiếp xúc giữa Nga và Mỹ để giải quyết các thách thức tại Syria. Tôi cũng hối thúc Nga có vai trò tích cực và xây dựng trong cuộc chiến chống IS”.

Khổng Hà
.
.
.