Tiết lộ mới của Edward Snowden:

Mỹ do thám 60,5 triệu cú điện thoại mỗi ngày ở Tây Ban Nha

Thứ Ba, 29/10/2013, 08:51
Ngày 28/10, Liên minh châu Âu (EU) một lần nữa lại chấn động trước thông tin về việc Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) do thám 60,5 triệu cú điện thoại mỗi ngày ở Tây Ban Nha. Điều đáng lưu ý là trong khi Pháp, Đức, Tây Ban Nha chỉ trích mạnh mẽ hành động này của Mỹ thì một số nước như Anh, Đan Mạch, Hà Lan… lại bị cáo buộc chia sẻ dữ liệu thông tin cá nhân với NSA trong hàng thập kỷ qua.
>> Cựu nhân viên CIA Edward Snowden vẫn còn nhiều bí mật để tiết lộ?

Càng thân, càng nghe lén

Theo tin từ tờ El Mundo, trong khoảng thời gian từ 10/12/2012 đến 8/1/2013, NSA đã nghe lén được 60,5 triệu cú điện thoại ở Tây Ban Nha. Toàn bộ dữ liệu về các cuộc nghe lén này đã được nhà báo người Brazil Glenn Greenwald cung cấp cho ban biên tập El Mundo thông qua một thỏa thuận được ký kết hồi giữa tháng 10. Mặc dù vậy, tài liệu này cũng không nói rõ liệu việc nghe lén này còn tiếp diễn hay không.

Tuy nhiên, El Mundo khẳng định, việc theo dõi của NSA không chỉ mang lại nội dung cuộc gọi, mà còn giúp xác định được vị trí của người gọi và người nghe điện thoại. Hiện chưa có phản ứng nào từ phía Mỹ về vấn đề này. Trong khi đó, Chính phủ Tây Ban Nha đã có động thái đầu tiên khi triệu tập Đại sứ Mỹ ở Madrid James Costos tới để phản đối.

Dựa vào những tài liệu do Edward Snowden cung cấp, nhiều nhà phân tích nhận định, các quốc gia khác ở châu Âu cũng có thể là những nạn nhân tiếp theo được hé lộ về chương trình do thám quy mô lớn của NSA. Nghĩa là, các cuộc điện thoại cũng như tin nhắn hay email ở các quốc gia đồng minh của Mỹ đều không an toàn và đảm bảo tính riêng tư.

Trả lời phỏng vấn báo giới, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy khẳng định, ông sẽ yêu cầu Chính phủ Mỹ phải giải trình cụ thể về vụ việc này cũng như cùng với lãnh đạo Pháp, Đức, đưa vấn đề nghe lén của NSA lên Liên hợp quốc. Còn tại châu Á, hãng thông tấn Yonhap cũng dẫn lời một quan chức Chính phủ Hàn Quốc cho biết, nước này đã yêu cầu Mỹ làm sáng tỏ việc liệu đương kim Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye có nằm trong danh sách các nhà lãnh đạo của 35 nước bị NSA nghe lén như thông tin đưa hồi cuối tuần trước hay không.

Nguyên do là bởi hôm 25/10, tờ The Guardian của Anh dẫn một tài liệu mật từ năm 2006 do “người thổi còi” Edward Snowden tiết lộ cho biết, NSA đã nghe lén các cuộc điện thoại của Tổng thống Hàn Quốc hồi đó là ông Roh Moo-hyun và 38 Đại sứ quán và phái bộ ngoại giao tại Mỹ, trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngay sau đó, hãng Kyodo còn “đổ thêm dầu vào lửa” bằng thông tin rằng, vào năm 2011, NSA đã đề nghị Chính phủ Nhật Bản hợp tác nghe lén các sợi cáp quang chuyển tải dữ liệu điện thoại và Internet chạy qua khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Và dù chính quyền Tokyo khẳng định đã từ chối hợp tác song người ta vẫn lo ngại rằng, bằng cách này hay cách khác, Mỹ vẫn thực hiện ý đồ của mình.

80 căn cứ tình báo

Một điều khiến dư luận đặt câu hỏi trong suốt thời gian qua là khi tiến hành chương trình do thám quy mô lớn như vậy, NSA đã có các hoạt động tình báo như thế nào? Tuần báo Der Spiegel đã lý giải rằng, hỗ trợ tích cực cho NSA trong các hoạt động do thám và nghe lén ở ngoài nước Mỹ là các nhân viên đang làm việc tại 80 căn cứ gián điệp của Mỹ  trên thế giới, mà 19 trong số đó hoạt động tại các thành phố lớn của châu Âu.

Ở một số quốc gia, căn cứ gián điệp này được đặt ngay trong trụ sở Đại sứ quán Mỹ. Chẳng hạn như ở Đức, việc nghe trộm điện thoại của Thủ tướng Angela Merkel được thực hiện từ Đại sứ quán Mỹ ở Berlin, tọa lạc rất gần Phủ Thủ tướng Đức. NSA và Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã triển khai 18 nhân viên tình báo để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ.

Các trang thiết bị hiện đại nhất để có thể thu thập thông tin từ điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel được lắp đặt ngay tại tầng 4 của Đại sứ quán kể từ  năm 2002, khi tên của nữ Thủ tướng này nằm trong danh sách các mục tiêu săm soi của NSA. Trong khi NSA bác bỏ việc Tổng thống Barack Obama biết chuyện bà Angela Merkel bị nghe lén thì tờ Bild am Sonntag lại khẳng định, từ năm 2010, Giám đốc NSA Keith Alexander đã trực tiếp báo cáo thông tin với ông Barack Obama…

Hiện cả Đức, Pháp, Tây Ban Nha đang tích cực kêu gọi các nước thuộc EU cùng đồng lòng trong mặt trận chống chương trình nghe lén của NSA bởi theo họ, chương trình này không chỉ vi phạm quyền riêng tư của công dân, mà còn làm tổn hại đến an ninh quốc gia của mỗi nước; tác động xấu đến tình hình kinh tế - xã hội và an ninh trong khu vực; tạo lợi thế cạnh tranh không lành mạnh cho các doanh nghiệp Mỹ ở châu Âu và đặc biệt là làm xói mòn lòng tin giữa các quốc gia ở châu Âu với đồng minh Mỹ.

Thêm vào đó, tài liệu tình báo của Mỹ bị tiết lộ mới đây còn cho thấy, hồi năm 2012, các điệp viên của Israel đã ăn cắp dữ liệu của hàng triệu cuộc thoại và tin nhắn ở Pháp, giúp tổ chức một cuộc tấn công mạng nhằm vào mạng lưới liên lạc của Điện Elysee

Gia Nam
.
.
.