Nhật Bản – Hàn Quốc: Căng thẳng vì tranh chấp trên biển

Thứ Tư, 16/07/2008, 08:21

Nỗ lực hóa giải quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc trong suốt hơn 2 năm qua đang có nguy cơ tan vỡ sau khi chính quyền Tokyo tái khẳng định chủ quyền đối với một số hòn đảo trên biển do Hàn Quốc kiểm soát và động thái triệu hồi đại sứ ở Nhật Bản của Seoul. Bóng mây xung đột, mâu thuẫn lại bắt đầu che phủ khu vực Đông Bắc Á.

Ngày 15/7, lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc cho biết họ sẽ tăng cường tuần tra quanh khu vực những hòn đảo đang là trung tâm của cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Seoul - Tokyo.

Hãng AFP dẫn lời một quan chức cấp cao của Hàn Quốc cho biết: "Chúng tôi tăng cường các hoạt động tuần tra vì quyết định không đúng đắn của Nhật Bản về việc mô tả Dokdo trong sách giáo khoa là vùng lãnh thổ thuộc quyền sở hữu của họ. Lực lượng tuần tra biển sẽ mở rộng cả hệ thống báo động sớm nhằm phát hiện những hành động mang tính xâm phạm chủ quyền quốc gia của Nhật Bản".

Trước đó một ngày, Seoul đã triệu hồi đại sứ tại Nhật Bản về nước ngay sau khi có thông tin Tokyo tái khẳng định chủ quyền đối với một quần đảo đang gây tranh chấp và lên kế hoạch triệu tập Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc Toshinori Shigeie để gửi công hàm phản đối.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 14/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Moon Tae-yong tuyên bố rằng Đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản Kwon Chul-hyun sẽ sớm trở về Seoul và gọi hành động của Nhật Bản là "quá quắt và không thể chấp nhận được".

Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, Bộ Giáo dục Nhật Bản mới đây đã công bố kế hoạch khẳng định quần đảo Dokdo (theo tên gọi của Seoul) là một phần của lãnh thổ Nhật Bản trong sách hướng dẫn của giáo viên đối với sách giáo khoa các trường trung học dự kiến được sử dụng vào năm 2012.

Đáp trả những động thái của Seoul, chánh văn phòng nội các Nhật Bản Nobutaka Machimura đã lên tiếng kêu gọi Hàn Quốc bình tĩnh, kiềm chế và xử lý một cách có trách nhiệm hơn đối với những vấn đề đối ngoại. Đồng thời, chính quyền Tokyo vẫn cương quyết bảo vệ quyết định cho thêm tên quần đảo Dokdo vào sách giáo khoa địa lý để dạy học sinh. Thậm chí, Ngoại trưởng Nhật Bản Masahiko Komura còn nhấn mạnh rằng quyết định nói trên là một hành động đúng đắn và được tất cả giới chức nước này ủng hộ.

Như vậy, đây là lần thứ 3 vấn đề chủ quyền ở quần đảo mà người Hàn Quốc gọi là Dokdo, còn Nhật Bản gọi là Takeshima gây căng thẳng trong quan hệ song phương. Quần đảo này gồm khoảng 30 hòn đảo nhỏ, có tổng diện tích là 18,7 ha. Trong tiếng Hán, nó còn được gọi là Trúc đảo, từng bị Nhật Bản chiếm đóng năm 1905 nhưng để mất chủ quyền sau chiến tranh thế giới thứ 2. Từ năm 1952 đến nay, quần đảo nằm dưới sự quản lý của Hàn Quốc.

Đáng chú y vì đây là một khu vực có rất nhiều cá và được đánh giá là có tiềm năng về dầu mỏ nên Trúc đảo đã trở thành vấn đề gây nhiều tranh cãi giữa Seoul - Hàn Quốc. Năm 2005, một làn sóng phản đối đã nổ ra tại Hàn Quốc sau khi chính quyền địa phương tại tỉnh Shimane trong một quyết định, cho rằng Trúc đảo là của Nhật Bản. Vì vậy, đến năm 2006, hai nước đã đồng ý không gửi các phái đoàn nghiên cứu của ngành hải dương học đến địa điểm này. Tuy nhiên, bên cạnh cử chỉ thiện chí nói trên, cốt lõi của vấn đề là chủ quyền đối với quần đảo vẫn chưa được SeoulTokyo giải quyết một cách chính thức.

Giới quan sát quốc tế lo ngại vụ việc sẽ dấy lên làn sóng phẫn nộ mới tại Hàn Quốc bởi nhiều năm qua, mỗi khi sách giáo khoa được biên soạn lại, phe theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa tại Nhật Bản vẫn luôn thúc giục Bộ Giáo dục nước này không nên chấp nhận thiệt thòi về mặt lịch sử.

Thông tin từ các hãng thông tấn nước ngoài cho biết, đến chiều 14/7, hàng trăm người Hàn Quốc đã tụ tập biểu tình, phản đối trước cửa Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul. Chính phủ Hàn Quốc đã buộc phải triển khai thêm hơn 100 cảnh sát chống bạo động quanh khu vực đại sứ quan để tăng cường an ninh trong những ngày tiếp sau

Sông Thương
.
.
.