Nấc thang căng thẳng mới trong quan hệ Nga - EU

Thứ Sáu, 19/06/2015, 08:34
Ngày 18/6, chỉ vài giờ sau khi Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố gia hạn các lệnh trừng phạt vào Nga thêm sáu tháng do liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Uluykayev khẳng định Moskva cũng sẽ giữ nguyên hiện trạng “cấm nhập khẩu” đối với các sản phẩm nông nghiệp của EU hiện nay, song nhiều khả năng sẽ không bổ sung biện pháp trừng phạt mới. Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitri Peskov cũng tuyên bố khả năng Moskva sẽ trả đũa quyết định gia hạn trừng phạt kinh tế của EU.

Trong một tuyên bố trước báo giới, ông Peskov cho biết, phản ứng của Nga sẽ phụ thuộc vào nguyên tắc “có đi có lại”: “Nguyên tắc ăn miếng trả miếng là quy luật phổ biến, nhưng vẫn cần phải đợi quyết định chính thức (của EU) được đưa ra. Đến nay vẫn chưa có quyết định nào cả”.

Đồng quan điểm, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Andrei Belousov cảnh báo Moskva có thể đáp trả cứng rắn các lệnh trừng phạt của EU trong trường hợp liên minh này thực hiện quyết định kéo dài các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov thì nhấn mạnh, việc EU gia hạn trừng phạt Nga nằm trong dự liệu của ông: “Chúng tôi đã dự đoán rằng, các biện pháp trừng phạt sẽ được gia hạn”.

Moskva sẽ giữ nguyên hiện trạng “cấm nhập khẩu” đối với các sản phẩm nông nghiệp của EU. Ảnh: Sputnik.

Thông qua mạng xã hội Facebook, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev bình luận rằng, quyết định gia hạn trừng phạt của EU đối với Nga đã phơi bày ra sự bất lực của người châu Âu trong việc hiểu được Nga cũng như đoán trước được phản ứng của Nga. Ông Kosachev nói thêm rằng, các biện pháp trừng phạt “là vấn đề nội bộ của các nước thành viên EU” và rằng, “Nga sẽ không đưa vấn đề đó vào bàn đàm phán hoặc coi nó như một thứ để mặc cả, thỏa hiệp”. “Nói cách khác, tôi phải thừa nhận rằng sẽ rất thú vị để chứng kiến các đối tác châu Âu của chúng tôi thoát ra khỏi cái bẫy trừng phạt mà họ bị lôi kéo vào”.

Tuyên bố bên lề Diễn đàn kinh tế quốc tế đang diễn ra ở thành phố St. Petersburg, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Rosneft Igor Sechin thẳng thắn rằng, quyết định của EU trong việc kéo dài thời gian áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga là một quyết định không khôn ngoan vì nó chỉ có hại cho cả hai phía. Chủ tịch Rosneft bày tỏ hy vọng tình hình sẽ không kéo dài lâu bởi điều đó vi phạm lợi ích của tất cả những người tham gia thị trường – những người hoàn toàn không có liên quan gì đến những cuộc xung đột, khủng hoảng…

Trước đó, tối 17/6, tại cuộc họp của các đại sứ đến từ 28 nước thành viên EU ở thủ đô Brussels (Bỉ), các nước EU đã đạt thỏa thuận sơ bộ để gia hạn trừng phạt Nga trên lĩnh vực thương mại và đầu tư thêm sáu tháng, tức là sẽ kéo dài cho đến ngày 31/1/2016, nhằm tiếp tục gây áp lực lên Moskva để giúp ổn định tình hình ở Đông Ukraine.

Đại sứ Litva tại EU, ông Raimundas Karoblis cho biết: “Thông điệp gửi đến các giới chức Nga nói chung và Tổng thống Putin nói riêng là EU đang tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ Ukraine và gây áp lực lên Nga. Các quốc gia thành viên EU đã cho thấy, họ có thể đưa ra các quyết định nhạy cảm nhờ sự đoàn kết một lòng”.

Tuy nhiên, để chính thức có hiệu lực, quyết định này còn cần phải nhận được sự thông qua của các Ngoại trưởng EU trong cuộc họp ở Luxembourg vào ngày 22/6 và điều này được cho là chắc chắn sẽ xảy ra. Thủ tục trên đồng nghĩa với việc sẽ không cần phải có một cuộc họp bàn về Nga tại hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo các nước EU ở Brussels vào cuối tuần tới. Trên thực tế, việc kéo dài lệnh trừng phạt đối với Nga đã được thông báo từ trước.

Trong bài phát biểu trên Đài Truyền hình Quốc gia hôm 15/6, Ngoại trưởng Cộng hòa Czech Lubomir Zaoralek cho biết EU sẽ giữ nguyên các lệnh trừng phạt Nga ít nhất cho đến cuối năm nay: “Tôi tin vào khả năng lớn nhất rằng thời hạn của các lệnh trừng phạt sẽ kéo dài đến cuối năm. Tôi đã đi đến kết luận này sau các cuộc thảo luận (với các chính trị gia EU)”. Theo Ngoại trưởng Zaoralek, vấn đề dỡ bỏ hay nới lỏng các lệnh trừng phạt hiện không có trong chương trình nghị sự. Ông Zaoralek cho biết không hy vọng về “việc đưa ra những lệnh trừng phạt cứng rắn hơn nhằm vào Nga”.

Cũng trong cuộc họp tại Brussels, các đại sứ EU đã nhất trí kéo dài thêm thời hạn cấm nhập khẩu từ Crimea thêm một năm nữa, theo đó, lệnh trừng phạt này sẽ kéo dài đến 23/6/2016. Các nhà ngoại giao cũng đã đề nghị giới chức EU khởi động công việc về pháp lý và kỹ thuật để kéo dài thời gian phong tỏa tài sản và cấm đi lại đối với các cá nhân cũng như công ty Ukraine và Nga bị cáo buộc làm phương hại đến chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Ukraine. Chưa có quyết định nào được đưa ra về việc kéo dài các biện pháp trừng phạt đối với 150 cá nhân và 37 tổ chức của Nga và Ukraine. Chính sách trừng phạt này sẽ hết hạn vào ngày 15/9 tới.

Khổng Hà
.
.
.