Nghi can khủng bố trẻ tuổi nhất bị quân Mỹ bắt giam

Thứ Tư, 05/12/2007, 14:44
Khadr là công dân Canada và chỉ mới 15 tuổi khi bị Quân đội Mỹ bắt tại Afghanistan. Omar Khadr được xem là người duy nhất trong lịch sử hiện đại bị khởi tố vì những tội ác chiến tranh ở tuổi vị thành niên.

Trong số các tù nhân đang bị giam giữ tại nhà tù Guantanamo có một trường hợp hết sức đặc biệt, có thể nói là đầu tiên sắp sửa bị khởi tố. Chính phủ Mỹ cáo buộc Omar Khadr tội giết một lính Mỹ, thông đồng với khủng bố, gián điệp và nhiều tội danh khác khi bị cáo chỉ 15 tuổi.

Khadr đang bị tạm giam tại Guantanamo trong một xà lim không có cửa sổ và luôn trong tình trạng an ninh tối đa để chờ đưa ra tòa án quân sự. Denis Edney, một trong các luật của Khadr, cho biết: “Cậu ta bị nhốt suốt 5 năm nay trong điều kiện hết sức tồi tệ. Hãy hình dung việc xiềng xích một con chó suốt 5 năm ròng rã như thế nào thì Khadr cũng giống như thế”.

Khadr bị bắt tại miền Đông Afghanistan, nơi ẩn náu của các thành viên Al-Qaeda và Taliban. Tháng 7/2002, khi các lực lượng đặc biệt của Mỹ tuần tra trong khu vực thì nhận được tin báo có một số thành viên Al-Qaeda đang lẩn trốn gần đó.

Trung sĩ Layne Morris kể lại, khi nhóm của anh ta tiến gần tới một khu nhà có tường bao quanh thì bị các tay súng Al-Qaeda phục kích bắn chết 2 người phiên dịch, còn anh ta thì bị trúng một mảnh lựu đạn làm mù mắt phải. Cuộc chạm súng kéo dài nhiều giờ liền, cuối cùng thì khu nhà bị san bằng bởi máy bay ném bom của Mỹ.

Nhưng khi lính Mỹ tiến vào trong thì có ai đó ném một trái lựu đạn về phía họ làm thiệt mạng trung sĩ Christopher Speer, một lính cứu thương. Lính Mỹ tìm thấy Omar Khadr nằm thoi thóp trong đống đổ nát với một mắt bị mù nhưng còn cố nói bằng tiếng Anh rất chuẩn: “Hãy giết tôi đi”.

Bộ Quốc phòng Mỹ khước từ mọi hình thức phỏng vấn về trường hợp Khadr, vì thế manh mối cuối cùng được trông cậy vào vị tướng về hưu tên là John Altenburg, một luật sư từng xem xét những chứng cứ ban đầu chống lại Khadr và đề nghị quân đội Mỹ nên đưa bị can ra xét xử như tội phạm chiến tranh. Altenburg thừa nhận rằng, không ai tận mắt thấy Khadr ném trái lựu đạn đó.

Omar hoặc gia đình cậu ta có liên quan với Al-Qaeda? Altenburg cho biết, việc Khadr chiến đấu bên cạnh Al-Qaeda là chứng cứ kết luận cậu ta là thành viên của Al-Qaeda.

Ngoài ra còn có chứng cứ khác là cuốn băng video được tìm thấy dưới đống đổ nát trong khu nhà xảy ra giao tranh sau khi Khadr bị bắt. Cuốn băng quay cảnh một người đàn ông đang hướng dẫn những người khác cách gắn ngòi nổ vào mìn và một người trẻ tuổi có nhận dạng giống Khadr đang giúp ráp một thiết bị nổ.

Cuối cuốn băng là cảnh những người đó gài mìn vào khu vực lính Mỹ sắp đi qua. Abdurrahman Khadr, một trong số anh trai của Omar, cho biết Omar được cha đưa tới khu nhà đó trong cùng ngày.

Abdurrahman sống tại Canada và được nuôi dạy để trở thành phần tử Hồi giáo cực đoan nhưng đã theo phe Mỹ và làm việc cho CIA sau sự kiện 11/9. Abdurrahman tin chắc Omar được đưa tới khu nhà đó để làm công việc thông dịch chứ không phải để trở thành chiến binh.

Cha của Omar, Ahmed Said Khadr - một tín đồ Hồi giáo cực đoan từng theo hàng ngũ Mujahadeen chống lại người Nga. Năm 2001, ông ta không chỉ là một nhân viên cứu tế nổi tiếng mà còn có tên trong danh sách những kẻ có liên quan với bọn khủng bố.

Bạo lực trở thành một phần của cuộc sống đối với gia đình Khadr kể từ năm 2001 khi Mỹ ném bom Afghanistan. Những người Hồi giáo cực đoan như gia đình Khadr, coi đây là cơ hội lớn để thánh chiến rồi chết để được lên thiên đàng bằng cách trở thành kẻ tử vì đạo.

Năm 2003, một đơn vị quân đội Pakistan tấn công ngôi nhà nghi là có các thành viên Al-Qaeda đang ẩn nấp. Khi kiểm tra thi thể, họ phát hiện một trong số đó là xác cha của Omar. Em trai của Omar - Abdul Karim Khadr, 14 tuổi, lúc đó đang ở cùng cha - bị bắn trúng lưng và bị liệt.

Tướng Altenburg cho biết mặc dù Omar bị buộc tội giết một lính Mỹ, nhưng vì lúc đó cậu ta còn vị thành niên nên Chính phủ Mỹ sẽ không kết án tử hình. Tuy nhiên, cho dù Omar được giảm tội khi ra tòa thì Mỹ cũng không dễ dàng phóng thích cậu ta khi cuộc chiến chống khủng bố chưa kết thúc

Lê Hiếu (theo 60 Minutes)
.
.
.