Nguy cơ khủng hoảng biên giới giữa Venezuela - Colombia

Thứ Bảy, 29/08/2015, 07:05
Việc đóng cửa biên giới và quyết định rút Đại sứ về nước của cả chính quyền Caracas và Bogota đã tạo nên một cảnh tượng hỗn loạn, chia cắt và sợ hãi cho người dân hai nước. Nguy cơ khủng hoảng biên giới của hai nước châu Mỹ này đang cận kề.

Theo nhận định của các nhà phân tích, sự gia tăng đối đầu giữa Venezuela và Colombia được thể hiện ngay trong quyết định triệu hồi Đại sứ để tham vấn của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đưa ra hôm 27/8. Trong khi đó, chính phủ Brazil cũng đã loại trừ khả năng nước này đứng ra làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng ở biên giới của hai nước láng giềng.

Thông cáo của Phủ Tổng thống Brazil khẳng định, hiện không phải thời điểm để Tổng thống Dilma Rousseff can dự vào vấn đề của hai nước láng giềng mặc dù trước đó, chính quyền Brazil đã đánh giá rất cao thiện chí của Venezuela và Colombia trong cuộc họp cấp Ngoại trưởng hôm 26/8. Tại đây, hai bên đã thảo luận về tình hình các băng nhóm tội phạm, hoạt động buôn bán ma túy trái phép, hoạt động đổi tiền bất hợp pháp, cũng như ấn định thời gian cho Cơ quan Bảo vệ công dân và Bộ Quốc phòng hai nước họp về vấn đề hồi hương và đề ra chiến lược an ninh dọc tuyến biên giới chung dài hơn 2.200km. Nhưng hai bên lại không đạt được bất cứ thỏa thuận nào để giải quyết tình trạng Venezuela trục xuất ồ ạt công dân Colombia về nước sau khi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố đóng cửa biên giới để đảm bảo an ninh.

Cả Venezuela và Colombia đều gia tăng lực lượng ở vùng biên giới. Ảnh: Reuters.

Trên thực tế, quan hệ ngoại giao giữa Venezuela và Colombia đã được phát triển từ đầu thập niên 1500 khi những người thực dân của đế quốc Tây Ban Nha thành lập tỉnh Santa Marta ở Colombia bây giờ và tỉnh tân Andalucia nay thuộc Venezuela. Hai quốc gia đã có chung lịch sử giành độc lập dưới sự chỉ huy của Simon Bolivar. Nhưng từ giữa thế kỷ 19, mối quan hệ giữa hai nước đã chao đảo và có lúc xảy ra xung đột, nhất là từ khi Colombia trở thành đồng minh thân thiết của Mỹ.

Năm 2010, hai bên đã cắt đứt quan hệ ngoại giao sau khi Bogota đưa ra bằng chứng cho cáo buộc Caracas hậu thuẫn các nhóm du kích vũ trang của Colombia trong phiên họp bất thường của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS). Phải đến khi Tổng thống Brazil Lula da Silva đứng ra hòa giải, cuộc khủng hoảng ngoại giao này mới được giải quyết. Vì vậy, lần này, Tổng thống Dilma Rousseff cũng muốn hai bên phải thực sự thể hiện thiện chí hơn nữa và nhu cầu đàm phán, giảng hòa phải thực sự xuất phát từ mong muốn của cả hai bên chứ không phải được thực hiện do sức ép của dư luận hay của các nước láng giềng.

Hiện Venezuela vẫn đóng cửa khẩu chính với Colombia ở bang Tachira  với lý do 3 binh sĩ nước này bị tấn công khi đang truy lùng các đối tượng buôn lậu. Trong một tuyên bố đưa ra hôm 27/8, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết, các hoạt động buôn lậu xăng dầu ở vùng biên giới khiến nước này thiệt hại khoảng 5,4 tỷ USD, ngoài ra 40% lượng thực phẩm bán với giá trợ cấp của chính phủ Venezuela cho người nghèo cũng bị tuồn sang nước láng giềng.

Nếu tình trạng buôn lậu vẫn tiếp diễn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế nước này. Vì vậy, ông Nicolas Maduro yêu cầu chính phủ Colombia có biện pháp giải quyết tình trạng an ninh bất ổn do các nhóm vũ trang bán quân sự cực hữu gây ra cũng như nạn buôn lậu tại khu vực giáp ranh giữa hai nước.

Tổng thống Venezuela còn khẳng định, tới khi nào những yêu cầu trên chưa được giải quyết, nước này sẽ không mở cửa biên giới. Ông Nicolas Maduro còn yêu cầu Colombia đưa ra những giải pháp để bảo vệ an ninh cho các công dân Colombia sống ở vùng biên giới với Venezuela đồng thời tăng cường quân đội ở khu vực biên giới. Đáp lại, Tổng thống Colombia khẳng định sẵn sàng đối thoại với Caracas nhưng không thể “chấp nhận cách đối xử như vậy với Colombia và công dân Colombia”.

Được biết, từ khi Venezuela đóng cửa biên giới, gần 1.100 người Colombia đã bị trục xuất, gây nên tình trạng hỗn loạn tại khu vực giáp ranh.

Gia Nam
.
.
.