Người biểu tình xông vào trụ sở quân đội Hoàng gia Thái Lan

Thứ Bảy, 30/11/2013, 10:38
Tình hình ở Thái Lan ngày càng trở nên phức tạp khi mà những người biểu tình theo đảng Dân chủ đối lập đã có hành động quá khích xông vào trụ sở quân đội Hoàng gia, cắt điện và có ý định cô lập Ban chỉ huy quân sự.

Theo các nhà phân tích, đây không chỉ là đòn phản công của đảng Dân chủ đối lập sau khi Thủ tướng Yingluck Shinawatra trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hôm 28/11, mà còn là cách thức để lực lượng đối lập thể hiện quyết tâm lật đổ chính phủ.

Tin từ Hãng Reuters cho hay, sáng 29/11, gần 2.000 người biểu tình chống chính phủ đã diễu hành trên các đường phố dẫn đến trụ sở chính của quân đội Hoàng gia Thái Lan. Mục đích của họ, theo tiết lộ của Uthai Yodmanee (một trong những thủ lĩnh của đoàn người biểu tình), là muốn xem lực lượng quân đội hành động như thế nào trước “khí thế hừng hực” của những người biểu tình. Đồng thời, đây cũng là cách mà đảng Dân chủ đối lập muốn gây sức ép lên lực lượng quân đội, buộc lực lượng này phải ngả theo họ, tham gia lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Phát ngôn viên quân đội Thái Lan Sansern Kaewkamnerd cho biết, những người biểu tình đã trình một lá thư lên các quan chức cấp cao nhất của quân đội Thái Lan và dựng lều, bạt trong khuôn viên trụ sở quân đội Hoàng gia để “chờ câu trả lời”.

Cho đến chiều 29/11, quân đội Hoàng gia Thái Lan đã cử người xuống thương thuyết, đề nghị người biểu tình rời khỏi khu vực này vì lý do an ninh, song không được chấp thuận. Chưa hết, một số người quá khích còn tấn công vào một trạm kiểm soát điện ở gần đó, cắt nguồn điện cung cấp cho một số đơn vị quân đội nằm trên địa bàn thủ đô Bangkok. Vụ việc khiến tình hình trở nên phức tạp hơn khi bệnh viện đa khoa của lực lượng cảnh sát nằm trong khu vực cũng bị ảnh hưởng. Hiện các đơn vị, cơ quan này đều phải dùng nguồn điện dự phòng không ổn định.

Người biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan tràn cả vào trụ sở quân đội Hoàng gia.

Chưa hết, một nhóm khoảng gần 1.000 người biểu tình khác theo sự chỉ đạo của cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban còn kéo đến trụ sở đảng cầm quyền Puea Thai để gây rối, buộc cảnh sát phải lập hàng rào an ninh. Họ vừa diễu hành trên đường phố, vừa kêu gọi Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức. Các nhóm biểu tình khác do cựu Bộ trưởng Tài chính, đồng thời là thủ lĩnh cấp cao của đảng Dân chủ Korn Chatukavanij huýt còi ầm ĩ và kéo đến chiếm đóng tại một số địa điểm ở trung tâm thủ đô Bangkok. Họ cũng cử đại diện đến một số đại sứ quán nước ngoài để trao thư kiến nghị…

Như vậy, có thể thấy, hành động của những người biểu tình đang vượt quá giới hạn cho phép của luật pháp; làm ảnh hưởng xấu đến an ninh-xã hội và cả kinh tế của Thái Lan. Xuất hiện trước đám người biểu tình, cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban còn kêu gọi những người biểu tình quyết tâm hành động và “chấm dứt” hoạt động của chính phủ do Thủ tướng Yingluck Shinawatra đứng đầu trong một hai ngày tới.

Cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đồng thời là Chủ tịch đảng Dân chủ trong bài phát biểu sáng 29/11 còn tuyên bố, đảng này sẽ tiếp tục những nỗ lực cùng với người biểu tình trên đường phố để lật đổ "chế độ Thaksin”.

Ông Abhisit Vejjajiva biện luận rằng, đảng Dân chủ không công nhận chính phủ hiện nay vì việc bác bỏ quyết định của Tòa án Hiến pháp và chiến dịch lật đổ chính quyền đã chính thức bắt đầu từ ngày 29/11. Cựu Thủ tướng Thái Lan cũng bác bỏ việc đàm phán với chính phủ và khẳng định, bà Yingluck Shinawatra là trung tâm của những xung đột này…

Trong khi đó, chính phủ Thái Lan vẫn cam kết kiềm chế tối đa trong việc ứng phó với làn sóng biểu tình đường phố đang lan rộng và sẵn sàng cung cấp tất cả sự hỗ trợ cần thiết cho các cơ quan nhà nước bị đình trệ hoạt động vì biểu tình. Thủ tướng Yingluck Shinawatra thì cảnh báo, các cuộc biểu tình đang làm tổn hại tới nền kinh tế quốc gia và tiếp tục kêu gọi những người chống đối bà tham gia thảo luận để tìm một lối thoát cho bế tắc hiện nay.

Được biết, hôm 28/11, bà Yingluck Shinawatra đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầy cam go tại Hạ viện với 297 phiếu ủng hộ và 134 phiếu chống. Cho đến nay, các nhà phân tích chính trị vẫn nhận định rằng, hành vi quá khích, chiếm giữ công sở, gây rối loạn xã hội của những người ủng hộ đảng Dân chủ đối lập không những không nhận được sự ủng hộ của người dân, mà còn giúp chính phủ có lợi thế hơn trong “cuộc đối đầu này”. Tuy nhiên, nếu các phe phái ở Thái Lan vẫn tiếp tục các hoạt động đấu đá nhau thì xứ sở chùa Vàng này sẽ dễ rơi vào tình trạng hỗn loạn, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế đất nước đang trong giai đoạn nhạy cảm.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 27/11, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về căng thẳng chính trị leo thang ở Thái Lan và kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, tránh sử dụng bạo lực và tôn trọng đầy đủ các quy định của luật pháp và nhân quyền. Ông Ban Ki-moon cũng lưu ý quân đội Thái Lan “hạn chế sử dụng vũ lực, tôn trọng pháp quyền và nhân quyền”

Gia Nam
.
.
.