Năm 2012, kinh tế thế giới có thể lặp lại suy thoái

Thứ Năm, 19/01/2012, 10:16
Sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới sẽ chậm lại và có thể chỉ đạt 2,6% trong năm 2012. Đây là cảnh báo do Liên hợp quốc đưa ra với những tuyên bố về khả năng nền kinh tế thế giới rơi vào một cuộc suy thoái mới. Trong khi đó, Ngân hàng thế giới (WB) còn dự báo, kinh tế thế giới năm 2012 sẽ tăng trưởng 2,5%, thấp hơn so với dự báo 3,6% được đưa ra vào tháng 6/2011.

Báo cáo hàng năm về triển vọng và tình hình kinh tế thế giới của Liên hợp quốc (LHQ) được công bố hôm 17/1 khẳng định, mức tăng trưởng trung bình của nền kinh tế thế giới trong năm 2012 đạt là 2,6% và có thể sẽ tăng lên thành 3,2% vào năm 2013. Nguyên do của việc này, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thế giới là vì cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đang ngày càng lan rộng.

Trong khi đó, thị trường tài chính bấp bênh, nhu cầu tiêu dùng thấp và sự tê liệt về chính sách ở nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU). Báo cáo của LHQ có đoạn viết: "Tất cả những vấn đề này đều đang hiện hữu và chỉ cần một trong số đó xấu đi cũng đủ gây ra sự hỗn loạn nghiêm trọng về tài chính và sụt giảm tăng trưởng kinh tế".

Tốc độ phát triển kinh tế năm 2012 của Trung Quốc và Ấn Độ cũng được dự báo sẽ chậm lại so với năm 2011.

LHQ dự báo nếu các nước phát triển tiếp tục tăng trưởng chậm như nhận định này thì hết năm 2015, thế giới vẫn chưa thể trở lại tỷ lệ người có việc làm như thời kỳ tiền khủng hoảng. (Năm 2011, thế giới thiếu 64 triệu việc làm). Ngay cả WB cũng thể hiện sự bi quan với khả năng phục hồi của đồng tiền chung châu Âu bằng dự báo kinh tế của khu vực này có thể tăng trưởng âm 0,3% trong năm 2012 trong khi mức tăng trưởng kinh tế của năm 2011 là 1,8%.

Thậm chí, trong báo cáo mang tên "Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2012", WB còn khuyến cáo: "Kinh tế thế giới đã bước vào một giai đoạn rất khó khăn với những nguy cơ suy giảm và dễ đổ vỡ một cách rõ ràng. Đối với châu Âu, ngay cả việc đạt được mục tiêu tăng trưởng như trên cũng không chắc chắn. Kinh tế châu Âu đi xuống, tăng trưởng kinh tế của nhóm nền kinh tế đang phát triển kém đi khiến thị trường dự báo nhiều hơn về kết quả tăng trưởng tồi tệ hơn".

Riêng với Mỹ, tăng trưởng GDP cũng được điều chỉnh giảm xuống 2,2% từ mức 2,9%. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng giảm xuống 8,4% thay vì mức 8,7% trong lần dự báo giữa năm ngoái.

Như vậy, có thể thấy những dự báo về triển vọng kinh tế toàn cầu 2012 không được lạc quan như trước đây. Đây là điều khiến lãnh đạo nhiều quốc gia quan ngại bởi trước khi LHQ và WB đưa ra những báo cáo này thì cơ quan đánh giá tín nhiệm S&P - tổ chức xếp hạng tín dụng lớn và uy tín nhất thế giới có trụ sở tại Mỹ đã hạ bậc tín nhiệm từ AAA xuống còn AA+, với triển vọng "tiêu cực" đối với Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF), EU thành lập để hỗ trợ một số nước trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bị lâm vào tình trạng khủng hoảng nợ công.

Trước đó, S&P cũng quyết định hạ bậc tín nhiệm của một loạt nước châu Âu, trong đó có một số nước từng mức tín nhiệm cao nhất trong khu vực như Pháp và Áo. Vì thế, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thuộc LHQ và WB, các nước đang phát triển và các nền kinh tế trong thời kỳ quá độ sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế toàn cầu với tốc độ tăng trưởng trung bình 5,4% trong năm nay và 5,8% năm sau, song thấp hơn nhiều so với tốc độ 7,1% của năm ngoái.

Mặc dù vậy WB vẫn hối thúc chính phủ các nước đang phát triển chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất khi khủng hoảng châu Âu tiếp tục biến động xấu và chuyển thành cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giống như năm 2008

Sông Thương
.
.
.