Mỹ rút 33.000 quân khỏi Afghanistan: Người cười nụ, kẻ khóc thầm

Chủ Nhật, 26/06/2011, 13:51

Dư luận trong và ngoài nước Mỹ đã có những phản ứng khác nhau ngay sau khi Tổng thống Barack Obama thông báo kế hoạch rút 33.000 quân khỏi Afghanistan bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều khiến giới chuyên môn quan tâm và đặt câu hỏi lớn nhất là tại sao Tổng thống Barack Obama lại đưa ra quyết định rút quân thời điểm này - đúng 18 tháng sau khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng và tại sao kế hoạch này lại vấp phải nhiều chỉ trích của giới lãnh đạo cấp cao trong quân đội Mỹ.

Những con số biết nói

Tuyên bố rút 33.000 quân khỏi Afghanistan được Tổng thống Barack Obama đưa ra vào tối 22/6 (theo giờ địa phương). Tổng thống Barack Obama cho rằng, giờ là lúc tập trung vào xây dựng đất nước và sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các đồng minh NATO cùng những đối tác của Mỹ trong tháng 5/2012 ở thành phố Chicago để định hình giai đoạn chuyển tiếp ở Afghanistan. Kể từ khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan (chỉ vài tuần sau khi xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001) đã có ít nhất 1.500 lính Mỹ thiệt mạng, 12.000 người khác bị thương và chi phí cho cuộc chiến hiện đã tăng chóng mặt kể từ khi ông Barack Obama lên nắm quyền.

10 năm tiến hành cuộc chiến chống khủng bố (2001-2011) và đồn trú tại Afghanistan, Iraq đã khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới "hụt hơi" khi phải chi tới hơn 1.000 tỷ USD, nhưng vẫn không thể kiểm soát tình hình ở 2 quốc gia này. Có tài liệu nói, Mỹ đã chi khoảng 1.300 tỉ USD cho 2 cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan trong thập niên vừa qua.

Tuy rút 33.000 quân, nhưng Mỹ vẫn còn tới 68.000 binh sỹ và theo kế hoạch vừa được Tổng thống Barack Obama công bố, Washington sẽ rút hết binh sỹ vào đầu năm 2015, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Nhà Trắng sẽ bỏ rơi quốc gia đã tiêu tốn sức người, sức của của nước này. Giới quân sự cho rằng, mặc dù đến cuối năm nay Mỹ mới rút 10.000 quân và 23.000 quân còn lại sẽ về nước vào cuối mùa hè năm 2012 (tháng 9/2012), nhưng việc này sẽ ảnh hưởng nhất định tới cục diện trên chiến trường. Nhiều người coi quyết định rút 33.000 quân khỏi Afghanistan của Tổng thống Barack Obama là hành động "bóc ngắn, cắn dài". Còn ông Barack Obama coi việc rút quân là một trong những quyết định khó khăn nhất thực hiện trên cương vị Tổng thống.

Đảng Cộng hòa từng ủng hộ tiến hành 2 cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, nhưng hiện cũng bất bình về những khoản chi cho chiến tranh. Nhiều người cho rằng, cái giá của cuộc chiến tại Afghanistan đã vượt mức chịu đựng của Mỹ. Dư luận quan tâm tới nhận định của Giáo sư William R.Keylor tại Đại học Boston - Tổng chi phí cho cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Mỹ và là cuộc chiến được chi bằng tiền vay hơn là bằng tăng thuế và cần tính tới những khoản phúc lợi cho số binh sỹ trở về. Cách đây hơn 7 tháng (5/11/2010) Mỹ từng quyết định chi 511 triệu USD để mở rộng Đại sứ quán nước này ở thủ đô Kabul, Afghanistan và dư luận coi đây là động thái chứng tỏ, Washington muốn duy trì lâu dài sự hiện diện của họ tại quốc gia đầy bất ổn, nhưng có vị trí địa-chính trị quan trọng ở châu Á.

Dư luận cũng quan tâm tới hội nghị thị trưởng Mỹ diễn ra hôm 20/6 bởi các đại biểu đã yêu cầu Nhà Trắng phải phân biệt rõ quan điểm cũng như cách tính về những khoản không được chi đối với nền kinh tế Mỹ và những khoản chi ở Afghanistan bởi chỉ tính riêng trong năm nay Nhà Trắng đã chi 118,6 tỉ USD cho cuộc chiến tại Afghanistan trong khi con số này chỉ là 14,7 tỉ USD cách đây 8 năm (2003).

Tổng thống Barack Obama.

