Mỹ đối mặt với nguy cơ bị “xa lánh” ở châu Mỹ Latinh

Thứ Ba, 07/04/2015, 07:44
Một loạt quốc gia châu Mỹ Latinh như Paraguay, Uruguay, Argentina và Peru… đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích chính quyền Washington trong mối quan hệ với Venezuela và yêu cầu nước này chấm dứt ngay hành động can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.

Hôm 5/4 đưa tin, Bộ Ngoại giao Argentina đã có phản hồi về bình luận của trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Tây bán cầu Roberta Jacobson khi nhận định về tình hình quốc gia Nam Mỹ này. 

Theo đó, Bộ Ngoại giao Argentina cho rằng, những tuyên bố của bà Roberta Jacobson đã can thiệp vào công việc nội bộ nước khác và điều này là không thể chấp nhận được trong một thế giới phẳng, đa phương. 

Đồng thời, Bộ Ngoại giao Argentina cũng tuyên bố rằng, giới chức Mỹ khi đưa ra bất kỳ một tuyên bố nào, cần phải suy nghĩ thật kỹ và nên nhìn lại chính sách của nước mình trước khi đưa ra bình luận về thực trạng của một nước khác.

An ninh được tăng cường ở Panama chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh OAS. Ảnh: AP. 

Chưa hết, Bộ Ngoại giao Argentina còn cáo buộc rằng, cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế khiến các nước rơi vào tình trạng tội tệ là do lỗi từ trung tâm tài chính Mỹ. 

Trong khi đó, tân Thủ tướng Peru Pedro Cateriano thì bày tỏ sự ủng hộ đối với Venezuela và chỉ trích chính sách can thiệp vào công việc nội bộ nước này của Mỹ. 

Việc Peru, một đồng minh thân cận của Mỹ ở Nam Mỹ khuyến cáo về chính sách đối ngoại của Mỹ trước thềm Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ (OAS) dự kiến tổ chức từ 10 đến 11/4 cho thấy, Mỹ cần phải xem lại chính sách của mình ở khu vực sân sau, nếu không sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa.

Thông báo từ Thứ trưởng Ngoại giao Panama Luis Miguel Hincapie cho hay, hiện đã có 26 nguyên thủ quốc gia khẳng định tham dự OAS. Đây là sự kiện ngoại giao chưa từng có trong lịch sử Panama và cũng là hội nghị quan trọng bậc nhất của các nước châu Mỹ trong năm 2015. 

Điều đáng chú ý là lần này, dường như vai trò của Mỹ đang dần bị chìm đi. Thậm chí, vấn đề đóng cửa các căn cứ quân sự của Mỹ ở châu lục này cũng đang được xem như là sự báo trước của việc Mỹ bị “ghẻ lạnh”. 

Giới quan sát nhận định, việc các lãnh đạo châu Mỹ Latinh lên tiếng về việc đóng cửa căn cứ quân sự Mỹ trong khu vực không phải là điều mới. 

Nhưng tại hội nghị lần này, bất cứ ý kiến nào của Mỹ cũng gây phản ứng mạnh cho thấy những thay đổi căn bản trong các thành viên của OAS. 

Thêm vào đó, sự đối đầu trực tiếp của Nhà Trắng với chính quyền Caracas càng khiến cho tình hình trở nên phức tạp hơn. Mỹ đã châm ngòi một “cuộc chiến mới” với Venezuela khi tuyên bố nước này là một mối đe dọa an ninh quốc gia, đồng thời tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào quan chức cấp cao của Venezuela. Caracas cũng đáp trả mạnh mẽ bằng những cảnh báo riêng đối với Mỹ. 

Việc tuyên bố bất kỳ nước nào là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ luôn là bước đầu tiên để Mỹ tiến hành khởi động một chương trình trừng phạt và chính điều này đã tạo ra làn sóng phản đối gay gắt của các nước châu Mỹ Latinh. Các nước này đã nhanh chóng thể hiện tinh thần đoàn kết với Venezuela trong cuộc đối đầu với Mỹ.

Nguồn tin từ Nhà Trắng cho hay, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tham dự Hội nghị OAS lần này với mục đích chính là thu hẹp những bất đồng và khoảng cách giữa các nước trong khu vực và Mỹ. Nhiều khả năng, ông Barack Obama cũng sẽ có cuộc gặp gỡ bên lề với Chủ tịch Cuba Raul Castro. Vì thế, Panama đã phải tăng cường an ninh vài tuần trước khi cuộc họp bắt đầu. 

Hãng Reuters cho hay, từ hôm 4/4, Chính phủ Panama đã cấm máy bay đi vào không phận thủ đô, nơi diễn ra các cuộc họp. Hơn 5.000 cảnh sát cũng đã được huy động để làm công tác giữ gìn trật tự, an ninh. Cảnh sát Panama được trang bị nhiều thiết bị an ninh hiện đại trị giá hãng triệu USD như máy quay theo dõi, máy dò kim loại và lắp đặt hệ thống bảo vệ kỹ thuật trên biển… 

Một số công ty tư vấn về an ninh của Mỹ và Colombia cũng đã được mời tới để trợ giúp công tác tổ chức, bảo vệ an ninh.

Gia Nam
.
.
.