Mỹ “không đứng ngoài” trong cuộc tranh chấp Trung - Nhật

Thứ Sáu, 29/11/2013, 08:49
Trong một động thái hết sức bất ngờ gợi lại ký ức về những khoảnh khắc hỗn loạn trong cuộc Chiến tranh lạnh, người Mỹ đã đưa 2 máy bay ném bom B-52 “thách thức” Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) do Trung Quốc đơn phương thiết lập trên biển Hoa Đông, khu vực bao gồm cả quần đảo được Nhật gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và mở rộng về phía Đông, cách đảo chính của Okinawa hơn 120km và thậm chí còn bao gồm cả những vùng biển mà vùng lãnh thổ Đài Loan cũng như nước Hàn Quốc tuyên bố chủ quyền.

Người Mỹ đã "phớt lờ" trước lời đe dọa của Bộ Quốc phòng Trung Quốc sẽ sử dụng “những biện pháp bảo vệ khẩn cấp” với bất cứ loại máy bay nào khi đã tiến vào ADIZ mà không tuân thủ yêu cầu do phía Trung Quốc đặt ra như thông báo kế hoạch bay, duy trì liên lạc radio hai chiều, phản ứng kịp thời và chính xác trước các yêu cầu nhận dạng.

Về phần mình, người Mỹ đưa ra lời giải thích có vẻ “vô can” rằng, chúng (2 chiếc B52) chỉ thực hiện nhiệm vụ thường nhật, rồi sau đó lại trở về căn cứ ở đảo Guam.

Còn phía Nhật Bản, nhận định về ADIZ, hôm 25/11, ông Shinzo Abe, Thủ tướng Nhật Bản, nhấn mạnh trước Quốc hội rằng đó là một động thái vô cùng nguy hiểm, có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Trong khi đó, Lầu Năm Góc cũng nêu rõ quan điểm là họ không có ý đồ tấn công vào ADIZ của Trung Quốc nên cả hai chiếc B-52 đều không được trang bị vũ khí.

Tuy nhiên, có vẻ như hành động của Mỹ mang một ý nghĩa khác. Dẫu sao, từ Thế chiến II tới nay, họ vẫn là một cường quốc quân sự chiếm ưu thế trong khu vực cũng như toàn thế giới. Và vào thời điểm hiện tại, hơn 70.000 lính đang hiện diện tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoài ra, Hạm đội 7 hùng mạnh của Hải quân Mỹ vẫn luôn “để mắt” các vùng biển trong khu vực mà theo lời giải thích của người Mỹ về việc này: “Nếu không có hạm đội này, khó có thể tránh khả năng Trung Quốc đánh chiếm các hòn đảo còn lại trong Biển Đông và Hoa Đông bằng vũ lực, đánh bật lực lượng đồn trú của các quốc gia khác”.

Một vùng biển không thể có 2 bá chủ! Mỹ và Trung Quốc - Ai sẽ nhường ai???

Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).

Coi như không có gì

Như trên đã nói, bất chấp lời đe dọa của chính quyền Trung Quốc, những chiếc B52 vẫn bay qua ADIZ coi như không có gì.

Theo lời ông Đại tá Steve Warren (Bộ Quốc phòng Mỹ): "Chúng tôi vẫn tiếp tục công việc thường nhật (đề cập tới việc bay qua ADIZ-PV) và chúng tôi chẳng việc gì phải thông báo kế hoạch bay hay duy trì liên lạc radio hai chiều, phản ứng kịp thời và chính xác trước các yêu cầu nhận dạng hay những gì giống thế".

Jonny Dymond, phóng viên BBC tại Washington, cũng đưa ra nhận định: "Chẳng ai ngạc nhiên trước hành động này của người Mỹ. Đó là câu trả lời mạnh mẽ đầu tiên cho quyết định đơn phương mở rộng không phận của Trung Quốc".

Trong 7 thập kỷ vừa qua, Mỹ luôn giữ ngôi vị bá chủ trong khu vực và Trung Quốc bộc lộ nhiều dấu hiệu về một sự thay đổi. Đối với Mỹ, "việc bảo vệ hòa bình trong giai đoạn này thực sự là một trong những thách thức chính của thế kỷ XXI", theo Dymond.