Giới chuyên môn cho rằng, nghị quyết của hội nghị thị trưởng - kêu gọi kết thúc sớm vai trò quân sự của Mỹ ở Afghanistan và Iraq đã tác động nhất định tới quyết định rút quân của Tổng thống bởi đối với ông Barack Obama sự ủng hộ của cử tri trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sắp tới là mối quan tâm hàng đầu.

Theo kết quả cuộc thăm dò do hãng tin AP và Tổ chức GFK Roper phối hợp thực hiện (từ 16 đến 20/6), ông Barack Obama đang vấp phải sự chỉ trích của cử tri đối với cách thức giải quyết các vấn đề kinh tế nói chung, nạn thất nghiệp nói riêng - tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện đang ở mức 9% và uy tín cá nhân đang sụt giảm mạnh.

Những phản ứng khác nhau

Khi được phỏng vấn về kế hoạch rút 33.000 quân khỏi Afghanistan, Tổng thống Barack Obama khẳng định, Washington không bỏ rơi Afghanistan và việc rút quân theo từng giai đoạn là nhằm giúp chính quyền của Tổng thống Hamid Karzai có thời gian tăng cường năng lực an ninh. Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh, sau đợt rút quân đầu tiên này, Mỹ sẽ đều đặn rút thêm binh lính khỏi Afghanistan và người Afghanistan sẽ tiếp quản an ninh từ cuối năm 2014. Trong khi hầu hết người dân Mỹ đều ủng hộ quyết định của Tổng thống Barack Obama thì một số tướng lĩnh cấp cao lại bày tỏ quan ngại.

Binh lính Anh-Pháp-Mỹ tại chiến trường Afghanistan.

Đây được coi là thách thức lớn của Trung tướng John Allen, Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ (cơ quan giám sát các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Trung Đông, Afghanistan và Pakistan), người được bổ nhiệm thay thế tướng David Petraeus tại Afghanistan. Tướng John Allen là người có công trong việc thuyết phục những bậc trưởng lão sắc tộc Sunni tại tỉnh Anbar của Iraq quay lưng lại với các lực lượng chống đối nên Tổng thống Barack Obama muốn ông ta tiếp tục phát huy thành tích này tại chiến trường Afghanistan - thuyết phục Taliban về với chính phủ do Mỹ hậu thuẫn.

Giới quân sự Mỹ bày tỏ quan ngại vì cho rằng, kế hoạch rút quân sẽ tạo ra những hệ lụy khôn lường. Tướng David Petraeus, Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Afghanistan và Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đều cho rằng, kế hoạch rút quân sẽ tạo ra những rủi ro nhất định về an ninh tại Afghanistan cho dù Washington có thể kiểm soát được các rủi ro này.

Mặc dù được đề cử và làm Giám đốc CIA kể từ 1/7 và khẳng định sẽ thực thi quyết định của Tổng thống, nhưng Tướng David Petraeus vẫn muốn duy trì quân số như hiện nay cho tới mùa hè năm 2012. Nhiều tư lệnh quân đội Mỹ cho rằng, Tổng thống Barack Obama đã bỏ qua những lời khuyên của họ xung quanh kế hoạch rút quân. Có người cho rằng, Tổng thống Barack Obama đã phê chuẩn kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan xuất phát từ động cơ chính trị - chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2012.

Mặc dù không phải người cầm quân, đánh trận, nhưng Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng ủng hộ những quan ngại của các tướng lĩnh Mỹ. Theo bà Hillary Clinton, chìa khóa để kết thúc cuộc xung đột ở Afghanistan là thương lượng chính trị với ban lãnh đạo Taliban song cùng với cải thiện mối quan hệ đang trục trặc với Pakistan bởi cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ đang theo đuổi không thể thành công nếu thiếu sự hợp tác của 2 quốc gia Nam Á này. Điều này cũng được Tổng thống Barack Obama khẳng định bởi ông cho rằng, việc công nhận Taliban là một đảng chính trị ở Afghanistan nhằm chia sẻ gánh nặng an ninh đối với chính quyền hiện nay.

Trước khi chính thức rời ghế Bộ trưởng Quốc phòng vào ngày 30/6 này, ông Robert Gates vẫn quan ngại trước quyết định rút 33.000 quân của Tổng thống bởi người đứng đầu Lầu Năm Góc muốn rút quân một cách cẩn trọng bởi tình hình an ninh tại Afghanistan vẫn bất ổn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates vẫn ủng hộ kế hoạch kể trên.

