Mỹ đình bay toàn bộ phi đội “Tia chớp” F-35
Thông báo ngắn của Bộ Quốc phòng Mỹ ra tối 3/7 nêu rõ "sẽ tiến hành các cuộc kiểm tra bổ sung đối với động cơ F-35, và việc bay trở lại sẽ được quyết định dựa trên kết quả kiểm tra và phân tích dữ liệu kỹ thuật". Văn phòng chương trình F-35 nhấn mạnh việc điều tra nguyên nhân sự cố và đưa ra biện pháp giải quyết là ưu tiên hàng đầu hiện nay của cơ quan này.
Trước đó, ngày 23/6, lửa đã bùng lên trên một chiếc F-35A khi phi công đang chuẩn bị cất cánh trong một chuyến bay huấn luyện. Đây là sự cố mới nhất xảy ra với dự án máy bay tiêm kích tấn công kết hợp đầy tham vọng trị giá 398,6 tỷ USD của Bộ Quốc phòng khiến Bộ này phải ra lệnh đình bay với toàn bộ phi đội F-35 đồng thời dấy lên câu hỏi về độ sẵn sàng của loại chiến cơ này. Hiện các quan chức Mỹ và các quan chức trong ngành vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân vụ cháy và cũng chưa đưa ra bất cứ thông tin gì về kết quả cuộc điều tra. Lầu Năm Góc cho hay, công tác chuẩn bị cho F-35 tham gia 2 cuộc triển lãm hàng không của Anh vào cuối tháng này vẫn đang được triển khai tuy nhiên quyết định cuối cùng sẽ được công bố trong tuần này.
Chiến đấu cơ F-35. |
Động cơ bị điều tra lần này do Pratt & Whitney, một chi nhánh thuộc tập đoàn United Technologies, chế tạo.
F-35 là loại máy bay đa năng, có thể thực hiện các cuộc tấn công trên đất liền, trên biển và cả nhiệm vụ do thám. Dự án F-35 được ca ngợi là kỳ tích công nghệ tạo ra sản phẩm có thể thống trị bầu trời. Tuy nhiên, tới nay dự án đã bị chậm tiến độ tới 7 năm so với kế hoạch, do chi phí bị đội lên quá lớn. Các nước tham gia tài trợ dự án này gồm có Anh, Italy, Australia, Canada, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