Nga cáo buộc Mỹ muốn thay đổi chính quyền ở Moskva

Thứ Ba, 09/12/2014, 08:22
Thứ trưởng Ngoại giao Nga  cáo buộc Washington tìm cách chia rẽ Nga với những nước thuộc Liên Xô trước đây, cho rằng nỗ lực này đã được thực hiện đặc biệt quyết liệt tại Ukraine trong năm nay.

Theo hãng tin Reuters, ngày 8/12, phát biểu tại phiên điều trần với chủ đề “Nga - Mỹ: Căng thẳng tạm thời hay Chiến tranh Lạnh mới” diễn ra ở Hạ viện Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Moskva liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine là nhằm tạo điều kiện để thay đổi chính quyền ở Nga và đây là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Washington.

Thứ trưởng Sergei Ryabkov cáo buộc đằng sau các tuyên bố đòi Nga thay đổi lập trường đối với cuộc khủng hoảng tại nước láng giềng Ukraine là mưu toan của Mỹ nhằm thúc đẩy các điều kiện kinh tế - xã hội để thay đổi chính thể ở Nga.

Thứ trưởng Ryabkov nêu rõ: “Mục đích của các biện pháp trừng phạt rõ ràng là nhằm tạo ra các điều kiện kinh tế và xã hội dẫn tới sự thay đổi quyền lực ở Nga”. Ông cũng tuyên bố Moskva coi các biện pháp trừng phạt này là bất hợp pháp và sẽ không đàm phán về điều kiện dỡ bỏ chúng. Nga sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả các biện pháp của Mỹ một cách thận trọng và không từ chối các cuộc tiếp xúc.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga cũng cáo buộc Washington tìm cách chia rẽ Nga với những nước thuộc Liên Xô trước đây, cho rằng nỗ lực này đã được thực hiện đặc biệt quyết liệt tại Ukraine trong năm nay.

Theo ông Ryabkov, sẽ phải mất nhiều năm để khắc phục ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Về tương lai quan hệ song phương Nga – Mỹ, quan chức ngoại giao Nga cho rằng có thể thảo luận cải thiện quan hệ nhưng điều đó hoàn toàn tùy thuộc chính sách của chính quyền Washington. Thứ trưởng Ryabkov cũng khẳng định, các quan chức Mỹ hiểu rõ rằng, họ không thể giải quyết các vấn đề quốc tế nếu thiếu Nga: Ông Ryabkov thêm rằng, việc này sẽ “không được chuyển thành hành động thực tế”, nhưng nêu rõ “họ (Mỹ) đã nhiều lần nói rằng, sẽ là không tồi việc bắt đầu xây dựng “một chương trình nghị sự tích cực” trong các mối quan hệ của chúng tôi”. Theo quan điểm của quan chức ngoại giao Nga, việc xây dựng “một chương trình nghị sự tích cực” giữa Moskva và Washington phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của chính quyền Mỹ hiện nay và chính quyền mới trong năm 2016. Ông Ryabkov cũng lưu ý rằng, quan hệ Nga – Mỹ đã bắt đầu có dấu hiệu xuống dốc từ trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tại Ukraine nhưng đó “không phải là lỗi của Nga”.

Cũng tại phiên điều trần, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia Alexei Pushkov nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng trong quan hệ Nga-Mỹ không mang tính tạm thời mà đã bắt đầu từ việc mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa và sau đó là việc xâm chiếm Iraq. Ukraine là nơi thể hiện rõ nhất mâu thuẫn lợi ích quốc gia giữa Nga và Mỹ. Chủ tịch Pushkov cho rằng có thể nói về "một phiên bản" Chiến tranh Lạnh giữa Nga và Mỹ. Tuy nhiên, theo ông, ít có khả năng xảy ra đối đầu quân sự giữa hai nước.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Ảnh: PressTV .

Trong một diễn biến khác cùng ngày, theo hãng tin Ria Novosti, Nga đang nghi ngờ chiến lược bảo vệ những lợi ích của Mỹ mà không cần sử dụng các cuộc chiến tranh mới. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Arkadi Bajin cho biết, hoạt động quân sự của Mỹ tại Iraq và Libya trước đây đã giúp toàn thế giới thấy rõ cách mà Washington bảo vệ lợi ích của họ. Ông Bajin nói: “Có gì có thể đảm bảo rằng không tồn tại mối đe dọa của một cuộc chiến mới, thậm chí là một cuộc chiến lớn? Đâu là những lợi ích sát sườn của Mỹ và sự biểu hiện của họ chúng ta đều biết rõ. Hãy nhớ lại trường hợp của  Afghanistan, Nam Tư, Iraq hay Libya”. Thứ trưởng Quốc phòng Nga thêm rằng, Mỹ đã công bố với toàn thế giới rằng họ quan tâm tới các quốc gia vùng Baltic, Ukraine, vùng Caucasus và các nước Liên Xô cũ. Ông Bajin cũng nhắc lại rằng, hiện Mỹ có cơ sở quân sự tại Tajikistan, Kyrgyzstan và Uzbekistan, và thường tiến hành các cuộc tập trận quân sự (như là một thành viên của NATO) tại biển Đen và biển Baltic.

Hà Khổng (theo Reuters, Ria Novosti, Itar-Tass)
.
.
.