Mỹ công bố báo cáo về chính sách “thẩm vấn và bắt giữ” của CIA

Thứ Tư, 10/12/2014, 10:21
Ngày 9/12, Mỹ cho công bố bản báo cáo tóm tắt về việc thẩm vấn của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Bản báo cáo này dài 480 trang, trình bày chi tiết chiến dịch chống khủng bố Al-Qaeda sau sự kiện 11/9/2001. Đồng thời, báo cáo cũng tiết lộ các phương pháp thẩm vấn gây nhiều tranh cãi đã được các đặc vụ CIA sử dụng nhằm hỗ trợ khai thác thông tin từ các nghi phạm.

Tờ The New York Times cho biết, bản báo cáo tóm tắt về việc thẩm vấn của CIA dài 480 trang được Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ công bố ngày 9/12. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phải nhiều lần yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Dianne Feinstein cân nhắc về thời gian công bố bản báo cáo. Và trước khi công khai những kỹ thuật thẩm vấn và bắt giữ của CIA, bản báo cáo này cũng đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng nhiều quan chức khác thông qua để tránh những bất đồng có thể xảy ra sau khi công bố. Những phương pháp thẩm vấn - tra tấn như trên được sử dụng trong chiến dịch chống lại mạng lưới khủng bố Al-Qaeda của CIA -được quốc tế biết đến với tên gọi “Dẫn độ, giam cầm và thẩm vấn”. Nó được thực hiện suốt trong thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Mỹ George W.Bush. Bản báo cáo tiết lộ các phương pháp thẩm vấn gây tranh cãi được đặc vụ CIA sử dụng nhằm nỗ lực khai thác thông tin từ các nghi phạm. Hiện bản báo cáo đầy đủ gồm 6.000 trang vẫn đang được giữ bí mật trong Thượng viện Mỹ. Đáng lưu ý là báo cáo lần này của Ủy ban Tình báo Thượng viện còn hé lộ vị trí nhiều nhà tù bí mật của CIA tại Thái Lan, Ba Lan, Afghanistan. Trước đó, một số thông tin trên báo chí cũng khẳng định, ít nhất 54 quốc gia, trong đó có nhiều nước là đồng minh thân cận của Mỹ có liên hệ với CIA trong các hoạt động bắt bớ, giam giữ và thẩm vấn. Tuy nhiên, bản báo cáo sẽ không nêu đích danh những nước đồng minh này.

Nhiều nhà phân tích nhận định, việc công bố kết quả cuộc điều tra về vấn đề tra tấn của CIA có thể sẽ khiến mối quan hệ giữa CIA và Thượng viện Mỹ trở nên cực kỳ căng thẳng. Song đây cũng có thể là nước cờ khôn khéo của ông Barack Obama nhằm lấy lại uy tín sau thất bại của cuộc bầu cử Quốc hội và những bê bối khác khiến hình ảnh nước Mỹ ngày càng xấu đi. Hơn nữa, việc công bố báo cáo cũng là cách để xóa bỏ những cáo buộc về việc chính quyền Washington đã thủ tiêu các thông tin liên quan đến vấn đề này. Trước khi bản báo cáo được công bố, trong một lần trả lời phỏng vấn báo giới, Tổng thống Mỹ cũng đã thẳng thắn thừa nhận CIA có hành vi tra tấn, đồng thời kêu gọi cơ quan tình báo này nhìn nhận trách nhiệm để không tái phạm những sai lầm như trong quá khứ. Được biết, từ năm 2009, sau khi lên nhậm chức Tổng thống, ông Barack Obama đã cho dừng chương trình thẩm vấn này. An ninh đã được thắt chặt tại các căn cứ của Mỹ trên khắp thế giới trước khi Thượng viện công bố báo cáo này.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Dianne Feinstein đã phải cân nhắc nhiều về thời điểm công bố bản báo cáo về hoạt động thẩm vấn và tra tấn của CIA.

Như vậy, bê bối thẩm vấn và tra tấn trái pháp luật của CIA là bê bối thứ 3 của CIA bị phát hiện trong vòng 15 năm qua. Nhiều chuyên gia nhận định, chỉ một phần nhỏ các tài liệu này được công bố đủ khiến CIA và đồng minh của mình lo lắng, đồng thời gây ảnh hưởng to lớn đến nhiều quốc gia trên thế giới. Theo CNN, một số quốc gia còn đang liên tục gây sức ép lên Ủy ban Tình báo Thượng viện và đe dọa rằng những trang báo cáo này sẽ “kích động bạo lực và chết chóc”. Đây cũng là lý do tại sao mà từ ngày 8/12, tức là trước ngày công bố báo cáo 1 ngày, Mỹ đã phải thắt chặt an ninh trên toàn quốc. Các cơ sở của Mỹ trên toàn thế giới cũng được lệnh đặt trong tình trạng báo động an ninh cao.

Châu Anh
.
.
.