Mỹ không kích Syria nhằm tiêu diệt IS

Thứ Tư, 24/09/2014, 10:53
Đúng như những gì đã tuyên bố, ngày 22/9 (theo giờ địa phương), Mỹ và 5 quốc gia đồng minh Arab gồm Bahrain, Qatar, Saudi Arabia, Jordan và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã tiến hành không kích nhằm vào các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên đất Syria. Hành động quyết liệt này của Mỹ và các nước đồng minh được tuyên bố là nhằm mục đích ngăn chặn sự lớn mạnh của IS trong khu vực Trung Đông và trên thế giới.

50 cứ điểm trong 90 phút

Trong lần đầu tiên không kích, các máy bay tiêm kích của Mỹ đã nhắm vào 2 cứ điểm của IS ở tỉnh Raqa và Deir al-Zor, miền Bắc Syria và tiêu diệt hơn 20 chiến binh. 90 phút sau đó, 50 mục tiêu của IS gồm cả kho chứa vũ khí và các tòa nhà do IS chiếm đóng cũng đã bị san phẳng. Theo tin từ hãng AP, quyết định mở màn chiến dịch không kích do người đứng đầu Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ, Tướng Lloyd Austin đưa ra và được sự phê chuẩn của Tổng tư lệnh. Tướng Lloyd Austin dự kiến sẽ tiến hành ít nhất 390 cuộc không kích vào các cứ điểm của IS. Để có được thành công ngay từ loạt tấn công đầu tiên, Mỹ và các nước đồng minh đã sử dụng các loại máy bay chiến đấu như B-1, F-16, F-18, máy bay không người lái Predator và tên lửa hành trình Tomahawk. Các máy bay chiến đấu cất cánh từ tàu sân bayUSS George H.W.Bush ở Vịnh Ba Tư, trong khitên lửa Tomahawk được phóng từ tàu khu trụcUSS Arleigh Burke ởBiển Đỏ. Đặc biệt, chiến đấu cơ tàng hình F-22 cũng được huy động. Đây là lần đầu tiên chiếc máy bay tàng hình trị giá 143 triệu USD này tham gia tác chiến.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, mục tiêu của cuộc tấn công lần này là thực hiện “đòn phủ đầu” một cách quyết liệt, tốc độ và dữ dội. Nhiều tuần trước khi tiến hành không kích, các lực lượng tình báo và chuyên gia quân sự Mỹ đã làm việc suốt ngày đêm để xác định các mục tiêu tấn công cũng như phân tích về những rủi ro trong các vụ ném bom tại Syria. Hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Tướng Martin Dempsey cũng đã có cuộc điều trần tại Uỷ ban quân sự của Hạ viện về kế hoạch tấn công IS ở Syria.

Trong cuộc không kích đầu tiên vào lãnh thổ Syria để tiêu diệt IS, Mỹ đã huy động chiến đấu cơ tàng hình F-22, tên lửa hành trình Tomahawk và máy bay không người lái Predator. Ảnh: Alami.

Hãng Reuters cho biết, số lượng quốc gia tham gia vào các cuộc không kích Syria trong những ngày tiếp theo có thể sẽ còn gia tăng. Điển hình là Australia. Thông báo mà Bộ trưởng Quốc phòng David Johnston cho hay, nước này sẽ triển khai máy bay chiến đấu tới Trung Đông vào hạ tuần tháng 9 để tham gia chiến dịch của Mỹ. Ông David Johnston khẳng định, chính quyền Canberra sẽ cung cấp tối đa 8 máy bay Super Hornet, một máy bay cảnh báo sớm E-7 Wedgetail, một máy bay tiếp nhiên liệu trên không và các lực lượng đặc  nhiệm đóng vai trò cố vấn quân sự. Nhiều quốc gia khác như Pháp, Anh, Đức… cũng đang trong quá trình chuẩn bị cho kế hoạch mới. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho đóng cửa biên giới với Syria và chuẩn bị các phương án đối phó với dòng người tị nạn có thể gia tăng trong những ngày tới sau khi các cuộc không kích được tiến hành.

Và những lo ngại

Phải khẳng định rằng, cuộc tấn công hôm 22/9 đã đánh dấu việc lần đầu tiên Mỹ can thiệp quân sự vào Syria kể từ khi cuộc nội chiến ở nước này bắt đầu cách đây 3 năm. Vì thế cũng có nhiều nghi ngờ về chiến dịch này. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, việc không kích căn cứ IS trên Syria chỉ là cái cớ để Mỹ tấn công vào đất Syria một cách hợp pháp. Iraq – quốc gia cũng đang hứng chịu những cuộc không kích do Mỹ tiến hành để tiêu diệt IS tuyên bố phản đối triển khai các lực lượng của nước ngoài ở quốc gia này. Nga thì bày tỏ sự quan ngại bằng tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin rằng, mọi hành động của quốc tế nhằm chống lại tổ chức IS tại Syria cần phối hợp với Chính phủ nước sở tại. Đồng thời, ông Vladimir Putin cũng đã nêu rõ quan điểm của mình trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon. Trong khi đó, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ lại từ chối bình luận về cuộc tấn công do Mỹ và đồng minh đang tiến hành tại Syria. Bản thân chính quyền Damascus hôm 21/9 cũng cáo buộc liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu chống IS “thiếu thiện chí” trong việc chống khủng bố tại khu vực.

Trong bài phát biểu tại phiên họp Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Syria Jihad al-Laham còn đưa ra nhận định, việc Mỹ và phương Tây thành lập liên minh bên ngoài khuôn khổ Hội đồng Bảo an của Liên Hợp Quốc nhằm tiêu diệt IS không phản ánh đúng quyết tâm chống khủng bố. Chưa hết, ông Jihad al-Laham còn chỉ ra rằng, những quốc gia Arab tham gia liên minh này không ít lần còn vũ trang và hỗ trợ tài chính cho các nhóm nổi dậy tại Syria. Riêng về vụ không kích ngày 22/9, Bộ Ngoại giao Syria cho biết nước này đã được Mỹ thông báo về các cuộc không kích nhằm IS. Tuy nhiên, việc thông tin một cách gấp gáp cho chính quyền Damascus thông qua Đặc phái viên Syria tại Liên Hợp Quốc chưa phải là cách thức hay và thể hiện sự hợp tác mà chỉ đẩy Syria rơi vào cảnh “bị động” mà thôi

Gia Nam
.
.
.