Mỹ, Pháp, Anh không kích Libya

Thứ Hai, 21/03/2011, 10:50
Cuộc không kích bắt đầu lúc 16h45' ngày 19/3 (theo giờ quốc tế), tức 23h45' ngày 19/3 (theo giờ Việt Nam). Trước khi tiến hành không kích, các máy bay Rafale của Pháp cất cánh từ căn cứ Saint-Dizier ở miền Đông nước này đã tiến hành nhiệm vụ trinh sát trên bầu trời Libya.
>> Toàn cảnh màn dạo đầu đánh Libya

Khả năng tác chiến của Libya

Sau khi máy bay Pháp khai hoả khoảng mấy giờ đồng hồ, tàu chiến và tàu ngầm của Anh-Mỹ cũng bắn hơn 110 tên lửa nhằm vào các vị trí phòng không ở Tripoli và Misrata. Được biết, Anh, Pháp, Mỹ thành lập một trung tâm chỉ huy chung nhằm điều phối các hoạt động quân sự với sự tham gia của Canada và Đan Mạch.

Lực lượng đặc nhiệm SBS và SAS của quân đội Anh đang sẵn sàng tiến vào Libya để cung cấp thông tin về các mục tiêu không kích như sân bay, đường tiếp tế quân sự, các hạm đội phòng không...

Sáng sớm 20/3, bầu trời thủ đô Tripoli lại rực sáng bởi ánh đạn lửa. Một đợt ném bom vào khu vực gần cơ quan đầu não của ông Moammar Gaddafi lại diễn ra. Ông Moammar Gaddafi tuyên bố sẽ tấn công trả đũa "cuộc xâm lược trần trụi" của phương Tây, đồng thời kêu gọi tất cả người dân của các quốc gia Hồi giáo ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và châu Á kề vai sát cánh với nhân dân Libya trong cuộc chiến này.

Ngày 20/3, Libya đã quyết định ngưng hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc chiến chống lại tình trạng nhập cư trái phép. Đây là động thái đáp trả đầu tiên của Libya sau khi bị không kích. Tuyên bố trên kênh truyền hình quốc gia ngày 19/3, Tổng thống Moammar Gaddafi nhấn mạnh, Địa Trung Hải sẽ trở thành chảo lửa thực sự khi phương Tây tấn công Libya. Theo thông tin đăng tải trên kênh truyền hình  Al-Jazeera, Tổng thống Moammar Gaddafi và các thành viên trong gia đình cùng các quan chức cấp cao trong chính phủ được sơ tán xuống hầm trú ẩn.

Libya đang phải hứng chịu những đợt không kích dữ dội của Mỹ - Anh - Pháp.

Một trong những tâm điểm được quan tâm nhất hiện nay là khả năng kháng cự của quân đội Libya trước sức mạnh quân sự của liên quân, bởi cho tới nay chưa có thông báo chính thức nào về tiềm lực quân sự của nước này. Tuy nhiên, theo giới truyền thông, quân đội Libya có khoảng 100.000 binh sỹ, trong đó bộ binh có 50.000, nhưng 50% là lính nghĩa vụ.

Với 80 xe tăng, 1.000 xe bọc thép và 945 xe chở quân bọc thép cùng 2.421 khẩu pháo, lực lượng bộ binh được đánh giá là khá hùng mạnh trong khu vực. Nhưng lực lượng hải quân chỉ có 8.000 quân, 2 tàu ngầm tuần tra (có thể không còn hoạt động), 3 tàu ngầm, 16 tàu chiến các loại, còn lực lượng không quân có 18.000 quân và 394 máy bay chiến đấu, hệ thống phòng không có trên 210 tên lửa đất đối không và hơn 400 hệ thống tên lửa đất đối không.

Có nhiều tin nói rằng, vì dự báo trước sẽ bị không kích nên Libya đã kịp sơ tán máy bay quân sự và lực lượng tác chiến mặt đất xuống các hầm trú ẩn bố trí trên sa mạc để giảm thiểu tối đa thiệt hại khi bị tấn công.

