Nga tìm giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng Syria

Thứ Bảy, 14/09/2013, 11:37
Ngày 13/9, tại Geneva, Thụy Sĩ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nghe tham vấn của đặc phái viên chung về Syria của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab Lakhdar Brahimi. Phát biểu trước cuộc gặp này, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết, ông cùng Ngoại trưởng John Kerry và đặc phái viên Lakhdar Brahimi sẽ thảo luận về việc tổ chức hội nghị quốc tế về Syria (còn gọi là Hội nghị Geneva-2), đồng thời tin tưởng, những diễn biến tích cực mới đây đang tạo cơ hội để tổ chức Hội nghị Geneva-2 với sự tham gia của tất cả các bên ở Syria nhằm ngăn chặn tình trạng đối đầu quân sự, cũng như nguy cơ các mối đe dọa khủng bố lan rộng ở Syria.

Ông Lakhdar Brahimi cũng hy vọng các bên liên quan sẽ nối lại các cuộc thảo luận về việc tổ chức Hội nghị Geneva-2 sau khi Nga-Mỹ đạt nhất trí liên quan tới việc kiểm soát vũ khí hóa học ở Syria. Ngoại trưởng John Kerry và người đồng cấp Sergei Lavrov có quan điểm khác nhau về kế hoạch vô hiệu hóa vũ khí hóa học của Syria. Hãng CNN dẫn lời ông John Kerry: đàm phán về Syria không phải là một cuộc chơi, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục đe dọa tấn công Syria nếu đàm phán không chứng minh được Syria và Nga đều thực sự muốn chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad từ bỏ vũ khí hóa học. Hãng CNN cho rằng, cuộc đối thoại 2 ngày giữa ông John Kerry và ông Sergei Lavrov có thể sẽ kéo dài đến ngày 14/9.

Trước đó (12/9), Ngoại trưởng John Kerry và Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã thảo luận về đề xuất của Moskva liên quan tới tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria. Theo đó, Nga muốn Mỹ ngừng những đe dọa quân sự vào thời điểm hiện tại, tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Syria sau khi quốc gia Trung Đông này đồng ý giao nộp vũ khí hóa học và đề nghị được tham gia Hiệp ước Quốc tế cấm vũ khí hóa học.

Tổng thống Mỹ Barack Obama hy vọng, cuộc hội đàm giữa 2 ngoại trưởng sẽ mang lại kết quả rõ ràng và giúp xây dựng một kế hoạch khả thi nhằm tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria. Tuy nhiên, dư luận truyền thông Mỹ đang cho rằng, bài viết của Tổng thống Nga Vladimir Putin đăng trên tờ "The New York Times" đã gây ra những phản ứng tiêu cực trong chính giới và xã hội Mỹ về chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Bởi trong bài viết về vấn đề Syria, Tổng thống Putin mạnh mẽ chỉ trích "chủ nghĩa ngoại lệ" mà Mỹ tự cho mình được quyền khi xử lý các mối quan hệ quốc tế.

Ngoại trưởng Sergei Lavrov (bên phải) và Ngoại trưởng John Kerry tại Geneva.

Giới truyền thông cho rằng, trong khi Washington cảnh báo Damacus không được trì hoãn việc tiêu hủy kho vũ khí hoá học thì Moskva lên án “chủ nghĩa ngoại lệ” của Mỹ. Bởi phát biểu trước báo giới trước khi bước vào đàm phán hôm 12/9, ông John Kerry nhấn mạnh lập trường của Washington - cân nhắc phương án sử dụng vũ lực với Syria nếu con đường ngoại giao không thể vô hiệu hóa kho vũ khí hóa học của Tổng thống Bashar al-Assad.

Cũng trong ngày 12/9, Syria đã đệ trình một tài liệu lên Liên hợp quốc nhằm khởi động quá trình tham gia ký Hiệp ước Quốc tế cấm vũ khí hóa học. Về phần mình, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở ở London, Anh cho biết, việc tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria theo kế hoạch của Nga là vô cùng khó và không giúp gì nhiều cho việc chấm dứt cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này. Bởi theo IISS, Nga và Iran sẽ phải tham gia tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria trong một quá trình mất đến hàng năm.

Ngoài ra, cựu Giám đốc Mossad Shabtai Shavit khi nói với tờ The Times của Israel trong cuộc phỏng vấn độc quyền hôm 11/9 đã nhấn mạnh, đề nghị của Nga về việc loại bỏ vũ khí hóa học của Syria đã đẩy mục tiêu lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ra xa hơn, gây thiệt hại cho Israel. Hơn nữa, chính quyền của Tổng thống Barack Obama tỏ ra lúng túng trong việc giải quyết vấn đề Syria và điều này đã khiến Washington bị mất uy tín.

Theo giới truyền thông, Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã gửi cho Mỹ bản kế hoạch xử lý vũ khí hóa học của Syria gồm 3 giai đoạn. Thứ nhất, Syria sẽ tham gia Hiệp ước Quốc tế cấm vũ khí hóa học, trong đó cấm việc sản xuất và sử dụng vũ khí hóa học. Thứ hai, Syria phải tiết lộ nơi cất giữ vũ khí hóa học và chi tiết chương trình vũ khí hóa học của mình. Thứ ba, các chuyên gia sẽ quyết định áp dụng biện pháp xử lý cụ thể.

Nếu đối thoại lần này thành công, Mỹ hy vọng quy trình giải trừ quân bị sẽ được đảm bảo bằng một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Mỹ và lực lượng đối lập Syria vẫn hoài nghi về sự sẵn lòng từ bỏ kho vũ khí hoá học của Tổng thống Assad. Dư luận đang quan tâm tới thông tin nói rằng, một công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn tất bản cáo trạng của ông như một phần của cuộc điều tra về số lượng hóa chất được giữ ở phía Nam tỉnh Hatay ngày 12/9. Theo đó, 2 nhóm vũ trang đối lập ở Syria là Mặt trận al-Nursa và Binh đoàn thánh chiến Ahrar al-Sham đang tìm mua các nguyên liệu có thể sử dụng sản xuất khí độc sarin nồng độ cao.

Ngày 13/9, phát biểu trong cuộc phỏng vấn với hãng CNN, Tướng Salim Idris của Quân đội tự do Syria đã cáo buộc chính quyền Syria đang chuyển các loại vũ khí hóa học sang Lebanon và Iraq và điều này cực kỳ nguy hiểm. Ông Salim Idris cũng phủ nhận thông tin nói rằng, CIA đã bắt đầu chuyển vũ khí cho lực lượng đối lập ở Syria.

Theo tiết lộ mới nhất của hãng Reuters, con số 1.429 người Syria, gồm 426 trẻ em bị thiệt mạng vì vụ tấn công hóa học hôm 21/8 ở ngoại ô thủ đô Damascus mà Mỹ đưa ra trước đó thực chất gồm phần lớn người tử vong vì bom thông thường. Đây là kết luận của 3 nguồn tin từ Quốc hội Mỹ nói với hãng Reuters hôm 12/9. Tiết lộ này có thể làm suy yếu sự hỗ trợ cho kế hoạch tấn công Syria của Tổng thống Barack Obama.

Mạnh Phong
.
.
.