Nhiều chính trị gia Brazil bị điều tra tham nhũng

Thứ Hai, 09/03/2015, 03:44
Căng thẳng giữa Chính phủ Brazil và cơ quan lập pháp nước này lại tiếp tục gia tăng khi Tòa án tối cao liên bang Brazil ngày 7/3, thể theo yêu cầu của Viện Công tố, ra tuyên bố đồng ý mở cuộc điều tra đối với 47 chính trị gia bị tình nghi dính líu tới mạng lưới tham nhũng và rửa tiền quy mô lớn trong các dự án dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Petrobas.

Tuyên bố của Tòa án Tối cao Brazil cho hay, lực lượng chức năng đưa ra quyết định trên sau khi có nhiều bằng chứng cho thấy hành động bất hợp pháp tại Petrobras. Trước đó, ngày 5/3, Quốc hội Brazil đã thành lập một ủy ban để điều tra về những nghị sỹ bị cáo buộc liên quan tới vụ bê bối này.

Theo hãng tin AP, Trưởng Công tố Rodrigo Janot đã yêu cầu tòa án cho phép mở cuộc điều tra liên quan tới 40 tội danh khác nhau như gian lận, đưa và nhận hối lộ, rửa tiền đối với các cá nhân trên.

Thẩm phán liên bang Teori Zavascki, người được Trưởng Công tố Janot chỉ định thụ lý vụ việc, đã yêu cầu những người bị tình nghi cung cấp mọi thông tin cần thiết phục vụ quá trình điều tra như tài khoản ngân hàng và các cuộc trao đổi điện thoại.

Ông Janot đã yêu cầu các cơ quan chức năng cung cấp mọi thông tin cần thiết phục vụ quá trình điều tra như tài khoản ngân hàng, các cuộc điện thoại của những người bị tình nghi, đồng thời cho phép thông báo danh tính của những người này. Theo đó, trong số những chính trị gia này, có 12 thượng nghị sĩ và 22 hạ nghị sĩ, phần lớn thuộc liên minh cầm quyền do đảng Lao động của đương kim Tổng thống Dilma Rousseff dẫn đầu.

Chính trường Brazil lại “nổi sóng” khi hàng loạt quan chức cấp cao bị điều tra tham nhũng. Ảnh: AP.

Danh tính của những người bị tình nghi này đã chính thức được công bố hôm 6/3. Trong đó, hai nhân vật gây chú ý nhiều nhất là Chủ tịch Thượng viện Renan Calheiros và Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha - hai chính khách thuộc đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB), một trong những chính đảng chủ chốt thuộc liên minh cầm quyền của Tổng thống Rousseff. Tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất, ông Calheiros và ông Cunha đã chối bỏ các cáo buộc. Chủ tịch Thượng viện Calheiros khẳng định mọi hoạt động của mình đều minh bạch, trong khi Chủ tịch Hạ viện Cunha cho rằng, các mối quan hệ của ông không vượt thẩm quyền, khẳng định sẽ cung cấp mọi thông tin phục vụ cho công tác điều tra.

Đối mặt với điều tra tham nhũng còn có Thượng nghị sĩ đương nhiệm Fernando Collor, người từng giữ chức Tổng thống Brazil hồi năm 1992 song phải từ chức để tránh bị buộc tội tham nhũng; nguyên Chánh văn phòng nội các, Thượng nghị sĩ đương nhiệm Gleisi Hoffman vốn là thân tín của bà Rousseff; cựu Bộ trưởng Năng lượng Edison Lobao; Bộ trưởng Tài chính Antonio Palocci dưới thời cựu Tổng thống Lula da Silva, đồng thời là Chánh văn phòng nội các đầu tiên của bà Rousseff cũng nằm trong danh sách bị điều tra.

Theo luật Brazil, chỉ có Tòa án Tối cao mới có thẩm quyền xét xử các chính trị gia và các thành viên nội các.

Tuy là người từng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị của Petrobras và là Bộ trưởng Khoáng sản và Năng lượng Brazil vào thời điểm diễn ra vụ hối lộ (tháng 3/2014), nhưng Tổng thống Rousseff không có tên trong danh sách những người bị điều tra. Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, Tổng thống Rousseff sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi mà đa số các nghị sĩ có tên trong danh sách điều tra đều thuộc đảng liên minh cầm quyền. Chỉ có duy nhất một chính trị gia thuộc đảng Dân chủ Xã hội Brazil (PSDB) đối lập bị điều tra.

Vụ tham nhũng tại Petrobras bị phanh phui sau khi cựu Giám đốc bộ phận cung ứng của Petrobras, ông Paulo Roberto Costa bị bắt hồi tháng 3/2014 và khai báo đã nhận tiền hối lộ từ mạng lưới rửa tiền quy mô lớn do những doanh nghiệp xây dựng và kỹ thuật hàng đầu của Brazil là đối tác của Petrobras câu kết thành lập. Đổi lại, các doanh nghiệp trên có được các hợp đồng béo bở từ Petrobras.

Hồi tháng 1/2015, cảnh sát Brazil đã bắt giữ cựu giám đốc bộ phận quốc tế của Petrobras, ông Nestor Cervero, do nghi ngờ có hành vi tham nhũng và rửa tiền. Ngoài ra, hàng chục lãnh đạo của các doanh nghiệp xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil cũng đã bị bắt giam.

Hồi đầu tháng Hai, Ban lãnh đạo Petrobras gồm Tổng giám đốc Maria das Gracas Foster và 5 quan chức cấp cao khác đã từ chức vì vụ bê bối này.

Theo truyền thông Brazil, Tổng giám đốc Gracas Foster đã gặp Tổng thống Dilma Rousseff và trong cuộc gặp trên, hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc bà Foster sẽ rời khỏi vị trí lãnh đạo Petrobas mà bà đã nắm giữ từ tháng 2/2012.

Theo ước tính của cảnh sát, đường dây này đã “hợp pháp hóa” khoảng 4 tỷ USD để hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức lãnh đạo Petrobras. Một phần số tiền trên, theo các công tố viên, có thể được hối lộ theo hình thức ủng hộ tài chính cho chiến dịch tranh cử của các đảng chính trị, bao gồm đảng Lao động của bà Rousseff và các đảng khác trong liên minh cầm quyền.

Cựu giám đốc điều hành Petrobras Pedro Barusco bước đầu khai rằng đảng Lao động đã nhận được 200 triệu USD hối lộ trong các hợp đồng của Petrobras. Đến nay, 39 người đã bị cáo buộc các tội danh tham nhũng, rửa tiền và tống tiền liên quan đến vụ việc trên.

Vụ việc đã làm rung chuyển chính trường Brazil, khiến nhiều người dân bất bình, đồng thời làm ảnh hưởng tới uy tín của chính phủ đương nhiệm do có nhiều chính trị gia trong đảng Lao động cầm quyền bị cáo buộc dính líu.

Cảnh sát đang tìm cách thu hồi gần 400 triệu USD từ các công ty tham gia mạng lưới này. Ước tính, cuộc điều tra tham nhũng này sẽ kéo dài trong nhiều năm.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.