Giới quân sự phương Tây cho rằng, liên quân sẽ dễ dàng tiêu diệt lực lượng không quân, nhưng không kích bộ binh Libya sẽ là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và nguy hiểm bởi quân đội nước này có rất nhiều súng chống máy bay và tên lửa vác vai. Khi tình báo phương Tây đặt vấn đề lo ngại về vũ khí hóa học của Libya, nhiều người đã coi đây là dấu hiệu của một cuộc đổ quân vào đất nước này.

Cựu Đại sứ Libya ở Liên hợp quốc Abdurrahman Mohamed Shalgham, người đã từ bỏ Chính phủ Libya hồi tháng trước từng dự đoán, ông Moammar Gaddafi sẽ tấn công Benzaghi bằng vũ khí hóa học nếu cuộc chiến xảy ra ở đó. Cho tới nay Pháp vẫn phủ nhận tin nói rằng, một máy bay phản lực chiến đấu của Pháp đã bị bắn rơi ở huyện Njela, thuộc thủ phủ Tripoli.

Cuộc chiến sẽ diễn ra trong mấy ngày?

Trong tuyên bố hôm 19/3 (theo giờ địa phương), Tổng thống Barack Obama tiết lộ, theo kế hoạch đã định, cuộc tấn công nhằm vào quân đội của ông Moammar Gaddafi sẽ chỉ kéo dài trong mấy ngày, không phải cả tuần. Tuyên bố này được đưa ra sau khi có thông báo, các hệ thống phòng không của Libya đã bị "tàn phá nặng nề" sau đợt tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ tối 19/3 (theo giờ địa phương). Tuy nhiên, giới quân sự vẫn cảnh báo, vẫn còn quá sớm để dự đoán ông Moammar Gaddafi cùng lực lượng bộ binh có thể làm gì để đối phó với các cuộc không kích tiếp theo.

Theo thống kê, có khoảng 20 chiến đấu cơ Rafale và Mirage của Pháp đã tham gia không kích trong các cuộc tấn công ban đầu và đã phá hủy 4 xe tăng của quân đội chính phủ Libya. Ngoài việc tiến hành các hoạt động quân sự tương tự, tàu ngầm Anh và tàu chiến Mỹ đã bắn hơn 110 tên lửa hành trình Tomahawk trong chiến dịch mà Washington gọi là "Bình minh Odyssey".

Những tên lửa hành trình Tomahawk của Anh và Mỹ đã bắn trúng 20 mục tiêu phòng không của Libya. Canada, Đan Mạch, Tây Ban Nha và Na Uy đã gửi máy bay, còn Italia cung cấp căn cứ không quân Sigonella tại Sicily và căn cứ Aviano ở phía Bắc để các nước hữu quan sử dụng trong các cuộc không kích Libya.

Phản ứng của dư luận

Ngay sau khi bị không kích, Bộ Ngoại giao Libya đã lập tức yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn. Libya cũng tuyên bố, Tripoli coi Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu các lực lượng Libya ngừng bắn không còn giá trị sau khi họ bị phương Tây không kích.

Tổng thống Moammar Gaddafi tuyên bố, người dân Libya sẽ đứng dậy đáp trả đến cùng. Giới truyền thông đưa tin, ngày 20/3, ông Moammar Gaddafi bắt đầu cung cấp vũ khí cho người dân để chiến đấu chống lại "sự xâm lăng của quân viễn chinh và thực dân". Mặc dù không kích đã diễn ra, nhưng vẫn có hàng trăm người ủng hộ Tổng thống Moammar Gaddafi đem thân mình làm thành một hàng rào và hát vang những ca khúc thể hiện sự sùng bái ông. Họ cho biết tình nguyện tới đây làm khiên chắn, rào cản để bảo vệ nơi ở của Tổng thống Moammar Gaddafi khỏi bị đánh bom.

