Nga thúc đẩy tiến trình sáp nhập Crimea

Thứ Sáu, 21/03/2014, 08:49
Hãng tin Ria Novosti ngày 20/3 dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, tiến trình pháp lý bắt buộc để Crimea trở thành một phần của Nga sẽ được hoàn tất trong tuần này.
>> Sáp nhập Crimea, Nga đối mặt với nguy cơ “chiến tranh kinh tế”

Trước đó, ngày 19/3, tất cả 19 thẩm phán thuộc Tòa án Hiến pháp Nga đã nhất trí thông qua phán quyết được Tổng thống Vladimir Putin ký ngày 18/3 về việc tiếp nhận Cộng hòa tự trị Crimea vào thành phần Liên bang Nga với tư cách là một chủ thể là hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp Liên bang Nga. Theo đó, kết quả này cho phép Tổng thống Putin chuyển hiệp ước trên cho Quốc hội thông qua.

Nga và động thái trả đũa của Ukraine

Liên quan đến việc hỗ trợ Crimea trong tiến trình sáp nhập, hãng tin Reuters ngày 20/3 dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak khẳng định, Nga sẽ đảm bảo Crimea có nguồn cung năng lượng ổn định bằng cách cung cấp các nguồn dự phòng và kiểm soát nguồn dự trữ nhiên liệu.

Theo đó, Bộ Năng lượng Nga, cùng với Chính phủ Crimea và chính quyền thành phố Sevastopol, đã phác thảo kế hoạch hành động nhằm cải thiện độ tin cậy vào cơ sở hạ tầng cung cấp năng lượng cho Crimea. Các nguồn năng lượng dự phòng đã được xác định là cần thiết trong trường hợp hệ thống năng lượng bị trục trặc kỹ thuật.

Trước đó, ngày 19/3, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, Moskva sẽ sử dụng ngân sách liên bang đề bù vào khoản thâm hụt ngân sách 1,5 tỷ USD của Crimea. Trong khi đó, Điện Kremlin cũng thông báo, Tổng thống V. Putin đã chỉ thị xây dựng tuyến đường bộ và đường sắt từ Nga tới Crimea nhằm tạo thuận lợi cho giao thông tới nước Cộng hòa tự trị này mà không cần đi qua lãnh thổ Ukraine như hiện nay.

Theo tính toán của Bộ Giao thông Nga, dự án này trị giá khoảng 1,4 tỷ USD và mất ít nhất 3 năm rưỡi để hoàn thành. Cũng trong ngày 19/3, Cơ quan Di trú Liên bang Nga (FMS) đã bắt đầu phát hành hộ chiếu đầu tiên của nước này tại Crimea

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại buổi thảo luận về tình hình Ukraine ngày 20/3.

Về phía Ukraine, dù thừa nhận quan hệ với Nga bị tổn hại sau khi Chính quyền Moskva đồng ý tiếp nhận Crimea, Kiev khẳng định hiện chưa có ý định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Moskva và đang xem xét khả năng có những bước đi phù hợp với tình hình hiện nay. Bộ Ngoại giao Ukraine cũng thông báo nước này sẽ thôi đảm nhận cương vị Chủ tịch Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) năm 2014, một liên minh do Moskva đứng đầu thay thế Liên Xô trước đây, và sẽ rút khỏi khối này.

Tiếp đó, ngày 20/3, Hãng tin ITAR TASS ngày 20/3 dẫn lời Đại diện thường trực của Ukraine ở CIS, ông Ivan Bunechko cho biết nước này đã gửi một công hàm tới Ban chấp hành CIS đề nghị đình chỉ nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của nước này. Trong một diễn biến khác ngày 19/3, Hội đồng An ninh - Quốc phòng Ukraine đã có phiên thảo luận về tình hình an ninh quốc gia và các biện pháp nhằm vô hiệu hóa các nguy cơ chính trị trong và ngoài nước. Kết thúc cuộc họp, Hội đồng An ninh - Quốc phòng Ukraine đã ra quyết định áp dụng thị thực nhập cảnh với công dân Nga.

Nhận định về biện pháp này của Ukraine, ngày 20/3, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Sergei Naryshkin cho biết, giới chức Ukraine đã không đếm xỉa đến nhu cầu của phần đông dân chúng. Ông gọi những biện pháp mà chính phủ tạm quyền Ukraine mới đưa ra là "tuyên bố mang động cơ chính trị của chính quyền tự phong ở Ukraine" đồng thời đưa ra cảnh báo: "Trong trường hợp chế độ thị thực ấy được áp dụng, các công dân của chúng ta chắc chắn sẽ phải đối mặt với những khó khăn lớn. Rõ ràng là ban lãnh đạo ở Ukraine đã không nghĩ cho dân".

Cũng trong ngày 19/3, Hội đồng An ninh - Quốc phòng Ukraine còn đề nghị chính phủ tạm quyền nước này kiến nghị lên Liên hợp quốc (LHQ) công nhận Crimea là khu vực phi quân sự và áp dụng những biện pháp cần thiết để các lực lượng Nga rời khỏi Crimea và chuẩn bị điều kiện cho việc tái triển khai các lực lượng Ukraine để tiến hành các cuộc tập trận chung với Anh và Mỹ. Bên cạnh đó, Kiev cũng đã thông qua kế hoạch tiếp nhận những công dân Ukraine không muốn ở lại bán đảo Crimea...

Những phản ứng trái chiều

Trước những căng thẳng ngoại giao giữa Nga với Ukraine, Phó Tổng thư ký LHQ Jan Eliasson trong một tuyên bố mới nhất đã kêu gọi Nga và Ukraine tiến hành đối thoại trực tiếp và theo đuổi các giải pháp chính trị, ngoại giao nhằm giải quyết căng thẳng. Ông Eliasson cũng cho biết rằng, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã tới Nga và chuẩn bị tới Ukraine trong nỗ lực giải quyết căng thẳng giữa hai bên. 

Về phía Mỹ, dù tiếp tục đưa ra các tuyên bố cứng rắn, cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn hơn đối với Nga, song khẳng định không có ý định can thiệp quân sự liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Đồng thời nhấn mạnh tới biện pháp ngoại giao để giải quyết tình trạng bế tắc giữa Washington và Moskva trong vấn đề Crimea.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với đài truyền hình KNSD, chi nhánh của NBC San Diego, Tổng thống Obama cho biết: “Chúng tôi sẽ không có hành động quân sự tại Ukraine… Việc chúng tôi đang làm hiện nay là huy động tất cả các nguồn lực ngoại giao để đảm bảo rằng chúng ta có một liên minh quốc tế mạnh phát đi một thông điệp rõ ràng”.

Trong một diễn biến khác liên quan, Thụy Sĩ - quốc gia không thuộc khu vực châu Âu và cũng chưa từng chủ động bày tỏ ý muốn trừng phạt Nga - đã trì hoãn cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Nga sau khi Nga sáp nhập vùng Crimea, đồng thời sẽ bàn bạc vấn đề trừng phạt Nga trong thời gian tới.

Ngoài ra, ngày 19/3, các thành viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã một lần nữa không thể nhất trí về việc cử quan sát viên đến Ukraine, làm dấy lên hoài nghi về khả năng đạt được một thỏa thuận. Còn Berlin thì cực lực bác bỏ việc Tổng thống Nga Vladimir Putin so sánh giữa động thái sáp nhập Crimea của Moskva và sự thống nhất nước Đức được Liên Xô ủng hộ vào năm 1990...

Hà Khổng
.
.
.