Nếu trừng phạt, sẽ không còn giọt dầu nào lọt eo biển Hormuz!

Thứ Năm, 29/12/2011, 09:52
Hôm 27/12, Iran đe dọa sẽ ngừng hoạt động chuyên chở dầu mỏ qua eo biển Hormuz nếu các quốc gia phương Tây vẫn quyết định áp đặt lệnh cấm xuất khẩu dầu thô nhằm vào nước này.

Tin từ hãng Reuters cho hay, căng thẳng xung quanh vấn đề hạt nhân ở Iran bắt đầu gia tăng từ ngày 8/11 khi báo cáo của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) khẳng định, Tehran vẫn tiếp tục kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân của mình. Mặc dù Iran đã bác bỏ những thông tin này và nhấn mạnh, chương trình hạt nhân của nước họ chỉ nhằm mục đích dân sự. Song, các quốc gia phương Tây vẫn gia tăng sức ép đề xuất thêm các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran.

Nhiều nhà ngoại giao cũng khuyến cáo rằng, bất kỳ một lệnh trừng phạt nào nhằm vào Iran có thể sẽ tạo ra những thay đổi xấu trên trường quốc tế, đặc biệt trong việc cung ứng dầu mỏ trong bối cảnh kinh tế thế giới đang khủng hoảng, suy thoái trầm trọng. Nhiều nhà phân tích còn đưa ra lập luận rằng những động thái nói trên sẽ không đạt được mục đích bởi Nga, Trung Quốc chắc chắn bỏ phiếu chống. Ngược lại, hành động của các quốc gia phương Tây chỉ làm Iran thêm quyết tâm theo đuổi mục đích của mình.

Hải quân Iran triển khai tàu ngầm trên vùng eo biển Hormuz trong cuộc tập trận mang tên Velayat-90.

Trên thực tế, lời cảnh báo của Iran được đưa ra chỉ 3 tuần sau khi các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) đề nghị thêm lệnh trừng phạt đối với Iran - quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn thứ 5 thế giới. Hãng thông tấn IRNA dẫn lời Phó Tổng thống thứ nhất của Iran Reza Rahimi khẳng định: "Sẽ không có một giọt dầu nào được vận chuyển qua eo biển Hormuz nếu các biện pháp trừng phạt ngành dầu mỏ Iran được thông qua".

Ông Reza Rahimi nhấn mạnh Iran không mong muốn thù địch hay bạo lực, nhưng các nước phương Tây không chịu từ bỏ âm mưu chống lại nhà nước Hồi giáo này: "Kẻ thù của chúng tôi chỉ từ bỏ âm mưu của chúng khi mà Iran cho họ một bài học cay đắng". Tuyên bố cũng khẳng định Iran đã sẵn sàng trong việc phong tỏa eo biển Hormuz.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn nhấn mạnh việc theo đuổi lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran. Giới chức EU thì từ chối bình luận. Hiện tại, 27 quốc gia thành viên EU mỗi ngày nhập khẩu 450.000 thùng dầu của Iran, tức là chiếm khoảng 18% lượng dầu xuất khẩu của quốc gia Hồi giáo này. Điều đáng chú ý là 1/3 số thùng dầu này đều được vận chuyển qua eo biển Hormuz.

Ngoài ra, vùng biển này cũng là nơi trung chuyển dầu xuất khẩu từ Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Kuwait, Iraq, Oman, Qatar... Vì thế, dù Arab Saudi và một số quốc gia vùng Vịnh là thành viên của OPEC dù có tuyên bố sẵn sàng thay thế Iran trong việc cung cấp dầu mỏ cho các nước ở châu Âu cũng không thể nào thay đổi được tình hình nếu eo biển Hormuz bị phong tỏa.

Hôm 18/12, Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia và chính sách đối ngoại Quốc hội Iran Hossein Ebrahimi từng tuyên bố trong trường hợp bị cấm xuất khẩu dầu mỏ, Iran sẽ đóng cửa eo biển Hormuz, không nước nào được vận chuyển dầu mỏ qua tuyến đường biển chiến lược này. Đồng thời, ông Hossein Ebrahimi cũng ám chỉ về việc Iran sẵn sàng tấn công Israel, các căn cứ của Mỹ ở khu vực vùng Vịnh để trả thù cho bất kỳ một cuộc không kích nào nhằm vào các nhà máy hạt nhân của nước này. Hiện tại, hải quân Iran cũng đang tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn kéo dài 10 ngày ở gần eo biển này.

Eo biển Hormuz nằm giữa vịnh Oman và vịnh Ba Tư, chạy dọc bờ biển thuộc vùng Vịnh của Iran. Đây là con đường biển chiến lược quan trọng nhưng hẹp, chỗ hẹp nhất khoảng 34km. Tàu chở hàng đi qua đây chủ yếu là dầu thô xuất khẩu, có đến 40% lượng dầu mỏ của thế giới được chuyên chở qua con đường này, do đó nó là một vị trí kiểm soát quan trọng

Phan Hiển
.
.
.