Nga - Mỹ và Hiệp ước START-3

Thứ Hai, 25/05/2020, 08:17
Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược START mới, còn gọi là START-3, sẽ hết hiệu lực vào ngày 5-2-2021. Việc gia hạn Hiệp ước theo thỏa thuận của các bên đang bị đình trệ và lại xuất hiện những vấn đề mới. Trước bối cảnh đó, Liên hợp quốc (LHQ) đã lên tiếng kêu gọi Nga và Mỹ gia hạn Hiệp ước.


Phát biểu tại buổi họp báo hồi tuần trước, người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Stephane Dujarric cho biết, LHQ hy vọng Mỹ và Nga có thể đạt được thỏa thuận về việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược START mới, còn gọi là START-3.

Trả lời câu hỏi liệu LHQ có kế hoạch tham gia một cách tích cực hơn vào việc giải quyết vấn đề gia hạn Hiệp ước START-3 hay không, ông Stephane Dujarric nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng các hiệp ước như START-3 là một phần không thể tách rời trong lĩnh vực không phổ biến và giải giáp vũ khí. Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các quốc gia tham gia thỏa thuận sẽ tìm thấy tiếng nói chung và đi đúng hướng”.

Tên lửa Topol-M của Nga.

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Moscow cho đến nay vẫn chưa nhận được tín hiệu từ phía Washington về ý định gia hạn Hiệp ước START-3, đồng thời lưu ý rằng, Mỹ, theo tất cả các dấu hiệu cho thấy, có lẽ sẽ quyết định không gia hạn hiệp ước.

Hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã có buổi thảo luận về những vấn đề về kiểm soát vũ khí hạt nhân. Trong cuộc thảo luận này, Ngoại trưởng Nga đã bày tỏ mong muốn gia hạn Hiệp ước START mới vốn sẽ hết hạn vào năm 2021.

Trong khi đó, Thứ trưởng Sergei Ryabkov cho rằng, tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng Sarmat mới và tàu lượn siêu thanh Avangard của Nga có thể được tính là những hệ thống vũ khí hạt nhân thuộc START mới giống như các hệ thống vũ khí hạt nhân khác của Nga vốn có trong Hiệp ước này. Tuy nhiên, Washington lâu nay coi hai hệ thống vũ khí nói trên của Moscow thuộc phạm vi giới hạn của START mới.

Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói rõ rằng, Washington cần nhất trí gia hạn START mới trước khi Moscow nhất trí đưa những hệ thống vũ khí mới của Nga vào các cuộc đàm phán tương lai. Về phần mình, Ngoại trưởng Mike Pompeo tái khẳng định quan điểm của Washington rằng, các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí trong tương lai cần tính đến mong muốn của Mỹ đưa Trung Quốc tham gia một thỏa thuận kiểm soát vũ khí ba bên.

Thực ra, việc đặt điều kiện Trung Quốc cần nhất trí tham gia cuộc đàm phán ba bên trong tương lai về kiểm soát vũ khí hạt nhân để gia hạn START mới là điều vô nghĩa. Theo START mới, Nga và Mỹ chỉ được phép duy trì không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân. Trung Quốc chỉ duy trì một lực lượng răn đe hạt nhân tối thiểu mà Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ gần đây nói rằng chỉ ở mức vài trăm đầu đạn hạt nhân.

Với sự chênh lệnh lớn về số đầu đạn hạt nhân như vậy, Bắc Kinh không giành được lợi ích gì từ cuộc đàm phán này và cũng đã tỏ thái độ không hào hứng tham gia đàm phán. Nếu Nga và Mỹ có thể cắt giảm đáng kể số đầu đạn hạt nhân tại các vòng đàm phán mới thì mới có thể có cơ sở để thuyết phục Bắc Kinh tham gia cơ chế đàm phán ba bên. Khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cần nhanh chóng chấp thuận đề nghị của Moscow về gia hạn START mới và tham gia vào vòng đàm phán mới về kiểm soát vũ khí chiến lược.

START mới là hiệp ước hạt nhân duy nhất giữa Mỹ và Nga hiện còn tồn tại. Nếu START mới được phép hết hạn vào tháng 2-2021 thì sẽ không có bất kỳ giới hạn nào được áp đặt đối với các hệ thống chiến lược của Nga và không có cơ chế thanh sát nào để xác minh được chủng loại và số lượng hệ thống vũ khí mà Nga đang triển khai.

Hội đồng tham mưu liên quân và cộng đồng tình báo Mỹ thì hoàn toàn ủng hộ gia hạn START mới vì họ hiểu rằng, tác động tiêu cực sẽ phụ thuộc vào khả năng của Mỹ đánh giá được mối đe dọa đối với những lợi ích của Mỹ cũng như kế hoạch của Washington nhằm đối phó với mối đe dọa đó. Một cách tiếp cận táo bạo mà Mỹ cần cân nhắc là tham gia một cuộc đàm phán ngay lúc này với Nga nhằm gia hạn START mới với số lượng đầu đạn hạt nhân cắt giảm xuống mức thấp hơn là 1.000 - thay vì mức 1.550 đầu đạn được cho phép hiện nay.

Trong các vòng đàm phán về START mới hồi năm 2010, hội đồng tham mưu liên quân Mỹ cho rằng mức 1.000 đầu đạn hạt nhân là đủ và thích hợp để hỗ trợ chiến lược răn đe của Mỹ. Đa phần nội dung còn lại của hiệp ước START mới vẫn được giữ nguyên như cũ và mục tiêu sẽ là nhằm nhanh chóng gia hạn hiệp ước này với giới hạn số đầu đạn hạt nhân ở mức thấp hơn và nhanh chóng bước vào một vòng đàm phán mới để đưa những hệ thống vũ khí mới vào hiệp ước này theo đề nghị của Moscow, có thể thậm chí giới hạn số đầu đạn hạt nhân ở mức thấp hơn nữa.

Khi đó, Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có nhiệm vụ triển khai những phân tích và tính toán để xác định mức cắt giảm thấp hơn 1.000 đầu đạn mà Mỹ có thể chấp nhận được là mức nào.

Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc lại lo sợ về một hệ thống như vậy vì nếu được triển khai với số lượng lớn, hệ thống này có thể tạo năng lực tấn công trước tiên theo cách thông thường chống lại các hệ thống vũ khí hạt nhân của họ. Hiện Mỹ không có kế hoạch xây dựng một phiên bản tên lửa tầm xa hạt nhân, và có thể nhất trí giới hạn số lượng vũ khí hạt nhân thông thường được triển khai.

Tuy nhiên, khái niệm về tàu lượn siêu thanh cần được đưa ra một cách thận trọng để không một thỏa thuận nào có thể chi phối phiên bản hệ thống vũ khí hạt nhân thông thường đã được lên kế hoạch từ trước.

START-3 được Mỹ và Nga ký năm 2010, có hiệu lực vào ngày 5-2-2011. Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí tấn công chiến lược của mình để sau 7 năm kể từ ngày hiệp ước có hiệu lực, tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo gắn trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 thiết bị phóng tên lửa đã được triển khai và chưa được triển khai. Hiệp ước cũng bắt buộc Nga và Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng 2 lần mỗi năm.
Minh Hải (tổng hợp)
.
.
.