Nhưng đa số nghị sỹ của đảng Dân chủ cầm quyền lại có quan điểm khác - muốn đẩy nhanh tiến trình rút quân hơn so với kế hoạch vừa được Tổng thống Barack Obama đưa ra. Phó Tổng thống Joseph Biden và các nghị sĩ đảng Dân chủ thậm chí còn muốn rút hơn 30.000 quân trong năm nay và toàn bộ binh sỹ Mỹ trước cuối năm 2013. Ông Barack Obama cho rằng, việc rút quân sẽ diễn ra dần dần và sẽ không hủy hoại những thành quả an ninh mà binh sỹ Mỹ đã đạt được trước đó, đồng thời khẳng định, sứ mệnh của Mỹ tại Afhganistan vẫn chưa hoàn thành. Giới bình luận cho rằng, sau khi tiến hành thay đổi nhân sự cấp cao an ninh và quốc phòng, Tổng thống Barack Obama mới quyết định rút quân khỏi Afghanistan để phục vụ cho việc tái cử nhiệm kỳ hai.

Hiệu ứng domino

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã lập tức ca ngợi quyết định của Tổng thống Barack Obama. Còn Nhật Bản tuyên bố ủng hộ kế hoạch của Mỹ và hy vọng việc rút quân sẽ diễn ra thuận lợi. Ngày 23/6, Tổng thống Nicolas Sarkozy cho biết, Pháp sẽ rút quân khỏi Afghanistan từ nay đến cuối năm 2011.

Tổng thống Nicolas Sarkozy cho rằng, quyết định rút quân xuất phát từ việc chuyển giao trách nhiệm đảm bảo an ninh cho các lực lượng Afghanistan đã được đẩy nhanh ở nhiều tỉnh, thành phố, tình hình an ninh của nhiều khu vực ở Afghanistan đã được cải thiện và trùm khủng bố Osama bin Laden đã bị tiêu diệt ở Pakistan. Dự kiến, Pháp sẽ rút 4.000 binh sỹ khỏi Afghanistan.

Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron cũng tuyên bố rút quân khỏi quốc gia Nam Á - rút khoảng 400 lính về nước từ nay tới tháng 2/2012. Anh hiện là nước có số binh sĩ nhiều thứ hai sau Mỹ tại Afghanistan (khoảng 9.500 lính, chưa kể các lực lượng đặc nhiệm). Thủ tướng Anh cho rằng, việc Mỹ bắt đầu rút quân có nghĩa chính phủ Afghanistan sẽ nhận trách nhiệm từng phần về an ninh. Ngoài việc hoan nghênh kế hoạch của Tổng thống Barack Obama, Đức và Tây Ban Nha cũng sẽ giảm số lượng binh sĩ đồn đóng tại Afghanistan trong năm nay.

Chỉ vài giờ trước tuyên bố rút quân của Tổng thống Mỹ, Chính phủ Canada đã công bố 4.000 trang tài liệu tối mật nêu chi tiết về các vụ chuyển tù nhân Taliban ở Afghanistan nhằm chứng minh quân đội của họ không làm gì sai trái. Trong khi đó, Thủ tướng Julia Gillard vẫn khẳng định, cho dù Mỹ rút quân nhưng Australia vẫn giữ nguyên kế hoạch của mình, theo đó 1.550 binh sỹ nước này vẫn đồn trú tại tỉnh Uruzgan để huấn luyện cho binh sỹ Afghanistan đến khi người Afghanistan có thể đảm bảo an ninh ở tỉnh này.

Về phần mình, ngày 23/6, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã hoan nghênh kế hoạch rút quân của Mỹ và coi đây là bước đi thích hợp, là bước tiến tốt đẹp cho cả Mỹ và Afghanistan. Nhưng Taliban lại đánh giá thấp quyết định rút quân của Tổng thống Barack Obama vì coi đây chỉ là bước đi mang tính hình thức. Phát ngôn viên Taliban Tariq Ghazniwal cáo buộc Mỹ liên tiếp tạo những ảo vọng cho Afghanistan về việc chấm dứt chiến tranh và tuyên bố chiến thắng một cách vô căn cứ.

Theo Taliban, giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Afghanistan là rút toàn bộ liên quân nước ngoài ngay lập tức khỏi nước này. Với những diễn biến mới nhất cho thấy, Taliban không những đe dọa đến sự an toàn cho binh lính Mỹ và đồng minh, mà còn gây ảnh hưởng tới sự tồn vong của chính quyền do Tổng thống Kamid Harzai đứng đầu. Cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan đã kéo nước này vào bãi lầy không lối thoát.

Ngày 25/6, một quả bom xe lớn đã phát nổ tại bệnh viện khiến ít nhất 60 người thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Cuộc tấn công xảy ra tại tỉnh Logar, Afghanistan và số người chết sẽ còn gia tăng bởi trong số 120 người bị thương có nhiều nạn nhân trong tình trạng nguy kịch.

Nguyễn Thị Lân - Lê Chí Thiện (tổng hợp)
.
.
.