Mỹ kêu gọi chống tham vọng thâu tóm biển Đông của Trung Quốc

Chủ Nhật, 19/07/2015, 10:01
Tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp tại biển Đông, Mỹ cho rằng, việc theo đuổi con đường pháp lý mà Philippines đã lựa chọn, thực hiện theo Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)… cùng việc tích cực tham gia đàm phán là những cách thức quan trọng để giải quyết mọi mâu thuẫn và chống tham vọng thâu tóm biển Đông của Trung Quốc.

Cần sự ủng hộ rộng rãi

Để bày tỏ sự ủng hộ đối với nỗ lực của Philippines trong việc giải quyết tranh chấp tại biển Đông một cách hòa bình, hôm 17/7,  bốn Thượng nghị sĩ đứng đầu hai Ủy ban trọng yếu của Thượng viện Mỹ (Ủy ban Quân lực và Ủy ban Đối ngoại) gồm Thượng nghị sĩ John McCain, Thượng nghị sĩ Jack Reed, Thượng nghị sĩ Bob Corker và Thượng nghị sĩ Ben Cardin đã cùng kêu gọi chính phủ Mỹ hỗ trợ các nước trong khu vực đấu tranh chống lại tham vọng thâu tóm biển Đông của Trung Quốc.

Tuyên bố còn nêu rõ: “Trong khi Trung Quốc đang xây dựng và quân sự hóa các thực thể đất tại biển Đông và tăng cường các biện pháp cưỡng ép để thực hiện mục đích của mình thì việc Philippines tiếp tục duy trì nỗ lực giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và thông qua cơ chế trọng tài quốc tế, là điều rất đáng khích lệ”.

Vì thế, theo các Thượng nghị sĩ này, Mỹ cần  tiếp tục ủng hộ các nước đồng minh và đối tác đang đấu tranh chống tham vọng của Trung Quốc bằng cách thường xuyên thực thi các hoạt động tự do hàng hải và hàng không tại biển Đông và biển Hoa Đông, hỗ trợ năng lực biển của các quốc gia Đông Nam Á, tiến hành diễn tập và tuần tra chung…

Trong khi đó, trả lời hãng thông tấn AP, Đô đốc Scott Swift, tân Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ thì cam kết rằng, quân đội Mỹ sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống bất ngờ ở biển Đông. Đô đốc Scott Swift cũng cho biết ông rất quan tâm đến khả năng mở rộng quy mô các cuộc tập trận thường niên mà Hải quân Mỹ tiến hành trong khu vực với một số đồng minh trong khu vực thành các cuộc tập trận đa quốc gia, có sự tham gia của Nhật Bản.

Các hình ảnh chụp qua vệ tinh cho thấy Trung Quốc đơn phương đẩy mạnh hoạt động xây đảo nhân tạo trên biển Đông. Ảnh: Economist.

Và giới hạn đỏ để ngăn chặn

Trong 2 tuần qua, tình hình biển Đông ngày càng có những diễn biến phức tạp, nhất là khi tòa án trọng tài biển tại The Hague (Hà Lan) tổ chức 2 phiên điều trần về vụ kiện với sự tham gia của đại diện Philippines.

Về phía Trung Quốc, một mặt từ chối tham gia vụ kiện, bác bỏ vai trò của tòa án trọng tài biển trong việc phân xử vụ kiện, nước này vẫn tìm mọi cách kêu gọi Philippines đàm phán song phương nhưng bị từ chối. Ngay trước thềm phiên điều trần thứ 1, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đã đưa tin về việc nước này bổ sung một con tàu nửa nổi nửa chìm vào hạm đội hải quân để tăng cường sự hiện diện ở biển Đông. Con tàu mang số hiệu 868 này có thể được dùng để vận chuyển những con tàu nhỏ hơn hoặc đóng vai trò như một trạm nổi tạm thời để sửa chữa những con tàu hải quân bị hư hỏng. Đồng thời, các hoạt động xây, lấn đảo vẫn tiếp diễn với mức độ và quy mô ngày càng nhanh, mạnh.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bày tỏ sự quan ngại này và không ít lần đưa ra các thông điệp cứng rắn và thúc giục Trung Quốc hành động thiện chí để giảm bớt căng thẳng. Nhưng tình hình có vẻ không mấy khả quan. 

Chính vì thế mà trong một bài viết được đăng tải hồi trung tuần tháng 7 vừa qua, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ Dennis Blair và cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Huntsman đã cho rằng, Mỹ phải thực hiện 2 mục tiêu: thứ nhất là bảo vệ tự do đi lại trên biển Đông và thứ 2 là ngăn chặn Trung Quốc thông qua đe dọa về quân sự, kinh tế…

Theo hai cựu quan chức này, cần phải vạch rõ giới hạn rõ ràng đối với việc Trung Quốc thông qua “đe dọa, uy hiếp hoặc tấn công xâm chiếm” để bành trướng lãnh thổ và ngăn cản năng lực tự do hoạt động đầy đủ của các nước ở biển Đông.

Huyền Chi
.
.
.