Mỹ yêu cầu Trung Quốc giảm căng thẳng ở Biển Đông

Thứ Sáu, 26/06/2015, 08:13
Trong cuộc gặp sáng 25/6 (giờ Việt Nam) với đoàn lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc do Phó Thủ tướng Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì dẫn đầu, sau khi kết thúc hai ngày Đối thoại chiến lược Mỹ - Trung, Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục bày tỏ mối quan ngại về cách hành xử trên không gian mạng của Trung Quốc và những căng thẳng liên quan đến các vùng biển tranh chấp ở Đông Á. Từ đó, Washington thúc giục Bắc Kinh cần có “những hành động rõ ràng” nhằm làm giảm căng thẳng ở Biển Đông cũng như trong các hoạt động tấn công mạng.

Về vấn đề an ninh mạng, quan hệ Mỹ - Trung đã căng thẳng sau khi Washington cáo buộc tin tặc Trung Quốc tấn công mạng cơ quan chính quyền của Mỹ. Và ngay trước khi vòng đối thoại này, vốn quy tụ khoảng 400 quan chức Trung Quốc tham dự, diễn ra, Mỹ lại cáo buộc Bắc Kinh đứng đằng sau vụ tấn công mạng gần đây nhằm vào Văn phòng Quản lý nhân sự Mỹ (OPM).

Theo giới chức Mỹ, tin tặc Trung Quốc đã xâm phạm dữ liệu cá nhân của ít nhất 18 triệu nhân viên chính thức và nhân viên hợp đồng đã và đang làm việc cho chính phủ liên bang. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, chủ trì cuộc hội đàm cùng Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew, nhấn mạnh, các vụ thâm nhập máy tính đã làm dấy lên mối nghi ngại về an ninh và “gây tổn thương nhiều doanh nghiệp Mỹ”. 

Theo đó, Ngoại trưởng Kerry cho rằng, hai nước cần phải cùng nhau làm việc để có được sự hiểu biết chung về cách hành xử phù hợp của mỗi nước trong không gian mạng. Về phía Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì khẳng định, Bắc Kinh chủ trương trừng trị nghiêm khắc hành vi tấn công mạng, đồng thời luôn sẵn sàng hợp tác với Washington trong việc đảm bảo an ninh mạng cũng như trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ.

Ông Dương cho biết, an ninh mạng là vấn đề cực kỳ quan trọng và các nước cần phải làm việc cùng nhau để đưa ra quy tắc ứng xử về việc chia sẻ thông tin mạng. Ông Dương cũng kêu gọi Mỹ cần “tôn trọng và thừa nhận những quan ngại của Trung Quốc, và xử lý các khác biệt, những vấn đề nhạy cảm một cách thận trọng”. 

Đối thoại chiến lược Mỹ - Trung diễn ra trong hai ngày 23 và 24/6 tại Washington. Ảnh: THX.

Trước đó, Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio, ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, đã viết thư thúc giục Tổng thống Obama áp đặt các biện pháp trừng phạt Trung Quốc vì “đứng sau những vụ tấn công mạng nhằm vào Mỹ”. Bắc Kinh đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc trên; đồng thời tố ngược Mỹ mới là nước tích cực nhất trong hoạt động do thám trên mạng nhằm vào các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc.

Mỹ cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc về những hành động cải tạo, xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông. Phó Tổng thống Mỹ Biden thẳng thắn rằng: “Các quốc gia có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế và làm việc cùng nhau để đảm bảo cho các vùng biển quốc tế luôn tự do cho thương mại không bị cản trở”, đồng thời khẳng định: “Các nước loại bỏ biện pháp ngoại giao, sử dụng cách áp chế và đe dọa để giải quyết tranh chấp hoặc làm ngơ trước sự gây hấn của nước khác sẽ chỉ tạo ra sự bất ổn”.

Theo ông Biden, 80% hàng hóa thế giới được vận chuyển qua đường biển và việc mở cửa cũng như bảo vệ các tuyến hàng hải đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết do sự liên kết của toàn thế giới. Ngoại trưởng Mỹ một lần nữa yêu cầu Trung Quốc nên có những hành động làm “dịu căng thẳng trên biển Đông và biển Hoa Đông, không nên đổ thêm dầu vào lửa”. Trung Quốc tiếp tục trắng trợn nhận những khu vực tranh chấp trên biển Đông và biển Hoa Đông thuộc lãnh thổ của họ.

Ông Dương Khiết Trì, bằng những lời nói mang tính xoa dịu Mỹ, nói rằng, hai bên “có lợi ích chung rộng rãi trong quản lý hàng hải toàn cầu”, họ có thể cùng xây dựng một “môi trường hàng hải “hòa bình và yên tĩnh”.

Trong một diễn biến liên quan, từ ngày 22 đến 27/6 đã diễn ra cuộc tập trận mạng tên CARAT 2015 tại khu vực Biển Đông với sự tham gia của Hải quân Mỹ, Nhật Bản và Philippines. Song song với CARAT 2015, Hải quân Mỹ và Philippines đã tổ chức tập trận riêng rẽ đến ngày 26, trong khi Hải quân Nhật và Philippines đã tập trận cho tới ngày 27. Các cuộc tập trận này được xem là minh chứng cho việc “Washington sẽ không làm ngơ trước các hành động đơn phương của Bắc Kinh” (tại Biển Đông).

Theo giới chuyên gia phân tích chính trị, những động thái này chẳng nói lên điều gì. Bằng cách xây dựng đảo nhân tạo trên cơ sở các đảo san hô và đá ngầm, Bắc Kinh đã có những hành động thay đổi cán cân lực lượng trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam một cách căn bản và dù nước này có dừng lại ở đây thì cũng khó có ai ép được Trung Quốc đưa biển Đông về hiện trạng ban đầu của nó. Bắc Kinh không chờ đợi việc xây dựng các đảo nhân tạo sẽ mang lại tình trạng pháp lý lãnh hải.

Họ thừa biết rằng, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), một hòn đảo nhân tạo được xây dựng trên rạn san hô không thể tạo ra xung quanh nó vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế. Mục đích của việc xây dựng các đảo nhân tạo này của Bắc Kinh là tạo ra thay đổi thực sự trong cán cân lực lượng quân sự trên Biển Đông, trên đường tới eo biển chiến lược quan trọng Malacca. Nói chính xác ra, Bắc Kinh hiện đang tìm kiếm “quyền kiểm soát thực tế” bằng hành động quân sự.

Cuộc Đối thoại chiến lược Mỹ - Trung năm 2015 bắt đầu ngày 23/6 tại Thủ đô Washington của Mỹ với 3 phần chính: Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung (S&ED) lần thứ 7, Tham vấn về giao lưu nhân dân - nhân dân (CPE) lần thứ 6 và Đối thoại an ninh chiến lược (SDD) lần thứ 5. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew cùng với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Uông Dương đồng chủ trì cuộc Đối thoại S&ED, trong khi Ngoại trưởng Kerry và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông đồng chủ trì cuộc Tham vấn CPE. 
Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.