Mỹ kiên định với đồng minh Nhật Bản trong mọi tình huống

Thứ Năm, 05/12/2013, 08:49
Ngày 3/12, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại thủ đô Tokyo, điểm dừng chân đầu tiên của ông trong chuyến công du 3 nước Đông Bắc Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc với “sứ mệnh” hóa giải căng thẳng trong khu vực.

Tại cuộc hội đàm, ông Joe Biden nhấn mạnh, nước Mỹ sẽ luôn “kiên định” với đồng minh Nhật Bản trong mọi tình huống, đặc biệt là trong cuộc “khủng hoảng ngoại giao” sau khi Trung Quốc đơn phương thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, với ranh giới bao trùm cả quần đảo tranh chấp được Nhật Bản gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, làm căng thẳng giữa hai nước nói riêng và cả khu vực nói chung leo thang tới mức báo động.

“Mối quan tâm của nước Mỹ là làm sao để giảm bớt căng thẳng trong khu vực. Tôi tin rằng, tất cả các nước Đông Nam Á cũng có cùng mối quan tâm này và sẽ chia sẻ với Mỹ”, ông Biden phát biểu.

Ông kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản thành lập các cơ chế quản lý khủng hoảng, thiết lập các kênh truyền thông hiệu quả và xây dựng lòng tin để giảm bớt căng thẳng cũng như những “va chạm ngoại giao” không đáng có. Vị Phó Tổng thống cho biết sẽ "bày tỏ mối lo ngại sâu sắc của nước Mỹ về ADIZ" trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào thứ năm (ngày 5/12).

Nhật báo Asahi Shimbun dẫn lời ông Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh xa hành động có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực. Qua đó, tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với các đồng minh.

Phó Tổng thống Joe Biden (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Về phần mình, thay mặt Chính phủ Nhật Bản, ông Shinzo Abe bày tỏ lòng tin tưởng sẽ nhận được sự ủng hộ từ phía Mỹ và “sự ủng hộ” này được thể hiện rõ trong sự kiện 2 chiếc B52 bay qua ADIZ, bất chấp những quy định của phía Trung Quốc sau khi khu vực này được thành lập một vài ngày.

"Chúng tôi sẽ không nhượng bộ Trung Quốc khi họ đơn phương dùng vũ lực nhằm tạo áp lực trong khu vực và sẽ giải quyết mọi tình huống dựa vào sức mạnh của liên minh Mỹ - Nhật", ông Abe nói.

Có thể, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ khai thác ADIZ của Trung Quốc để tăng cường khả năng quân sự của Nhật Bản và liên kết nhiều hơn vào hệ thống phòng thủ chung với Hoa Kỳ qua kế hoạch lá chắn chống tên lửa

Trước Công bố của Bắc Kinh về ADIZ, ngoài Nhật Bản, hai nước Đông Bắc Á khác là Hàn Quốc và Đài Loan đều tuyên bố không nhượng bộ áp lực của Trung Quốc. Từ đó, những nước này đã điều máy bay chiến đấu tới khu vực trên bất chấp những cảnh báo của Trung Quốc. Theo giới phân tích, việc này sẽ dẫn tới một cuộc đối đầu vũ trang.

Sau sự kiện hai chiếc B52 bay qua ADIZ, hôm thứ sáu (29-11), Washington đã bất ngờ kêu gọi các hãng hàng không Mỹ chấp hành những yêu cầu của ADIZ như thông báo kế hoạch bay, duy trì liên lạc radio hai chiều, phản ứng kịp thời và chính xác trước các yêu cầu nhận dạng.

Ngược lại với Mỹ, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra yêu cầu ngược lại đối với các hãng hàng không của nước này.

Có thể Mỹ đã nhận ra rằng, việc căng thẳng leo thang trong khu vực này không có lợi cho họ nhưng động thái này của Mỹ lại cho thấy Nhật Bản và Mỹ đang “giẫm chân nhau” trong vấn đề ADIZ. Cách làm của Mỹ đã làm dấy lên nghi ngờ trong dư luận Nhật Bản về cách đối phó với ADIZ và gây rối loạn cho việc phối hợp giữa hai nước đồng minh, tạo lợi thế cho Trung Quốc, đồng thời cũng đặt ra nghi vấn về cách xử trí nước đôi của chính quyền Obama.

Hơn nữa, quyết định này của Washington đã làm lộ rõ sự thiếu nhất quán trong chính sách đối với Trung Quốc của Nhà Trắng, vì trước đó họ đã phản ứng vô cùng mạnh mẽ đối với việc thiết lập ADIZ.

Việc Trung Quốc đột ngột đưa ra tuyên bố về ADIZ có thể làm các nước trong khu vực nói riêng và phần lớn thế giới nói chung bất ngờ, nhưng rõ ràng việc này chẳng “thấm tháp” gì đối với Nhật Bản, vì trong hơn 1 năm qua, đất nước mặt trời mọc đã và đang phải đối mặt với những thách thức được lặp đi, lặp lại của Trung Quốc đối với chủ quyền và quản lý của Nhật Bản đối với các đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông.

Với ADIZ, Trung Quốc muốn khẳng định tiềm lực quân sự của họ trong công tác chỉ huy và kiểm soát với ý đồ “nắn gân” Nhật Bản và cũng là bước thăm dò đối với tham vọng của Mỹ tại khu vực.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới bình luận Trung Quốc, việc thiết lập ADIZ là chỉ muốn nhằm vào Nhật Bản - mục tiêu thực tế của Trung Quốc, với hy vọng áp lực gia tăng, cuối cùng sẽ buộc Nhật Bản nhượng bộ và chấp nhận đàm phán về các hòn đảo, nhưng đã vô tình “động chạm” tới Mỹ.

Và hơn nữa, động thái của Trung Quốc đã tạo cơ hội cho Washington và Tokyo củng cố liên minh phòng thủ vững chắc trong khu vực, chống lại những hành động “hăng hái” của một cường quốc đang lên

Hà Khổng
.
.
.