Mỹ "thắt" luật về an ninh tư nhân: Mất bò mới lo làm chuồng

Thứ Sáu, 02/11/2007, 09:04
Các nhà thầu an ninh tư nhân của Mỹ đang hoạt động trên đất Iraq sẽ bị khởi tố nếu họ phạm tội. Dự luật này vừa được Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua với tỷ lệ 389/30.

Tiếp bước theo Hạ viện, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 1/11 đã đồng ý thắt chặt luật quản lý các công ty an ninh tư nhân tại Iraq và cho phép quân đội Mỹ tại Iraq kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Lấp lỗ hổng trong luật

Trong khi đó, chính phủ Iraq cũng đã thông qua đề xuất về việc chấm dứt quyền miễn trừ truy tố đối với các nhà thầu an ninh đang làm việc trên phạm vi lãnh thổ nước này. Dự thảo luật sẽ được trình lên Quốc hội trong thời gian tới.

Phát ngôn viên Chính phủ Iraq Ali al-Dabbagh cho biết, đây là quyết định nhằm cải thiện tình hình an ninh cũng như việc lấp bớt chỗ trống trong hệ thống luật hiện hành.

Theo đó, tất cả  các công ty an ninh tư nhân nước ngoài phải nộp hồ sơ xin đăng ký kinh doanh ở Iraq. Nhân viên của họ chỉ được phép dùng súng sau khi nhận được giấy cấp phép của nhà chức trách Baghdad. Họ cũng chỉ được phép vào Iraq khi có thẻ căn cước do Bộ Quốc phòng Mỹ cấp và visa.

Ali al-Dabbagh nói: "Tất cả quyền miễn trừ truy tố của họ theo điều 17 đều bị hoãn thi hành trong thời điểm này". Điều 17 được ông Paul Bremer đề ra và thực hiện sau khi tiếp quản vị trí Toàn quyền Mỹ tại Iraq nhằm mang lại những quyền lợi cho các công ty an ninh tư nhân Mỹ.

Theo báo cáo từ Quốc hội Mỹ, hiện có khoảng 177 công ty quân đội tư nhân đang hoạt động tại Iraq, trong đó có một số công ty quy mô lớn như: Blackwater, Halliburton, DynCorp, AmorGroup, CRG… Số lượng cựu thành viên lực lượng không quân đặc biệt Anh (SAS) làm việc cho các công ty tư nhân còn cao hơn cả số binh sĩ SAS đóng ở Iraq.

Một điều lạ là tư cách pháp lý của các nhà thầu tư nhân Mỹ ở các vùng chiến sự vẫn chưa rõ ràng và chưa được kiểm nghiệm trên phương diện luật pháp. Các hãng tư nhân làm việc cho Bộ Quốc phòng nằm trong khuôn khổ pháp luật Mỹ hiện hành. Còn các công ty tư nhân như Blackwater làm việc cho Bộ Ngoại giao thì không. Nhiều nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ đã tỏ ra bất bình trước những lỗ hổng pháp luật như vậy.

Bản thân Bộ Ngoại giao cũng thừa nhận tình trạng này và cam kết sẽ xem xét vấn đề. Một số người cho rằng, chính sự nhập nhằng này đã gây ra những trở ngại trong cuộc điều tra vụ nhân viên công ty Blackwater xả súng làm 11 dân thường Iraq thiệt mạng tại thủ đô Baghdad.

Sau khi được Bộ Ngoại giao trao quyền điều tra Blackwater, FBI lại đùn đẩy công việc này cho Bộ Tư pháp Mỹ và các nhà chức trách Iraq.

Vô tình hay thiếu trách nhiệm?

Sau buổi điều trần của Chủ tịch Blackwater trước Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Cải cách chính quyền thuộc Hạ viện Mỹ, ông Henry Waxman đã khẳng định rằng hàng loạt công ty an ninh tư nhân không đáp ứng được các tiêu chuẩn của quân đội Mỹ. Những công ty này phần lớn đều buôn lậu vũ khí vào Iraq.

Số vũ khí này sau đó lại được bán ra chợ đen và cuối cùng rơi vào tay một số tổ chức khủng bố mà Mỹ đã chú ý.

Nghiêm trọng nhất là việc bắn giết người bừa bãi. Báo cáo của quân đội Mỹ được đăng tải trên tờ Bưu điện Washington cho biết, nhân viên của các công ty an ninh tư nhân thường có thói quen lạm dụng vũ lực.

Nhưng lạ một cái là sau những cơn giận dữ của dư luận và sự kiểm tra ngặt nghèo của nhà chức trách thì tình trạng này lại tái diễn. Những công ty an ninh tư nhân được che chắn khỏi luật pháp Iraq bởi một quy định do Mỹ đưa ra sau khi chiếm Iraq. Do đó, thành viên của họ cũng tự cho mình cái quyền được xử sự như một quân đội riêng, hoạt động ngoài luật pháp.

Chỉ duy nhất có hai vụ xả súng hồi tháng 9 là được làm một cách gay gắt. Ngay cả Chính phủ Iraq cũng không chịu nương tay. Đến lúc này thì Bộ Ngoại giao Mỹ mới xuống nước với chút ít điều chỉnh. Câu hỏi được đặt ra là liệu đây là hành động vô tình hay thiếu trách nhiệm?

Báo cáo mới nhất của LHQ cho biết, việc sử dụng các nhân viên an ninh tư nhân là một dạng mới của hoạt động lính đánh thuê. Hội đồng Bảo an LHQ và Đại hội đồng LHQ đã phản đối sử dụng lính đánh thuê nhưng việc một quốc gia thuê lính nước ngoài để sử dụng tại một nước khác chỉ bị cấm trong 30 nước phê chuẩn Hiệp ước năm 1989. Mỹ và Iraq đều không nằm trong số những nước này.

Sự bùng nổ của loại hình dịch vụ này trong 10 năm qua đã mang về con số lợi nhuận khoảng 120 tỷ USD/năm. Riêng ở Iraq, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chi cho công ty Blackwater gần 900 triệu USD cho công tác đảm bảo an ninh trong giai đoạn 2004-2006. Tính từ năm 2001, Công ty Blackwater đã kiếm về hơn 1 tỷ USD từ các hợp đồng với chính phủ

Huyền Chi
.
.
.