Hậu vụ đánh bom tại Boston và nổ nhà máy phân bón ở Mỹ:

Người dân Mỹ sống lại tâm trạng bất an

Thứ Bảy, 20/04/2013, 16:39
Vào khoảng 8h48 ngày 19/4 (theo giờ Việt Nam), một nhân viên cảnh sát bị bắn chết trong vụ xả súng tại khuôn viên Viện Công nghệ Massachusetts, ngoại ô thành phố Boston. Vì việc này xảy ra chỉ vài ngày sau vụ đánh bom đẫm máu trong cuộc thi chạy Boston Marathon nên dư luận vô cùng bức xúc, nhất là khi hung thủ vẫn chưa chính thức được điểm danh.
>> Nước Mỹ đang trong tầm ngắm của khủng bố?

An ninh đã được thắt chặt tại khu vực sau khi một cảnh sát bị bắn chết. Cho tới nay thông tin xung quanh vụ khủng bố tại Boston vẫn chưa thống nhất.

Từ vụ khủng bố tại Boston

Tại cuộc họp báo sáng 19/4 (theo giờ Việt Nam), ông Richard DesLauriers, đặc vụ phụ trách văn phòng FBI tại Boston cho biết, 2 nghi phạm được cho là có vũ trang và rất nguy hiểm. Theo đó, nghi phạm 1 đội mũ tối màu, còn nghi phạm 2 đội mũ trắng và FBI cho rằng, nghi phạm 2 được cho là kẻ đặt bom và rời đi ngay trước khi bom nổ.

Ông Richard DesLauriers cho biết, ưu tiên cao nhất hiện nay đối với các điều tra viên là nhận diện và xác định nơi ẩn náu của hai nghi phạm kể trên. Giới truyền thông cho biết, sau khi FBI công bố ảnh về 2 nghi phạm trong vụ đánh bom Boston, nhiều người có mặt tại hiện trường đã đăng tải những bức ảnh về đối tượng tình nghi.

Theo tờ New York Times, bức ảnh được vận động viên David Green, 49 tuổi, chụp tại hiện trường sau khi vụ nổ xảy ra và đăng tải trên Facebook. Khi đó ông David Green vừa hoàn thành đợt chạy của mình và đứng ở góc giữa đường Fairfield và Boylston chụp bằng iPhone trước khi chạy lại giúp những người bị thương.

Ông David Green cho biết, FBI đã liên hệ để xin ảnh gốc bởi ảnh chụp nghi phạm 2 của ông là bức ảnh rõ nét nhất. Còn theo những bức ảnh khác của cộng đồng mạng tại Mỹ, nghi phạm 2 đã đứng sau Martin Richard, nạn nhân 8 tuổi bị thiệt mạng trong vụ đánh bom. Trong khi đó, nghi phạm 1 đeo kính đen đã bị nạn nhân Jeff Bauman nhận dạng bởi trước đó hắn đã nhìn thẳng vào anh rồi thả chiếc túi xuống sát chân. Hai phút rưỡi sau, chiếc túi phát nổ khiến 2 chân Jeff Bauman bị xé nát. Mặc dù đang nằm trong phòng cấp cứu, nhưng Jeff Bauman vẫn cung cấp thông tin về nhận dạng nghi phạm 1 cho FBI. Cảnh sát Boston coi đây là hiện trường phức tạp nhất mà họ từng đối mặt trong suốt thời gian tồn tại của cơ quan này.

Theo tờ Boston Globe, một nghi can trong vụ đánh bom giải marathon hôm 15/4 đã bị bắt, một tên khác vẫn ở Watertown sau một vụ đấu súng với cảnh sát sáng 19/4. Các nhân chứng tại Watertown cho biết, họ nghe thấy những tiếng nổ và cảnh sát cảnh báo về các thiết bị nổ. Đội xử lý bom Cambridge đã đến Watertown.

Theo ông David Procopio, phát ngôn viên của cảnh sát bang Massachusetts,vụ việc ở Viện Công nghệ Massachusetts và Watertown dường như có liên quan. Giới chức liên bang đang điều tra các vụ xả súng này có liên quan tới vụ đánh bom ở Boston hay không. Nhưng vẫn theo tờ Boston Globe, một kẻ tình nghi trong vụ đánh bom giải marathon hôm 15/4 đã chết.