Rõ ràng, ý đồ của người Mỹ đâu có nằm ở việc vi phạm ADIZ mà người Trung Quốc đơn phương đặt ra. "Washington quan tâm tới sự phát triển quân sự của Trung Quốc và ý đồ của họ với các nước láng giềng cũng như tham vọng hàng hải trong khu vực".

ADIZ “nắn gân Nhật Bản”

Vào tháng 4 vừa qua, Trung Quốc công bố Sách trắng Quốc phòng trong đó lần đầu tiên họ dành ra một chương để trình bày một cách hệ thống sứ mệnh “bảo vệ quyền lợi biển” và “giữ gìn lợi ích ở hải ngoại” của quân đội Trung Quốc. Trong đó, đất nước đông dân nhất thế giới đã miêu tả Nhật Bản như một "kẻ gây rối" trong những tranh chấp biển đảo và cáo buộc Mỹ là “kẻ luôn cố tình tạo ra những căng thẳng trong khu vực”.

Theo chuyên gia Alexander Neill thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (ISS), “trong thập kỷ qua, chủ nghĩa dân tộc cực đoan Trung Quốc đã bị phương Tây nhiều lần chế giễu". Và rằng, động thái này một lần nữa khẳng định, khi chính quyền Trung Quốc luôn thận trọng khi đưa ra chiến lược thì những biểu hiện quân sự Trung Quốc gần đây cho thấy Trung Quốc thời kỳ Tập Cận Bình đang dần mất di sự cẩn trọng vốn có.

Theo nhận định của vị chuyên gia này, trong khi không có sự hiện diện thường trực của quân đội tại khu vực tranh chấp thì việc thiết lập ADIZ là cách mà Trung Quốc tăng cường kiểm soát: Nếu Nhật Bản huy động quân đội tới khu vực này thì Trung Quốc coi đó là một hành động khiêu khích. Căng thẳng giữa hai nước sẽ nhanh chóng leo thang và một cuộc chiến có thể là điều không tránh khỏi.

Đây có lẽ là điều mà cả hai đều đang tránh né.

Căng thẳng leo thang

Việc Trung Quốc thiết lập ADIZ cho thấy Trung Quốc đã quá tự tin về tiềm lực quân sự của họ trong công tác chỉ huy và kiểm soát. "Nhưng ngược lại, đó lại là động thái thể hiện sự khó chịu và bất ổn của Trung Quốc trước các hành động giám sát và tình báo của Mỹ đối với không phận cũng như hải phận dọc theo biên giới Trung Quốc", Alexander Neill phân tích.

Việc “hạ neo” Hạm đội 7 ở Nhật Bản và những động thái “hăng hái” được Mỹ liên tục thực hiện trong thời gian gần đây tại khu vực mà Trung Quốc nhấn mạnh “thuộc quyền kiểm soát của họ” khẳng định việc Lầu Năm Góc không tuân thủ ADIZ nói riêng cũng như tái khẳng định quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật quản lý nằm trong hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, và Washington sẽ “ra tay” bảo vệ đồng minh nếu khu vực bị tấn công.

Theo nhận định của giới chuyên gia, những hành động liên tiếp của Mỹ trong khu vực thể hiện chính sách “tái cân bằng” của chính quyền Obama tại Đông Á cũng như là “bài test” đối với Trung Quốc. Còn quân bài nào sẽ được ngả ra tiếp theo. Dù Trung Quốc có sự tăng trưởng về quân sự mạnh mẽ trong thập niên qua nhưng nếu so sánh với Mỹ thì có lẽ, lúc này chưa phải là thời điểm mà Trung Quốc có thể đối đầu trực diện với Mỹ. Cũng có thể, việc thiết lập ADIZ cũng là bước thăm dò của Trung Quốc đối với tham vọng của Mỹ tại khu vực. Nếu  thế, câu trả lời đã rõ!

Hà Khổng
.
.
.