Ngày 20/3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản đối việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và "lấy làm tiếc" vì các nước tiến hành không kích Libya. Nga cũng đưa ra tuyên bố tương tự. Trung Quốc, Nga, Đức, Brazil và Ấn Độ đã bỏ phiếu trắng khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp để bỏ phiếu thông qua việc thiết lập khu vực cấm bay đối với Libya.

Nhiều nước Mỹ Latinh đã lên tiếng ủng hộ ông Moammar Gaddafi bởi họ coi cuộc tấn công quân sự nhằm vào Libya là vì động cơ dầu mỏ. Nguyên Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã đặt dấu hỏi về vai trò của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi cơ quan này tán thành nghị quyết cho phép tấn công Libya.

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez khẳng định, Liên hợp quốc đã vi phạm những nguyên tắc cơ bản của tổ chức này khi thông qua nghị quyết về vùng cấm bay với Libya và hành động quân sự hiện tại là vô trách nhiệm, là can thiệp vào công việc nội bộ nước khác. Quan điểm của Tổng thống Hugo Chavez được Tổng thống Bolivia Evo Morales ủng hộ - các biện pháp can thiệp quân sự chỉ làm cho dân thường Libya thiệt mạng nhiều hơn. Hơn nữa đây là một cuộc xung đột chính trị, xã hội và tư tưởng nên cần được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình.

Tổng thống Evo Morales cũng khẳng định, một số nước muốn can thiệp quân sự vào Libya chỉ vì lợi ích riêng của mình, không phải vì mục đích bảo vệ người dân. Liên minh châu Phi (AU) đã kêu gọi ngừng ngay lập tức mọi cuộc tấn công sau khi không quân Anh, Pháp, Mỹ dội bom và tên lửa vào lãnh thổ Libya. Đây là chiến dịch can thiệp quân sự quốc tế lớn nhất tại thế giới Arab kể từ cuộc chiến Iraq năm 2003.

Điều đáng nói là có hơn 200 người đã tụ tập bên ngoài Nhà Trắng để phản đối quân đội Mỹ và đồng minh tấn công vào Libya. Người biểu tình cáo buộc chính phủ đã phung phí quá nhiều tiền của cho các chiến dịch quân sự.

Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố, hành động quân sự chống lại ông Moammar Gaddafi là "cần thiết, hợp pháp và đúng đắn". Hiện giới chuyên môn đang tìm lời giải cho câu hỏi: Tại sao Anh, Pháp lại đi đầu trong cuộc chiến này, còn Mỹ lại tỏ ra khá thận trọng, thậm chí tuyên bố không đưa bộ binh vào Libya; tại sao Mỹ dùng vũ lực với Libya, còn Yemen và Bahrain thì không; và tương lai của Libya sẽ ra sao nếu Tổng thống Moammar Gaddafi bị lật đổ sau 41 năm cầm quyền và liệu Libya có đoàn kết hơn hay hỗn loạn hơn sau khi kịch bản này diễn ra…

Cuộc không kích khiến nhiều người liên tưởng tới những gì từng diễn ra tại Nam Tư, Bosnia, Iraq và một lần nữa, kịch bản Nam Tư lại tái diễn ở Libya - không quân NATO mở cuộc không kích xâm lược chống Nam Tư với tuyên ngôn "Nhân quyền cao hơn chủ quyền".

Được biết, Đại  sứ quán Việt Nam ở thủ đô Tripoli của Lybia hiện vẫn hoạt động bình thường. Toàn bộ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán vẫn an toàn. Đại sứ Việt Nam tại Libya, ông Đào Duy Tiến cho biết, hiện Đại sứ quán có 8 cán bộ, nhân viên ngoại giao và một phu nhân; và Đại sứ quán đã có kế hoạch sơ tán một số vị trí trong ngày 21/3.

Trừ số cán bộ và nhân viên ngoại giao đang có mặt tại Libya, đến ngày 6/3 vừa qua, toàn bộ lao động và sinh viên Việt Nam đã ra khỏi Libya.

Nguyễn Thị Lân - Lê Chí Thiện (tổng hợp)
.
.
.