Theo nguồn tin cảnh sát (được đăng trên website của Boston Globe), kẻ thiệt mạng chính là nghi phạm 1, còn kẻ đang tại ngoại là nghi phạm 2. Sáng 19/4, Cảnh sát trưởng Boston Ed Davis xác nhận, một trong các nghi phạm đánh bom cuộc đua Boston Marathon bị tiêu diệt tại Watertown, trong khi cuộc săn lùng kẻ thứ hai có vũ khí và nguy hiểm vẫn đang diễn ra. Được biết, các nghi phạm ban đầu cố cướp một cửa hàng ở Cambridge, sau đó chạy vào Viện Công nghệ Massachusetts.

Về phần mình, ngày 18/4, phát biểu tại thánh đường Holy Cross ở thành phố Boston, bang Massachusetts, Tổng thống Barack Obama tuyên bố, cả nước Mỹ đứng bên Boston trong nỗ lực vượt qua những mất mát, đau thương, đồng thời khẳng định quyết tâm truy tìm và đưa ra xét xử những kẻ chủ mưu vụ đánh bom khủng bố hôm 15/4 làm 3 người chết và 176 người bị thương (có tài liệu nói 183 người). Sau đó, ông Barack Obama đã gặp những gia đình có người thân bị thiệt mạng hoặc bị thương, đồng thời kêu gọi lực lượng tình nguyện viên cùng góp sức giúp Boston khắc phục hậu quả của vụ khủng bố.

Nghi phạm (đội mũ trắng) trong vụ đánh bom khủng bố tại Boston.

Tới vụ nổ nhà máy phân bón West Fertilizer Co.

Ngoài ra, Tổng thống Barack Obama cũng đã gửi lời động viên đến 2.800 người dân của thị trấn West sau vụ nổ nhà máy phân bón West Fertilizer Co. khiến nhiều người chết và bị thương. Cho đến thời điểm hiện nay giới chức bang Texas chưa thể xác nhận chính xác số người thiệt mạng trong vụ nổ nhà máy phân bón West Fertilizer Co. bởi công tác cứu hộ vẫn đang được tiến hành. Tuy nhiên, theo thông tin được Thị trưởng thị trấn West Tommy Muska công bố với kênh ABC News, có từ 35-40 người, trong đó 10 người tham gia ứng cứu đầu tiên khi nhà máy bị hỏa hoạn đã chết và hơn 160 người bị thương cùng khoảng 2.600 người sống trong phạm vi 30km phải đi sơ tán trong đêm 17/4.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ghi nhận chấn động ở đây tương đương với một trận động đất 2,1 độ Richter và rung chấn có thể cảm nhận ở cách đó hơn 70 km. Các lực lượng chức năng bang Texas đang phải chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người sống sót sau vụ nổ tối 17/4.

Dư luận quan tâm tới thông tin của tờ Huffington Post bởi cho rằng, kịch bản vụ nổ bom ở Boston từng được mô tả trong cuốn sách xuất bản cách đây 11 năm. Theo cuốn Heartbreak Hill của tác giả Tom Lonergan, những kẻ cực đoan người Mỹ âm mưu đánh bom trên đường chạy marathon ở Boston năm 1996 và đây là năm Boston kỷ niệm 100 năm ngày thành lập giải marathon.

Dư luận cũng chú ý tới xã luận của tờ The New Yorker và tờ Boston Herald - câu hỏi đáng sợ nhất đối với người dân Mỹ không phải là “Chuyện gì đã xảy ra?” mà là “Tai ương nào nữa sẽ đến?”, người Mỹ đang cảm thấy hoang mang, lo sợ sau khi một loạt sự kiện xảy ra tại Mỹ trong mấy ngày qua như đánh bom ở Boston, gửi thư tới Tổng thống Barack Obama và Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Roger Wicker có chứa chất độc ricin… cho dù những sự kiện này không liên quan với nhau.

Lê Trịnh - Trọng Hậu
.
.
.