Cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd ở Kobane:

Mỹ đang “chọc giận” đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Ba, 21/10/2014, 08:52
Ngày 19/10, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) thông báo, quân đội nước này đã cung cấp vũ khí, đạn dược và thuốc men cho lực lượng người Kurd ở thành phố Kobane đang xảy ra chiến sự của Syria. Động thái này được xem là sẽ chọc giận đồng minh chủ chốt trong khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ra tuyên bố phản đối hành động này của Washington.

Tuyên bố của CENTCOM xác nhận, máy bay vận tải C-130 của Không quân Mỹ đã tiến hành nhiều đợt thả hàng do chính quyền người Kurd ở Iraq cung cấp và “nhằm mục đích đảm bảo sự kháng cự liên tục của lực lượng người Kurd trước nỗ lực của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng muốn giành quyền kiểm soát Kobane”. Trong khi đó, theo kênh truyền hình Mỹ NBC News, 3 máy bay C-130 đã thả hàng viện trợ cho người Kurd ở Kobane và họ không gặp bất kỳ sự ngăn trở nào từ IS.

Tuyên bố trên còn cho biết thêm rằng, trong những ngày qua, liên quân quốc tế do Mỹ cầm đầu đã tiến hành 135 cuộc không kích gần Kobane, kết hợp với sự kháng cự liên tục của lực lượng người Kurd ở trên bộ, đã làm chậm bước tiến của IS vào “thủ đô” của người Kurd, đồng thời tiêu diệt hàng trăm phần tử thánh chiến. Nhưng số phận của Kobane vẫn rất mong manh: “Kobane rất dễ bị tấn công khi các tay súng IS vẫn còn xung quanh thị trấn, còn người Kurd đang gắng sức chống cự”.

Động thái trên của Mỹ được cho là sẽ gây tức giận cho Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh chủ chốt của Mỹ trong khu vực. Ngay trong ngày 19/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố khẳng định Ankara sẽ không chấp thuận để Mỹ chuyển giao bất cứ loại vũ khí nào cho các chiến binh người Kurd đang giao chiến với các phiến quân Hồi giáo ở Syria.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters.

Thổ Nhĩ Kỳ coi các chiến binh người Kurd này là một sự mở rộng của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) từng phát động cuộc nổi dậy kéo dài 30 năm ở nước này và bị coi là một tổ chức khủng bố. Tổng thống Edrogan nhấn mạnh, các tay súng người Kurd “giống như PKK”. Sự phản đối trên của Thổ Nhĩ Kỳ có thể phương hại tới những nỗ lực của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu trong cuộc chiến chống IS, đồng thời sẽ làm phức tạp hơn nữa quan hệ giữa Ankara với Washington.

Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 20/10 cho biết, Moskva sẽ tiếp tục viện trợ cho Chính phủ Iraq và Syria, cũng như các nước khác trong khu vực chống khủng bố cực đoan, trong đó có cả việc cung cấp cho Chính phủ những nước này vũ khí và thiết bị quân sự nhằm tăng cường khả năng chiến đấu của họ. Nga cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cần đoàn kết nhằm chống lại mối đe dọa khủng bố toàn cầu.

Trong khi đó, cũng trong ngày 20/10, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới Indonesia dự lễ nhậm chức của Tổng thống Joko Widodo, đồng thời tìm kiếm sự giúp đỡ của các quốc gia châu Á trong chiến dịch chống IS do Mỹ dẫn đầu. Một quan chức giấu tên trong đoàn ngoại giao Mỹ cho biết, mục tiêu quan trọng nhất trong chuyến công du châu Á của ông Kerry chính là tìm kiếm sự hỗ trợ nhiều hơn cho cuộc chiến chống IS tại IraqSyria đang ngày càng khốc liệt và khó dự đoán.

Cụ thể, ông Kerry sẽ thảo luận với lãnh đạo các quốc gia châu Á về các biện pháp ngăn chặn tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiêu mộ binh sỹ từ khu vực Đông Nam Á, ngăn chặn các tay súng của chúng trở lại khu vực này, đồng thời kiểm soát và phong tỏa mọi nguồn tài chính của tổ chức IS.

Trước đó, trả lời báo giới ở thủ đô Baghdad khi kết thúc chuyến thăm Iraq 2 ngày, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho biết, đã gặp các quan chức cấp cao của Iraq để thông qua một thỏa thuận cho phép triển khai 200 lính đặc nhiệm Australia, hiện đang chờ sẵn ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), hỗ trợ binh sĩ Iraq trong cuộc chiến chống các phần tử Thánh chiến. Tuy nhiên, bà Bishop đồng thời khẳng định, Australia không có kế hoạch gửi bộ binh tới Iraq để tham chiến cùng các lực lượng của nước này. Cũng trong ngày 19/10, phái đoàn Liên đoàn Arab (AL) do Tổng Thư ký Nabil al-Arabi dẫn đầu đã tới thủ đô Baghdad để thể hiện sự ủng hộ với quốc gia Trung Đông này trong cuộc đấu tranh chống IS. Trong số các thành viên chủ chốt của phái đoàn AL có Phó Thủ tướng Kuwait và Ngoại trưởng Kuwait Sabah Khaled Al-Sabah, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Mauritania Ahmed Ould Teguedi.

Chuyến thăm này có thể được coi như động thái tái khẳng định những quyết định đã được AL thông qua trước đó về việc thể hiện sự ủng hộ, đoàn kết với nhân dân và Chính phủ Iraq trong nỗ lực chống khủng bố, cũng như khôi phục an ninh, ổn định

Hà Khổng
.
.
.