Nga - Turkmenistan: Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng

Thứ Tư, 23/12/2009, 09:05
Nhiên liệu và năng lượng là chủ đề chính được Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đề cập trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Turkmenistan, ông Gurbaguly Berdymukhamedov hôm 22/12.

Dư luận chung cho rằng, hợp tác thương mại và kinh tế giữa Nga và Turkmenistan đang là chủ đề được lãnh đạo hai nước quan tâm bởi lĩnh vực này liên quan tới một số quốc gia hữu quan.

Ngoài ra, ông Dmitry Medvedev và Tổng thống Gurbaguly Berdymukhamedov còn đề cập tới tình hình Afghanistan, khủng bố quốc tế, buôn bán ma tuý bất hợp pháp, tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, cũng như hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về khí hậu vừa kết thúc ở Copenhagen, Đan Mạch.

Đây cũng được coi là chuyến thăm đáp lễ sau chuyến công du tới Nga trước đó (29/11) của Tổng thống Gurbaguly Berdymukhamedov.

Chuyến công du Turkmenistan của Tổng thống Dmitry Medvedev diễn ra sau khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào khánh thành "tuyến đường ống dẫn khí đốt thế kỷ" nối liền khu mỏ khai thác khí đốt Samandep của Turkmenistan với Trung Quốc, đi qua lãnh thổ Kazakhstan và Uzbekistan, dài khoảng 7.000km hôm 14/12 vừa qua. Được biết, kể từ 15/12, Turkmenistan bắt đầu cung cấp khí đốt cho Trung Quốc 40 tỷ m3/năm. Trước và sau sự kiện trên, giới truyền thông trong và ngoài khu vực từng đưa tin, theo đó Trung Quốc đã thắng Nga trong cuộc chiến giành khí đốt tại Turkmenistan.

Ngoài Trung Quốc, Turkmenistan còn được phương Tây ve vãn. Những nhà đầu tư tuyến đường ống dẫn dầu Nabucco trị giá 11,7 tỷ USD, dài 3.300km chạy từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Bulgaria, Romania, Hungary và kết thúc ở Áo (do phương Tây tài trợ) đều coi Turkmenistan là nhà cung cấp hàng đầu của họ bởi nước này có vị trí địa-chính trị đắc địa. Turkmenistan là một trong những quốc gia Trung Á được thế giới đánh giá là "căn cứ năng lượng trong thế kỷ XXI". Ukraine cũng muốn Turkmenistan cung cấp khí đốt để khỏi phải phụ thuộc vào Nga trong lĩnh vực này.

Ngày 16/9, Tổng thống Victor Yushchenko đã đề nghị Tổng thống Gurbaguly Berdymukhamedov nối lại việc cung cấp khí đốt trực tiếp cho Ukraine với số lượng 15 tỷ m3/năm. Trước năm 2006, Ukraine là nước tiêu thụ khí đốt lớn nhất của Turkmenistan với số lượng 35 tỷ m3/năm. Trước đó (13/7), Turkmenistan đã đồng ý xây dựng một đường ống mới cung cấp khí thiên nhiên cho Iran. Theo thỏa thuận, Turkmenistan sẽ cung cấp khí đốt cho Iran lên mức 14 tỷ m3/năm.

Tổng thống Dmitry Medvedev

Giới kinh tế cho rằng, sự ổn định trong khu vực dựa trên thỏa thuận hợp tác dài hạn trong lĩnh vực khí đốt đã ký giữa Turkmenistan và Nga cách đây 6 năm (2003-2009). Theo hợp đồng đã ký, Turkmenistan sẽ cung cấp khí đốt cho Nga đến năm 2028. Tính đến nay, Nga là đối tác thương mại hàng đầu của Turkmenistan - Nga chiếm 39,2% khối lượng thương mại của Turkmenistan (50,5% hàng xuất khẩu và 16% hàng nhập khẩu).

Cách đây 3 tháng (tháng 9), hợp tác năng lượng cũng là vấn đề chính trong chương trình nghị sự giữa Tổng thống Dmitry Medvedev và Tổng thống Gurbaguly Berdymukhamedov tại thành phố cảng Turkmenbashi trên biển Caspia. Nhưng hôm 20/10, Turkmenistan từng đưa ra tuyên bố, sẽ cấm Nga tái xuất khẩu khí đốt của nước này sang châu Âu và điều này khiến Moskva lo lắng.

Ngoài vấn đề kinh tế, dư luận cũng quan tâm tới sự hợp tác quân sự giữa Turkmenistan và Nga. Thượng tuần tháng 12, Hải quân Turkmenistan vừa nhận và đưa vào sử dụng 2 tàu tuần tra Sobol do Nga chế tạo. Tàu tuần tra Sobol đang được một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka, Malaysia, Indonesia, Trung Đông, Trung Mỹ, Nam Phi, Brazil... đặt mua bởi có khả năng di chuyển với vận tốc cao. Trong năm 2008, Nga đã chuyển cho Hải quân Turkmenistan tàu mang tên lửa loại Molnya theo thỏa thuận thuê dài hạn.

Tại phiên họp của Hội đồng An ninh Quốc gia hôm 30/8, Tổng thống Gurbaguly Berdymukhamedov thông báo, trong tương lai gần Turkmenistan sẽ mở một căn cứ hải quân trên biển Caspia để bảo vệ biên giới biển của quốc gia. Được biết, Nga sẽ cung cấp cho Turkmenistan xe tăng T-90S với tổng trị giá lên tới 1 tỷ rub

Quốc Trung
.
.
.