Trước việc quân đội Ai Cập điều xe tăng, thiết giáp trấn áp người biểu tình:

Nhiều nước khuyến cáo công dân không tới Ai Cập

Chủ Nhật, 18/08/2013, 11:32
Ngày 16/8, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã điện thoại trực tiếp cho Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) Ekmeleddin Ihsanoglu để bày tỏ những lo ngại của mình về tình hình Ai Cập hiện nay. Đồng thời, ông Javad Zarif cũng đề nghị OIC phải có can thiệp sớm hoặc tìm ra biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ nội chiến ở Ai Cập.

Tổng thư ký OIC Ekmeleddin Ihsanoglu cũng đồng tình với những lo lắng của Ngoại trưởng Iran và lên án việc quân đội chính phủ Ai Cập trấn áp người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Mohamed Mursi. Tổng thống Iran Hasan Rouhani còn nhấn mạnh rằng, người dân Ai Cập đang trên đường đi tìm dân chủ và công lý.

Vì vậy, chính phủ và quân đội nước này không có quyền đàn áp hay ngăn chặn hành động của người dân. Về phía các quốc gia phương Tây, bất bình trước những động thái của chính quyền Cairo, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Holland cũng đang đề nghị các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp vào tuần tới để bàn về tình hình Ai Cập cũng như xem xét lại mối quan hệ với nước này.

Trong khi đó, tại Venezuela, Tổng thống Nicolas Maduro đã ra lệnh rút Đại sứ tại Ai Cập về nước, kêu gọi khôi phục quyền lực cho cựu Tổng thống Mohamed Mursi và trật tự hiến pháp ở nước này. Phát biểu tại một buổi lễ được phát trực tiếp trên truyền hình, ông Nicolas Maduro cho biết, Venezuela sẽ cùng với các thành viên khác của Liên minh Bolivar cho các dân tộc châu Mỹ (Alba) đưa vấn đề Ai Cập lên Liên hợp quốc (LHQ), để cộng đồng quốc tế lên án đảo chính và đòi khôi phục trật tự Hiến pháp và sự bình yên tại quốc gia Arab này. Chưa hết, Tổng thống Venezuela còn tố cáo Mỹ và Israel đứng đằng sau cuộc đảo chính lật đổ ông Mohamed Mursi cũng như các cuộc biểu tình phản đối chính phủ tại các quốc gia khác ở khu vực như Syria…

Những người biểu tình ở Ai Cập đang ném đá vào Cảnh sát khi lực lượng này tiến gần đến nhà thờ Rabaa Adawiya ở thủ đô Cairo.

Nhiều quốc gia khác như Uruguay, Brazil, Mexico, Argentina, Chile, Ecuador, Peru cũng đã ra thông cáo lên án tình trạng bạo lực đẫm máu tại Ai Cập. Hãng Reuters đưa tin, sau cuộc họp khẩn cấp hôm 15-8, Hội đồng Bảo an LHQ đã quyết định cử người phụ trách các vấn đề chính trị Jefrey Feltman tới Ai Cập vào tuần tới để sắp xếp các cuộc gặp với quan chức chính phủ và cả đại diện của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB). Và để chuyến đi đạt được kết quả tốt, ông Jefrey Feltman sẽ ghé qua các quốc gia khác trong khu vực Trung Đông để lấy ý kiến thăm dò, tư vấn.

Theo tin từ hãng Telegraph, sau các cuộc bạo động đẫm máu hôm 13-8, hôm 16/8, thêm gần 90 người đã thiệt mạng khi những người biểu tình ủng hộ MB và cựu Tổng thống Mohamed Mursi tiếp tục có những đụng độ với lực lượng an ninh Ai Cập trên đường phố thủ đô Cairo. Bộ Nội vụ Ai Cập khẳng định, 1.004 người được coi là thành viên của MB đã bị bắt giữ. Chính phủ Ai Cập còn gọi MB là tổ chức khủng bố và nói rằng, nước này đang phải đương đầu với "âm mưu khủng bố hiểm độc" của tổ chức này. Và đến tối 16/8, quân đội Ai Cập đã cho nhiều xe tăng, xe thiết giáp di chuyển tới quảng trường Ramses thuộc trung tâm thủ đô Cairo.

Cùng ngày, ngôi đền Al-Fath thuộc khu vực Ramses, nơi những người ủng hộ Hồi giáo bám trụ cũng bị cảnh sát bao vây. Hành động này, theo các nhà phân tích, có thể sẽ càng khiến cho cuộc khủng hoảng ở Ai Cập thêm trầm trọng. Hơn thế nữa, nhiều người còn lo ngại, việc quân đội Ai Cập đàn áp người biểu tình ủng hộ tổ chức anh em Hồi giáo có thể sẽ gây ảnh hưởng xấu trên thế giới, nhất là khi một số quốc gia trong khu vực Trung Đông như Arab Saudi lại ủng hộ việc này.

Và đúng như khuyến cáo, từ chiều tối 16/8, hàng ngàn người Hồi giáo ở Indonesia và Malaysia đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối việc chính phủ lâm thời Ai Cập đàn áp người biểu tình khiến hơn 600 người thiệt mạng và khoảng 4.000 người khác bị thương

Phan Hiển
.
.
.