Mỹ:

Bắt đầu “cuộc chiến” giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ

Thứ Năm, 27/11/2014, 09:20
20 ngày sau cuộc bầu cử giữa kỳ của Quốc hội Mỹ với chiến thắng thuộc về đảng Cộng hòa trong lưỡng viện, “cuộc chiến” giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đã thực sự bắt đầu với những tranh cãi và mâu thuẫn xung quanh vấn đề Iran cũng như việc thông qua ngân sách dành cho hoạt động của chính phủ.

Hôm 25/11, phe Dân chủ trong Quốc hội Mỹ đã tuyên bố sẽ bằng mọi giá, bác bỏ những nỗ lực của đảng Cộng hòa trong việc tách rời ngân sách về nhập cư ra khỏi ngân sách dành cho hoạt động của chính phủ. Người đứng đầu đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi cho biết: “Đảng này sẽ phản đối kịch liệt các nỗ lực của đảng Cộng hòa nhằm phân tách các nguồn ngân sách có liên quan đến vấn đề nhập cư ra khỏi luật ngân sách dành cho hoạt động của Chính phủ Mỹ trong vòng 1 năm”. Kế hoạch này do một số nghị sĩ của đảng Cộng hòa đưa ra, trong đó có Hạ nghị sĩ Tom Price, người sắp tới giữ vị trí Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện Mỹ. Ông này cho rằng, trong luật ngân sách mà Quốc hội Mỹ sẽ thông qua sắp tới, Quốc hội sẽ chỉ mở rộng ngân sách ngắn hạn dành cho các ủy ban về người nhập cư của Mỹ. Động thái này được cho là đối trọng, thậm chí là làm thụt lùi chính sách về nhập cư mà Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đưa ra hồi tuần trước.

Theo tin từ hãng Reuters, hôm 20/11, ông Barack Obama đã công bố kế hoạch cải tổ hệ thống nhập cư mà không cần tới Quốc hội. Kế hoạch này áp dụng cho khoảng 4,1 triệu trên tổng số hơn 11 triệu người nhập cư hoặc sống ở Mỹ ít nhất 5 năm và có con cái là công dân hay thường trú nhân. Ngoài ra, khoảng 300.000 người đến Mỹ trái phép khi còn là trẻ em cũng được hưởng lợi. Những người này dù không có giấy tờ nhưng vẫn có thể sống ở Mỹ mà không sợ bị trục xuất, được cấp phép làm việc và số an sinh xã hội; được tự do về quê nhà và quay lại Mỹ nhưng họ không được nhập quốc tịch hoặc nhận thẻ xanh để trở thành thường trú nhân. Đương nhiên là kế hoạch này đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ phía đảng Cộng hòa. Nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa đã cáo buộc ông Barack Obama lạm quyền, vi hiến và ủng hộ việc sử dụng dự luật ngân sách để ép Tổng thống Mỹ rút lại đề xuất này. Các nhà phân tích nhận định, đảng Cộng hòa có thể dễ dàng đạt được mục tiêu làm phá sản chính sách của Tổng thống Barack Obama bởi hiện đảng này đã chính thức kiểm soát cả Thượng viên và Hạ viện. Hơn nữa, vào ngày 8/12 tới, Quốc hội Mỹ sẽ nhóm họp và xem xét về ngân sách cho hoạt động của chính phủ trong năm 2015. Khi đó, đảng Cộng hòa có thể sử dụng con bài này để thực hiện mục đích của mình. Nếu đảng Dân chủ không có bước đi xoa dịu tình hình thì nhiều khả năng, chính phủ Mỹ sẽ lại rơi vào cảnh bị đóng cửa như đã xảy ra vào năm 2013. Khi đó, chỉ trong 16 ngày không hoạt động, tổng thiệt hại đối với nền kinh tế Mỹ là gần 20 tỷ USD và khoảng 250.000 người mất việc làm, giảm 20% tăng trưởng kinh tế của quý IV năm 2013…

Người đứng đầu đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (giữa) phát biểu tại cuộc họp báo ở đồi Capitol, Washington D.C. Ảnh: AP.

Trên thực tế, hôm 4/11, sau khi kết quả bầu cử giữa kỳ được công bố với chiến thắng thuộc về đảng Cộng hòa tại cả Thượng viện và Hạ viện, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải thừa nhận rằng, trong 2 năm cuối của nhiệm kỳ II, ông sẽ gặp nhiều khó khăn khi đưa ra các quyết sách cả về đối nội và đối ngoại. Tờ Washington Post thì nhận định, kết quả cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ còn được coi là bước đầu tiên dọn đường cho đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua giành chiếc ghế Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ vào năm 2016 tới. Trong một bài bình luận trên tờ báo này, chuyên gia phân tích Michael Barone còn cho rằng, chính quyền Tổng thống Barack Obama đang rơi từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác. Không chỉ đối mặt với một loạt vấn đề đối ngoại như bầu không khí chiến tranh Lanh đang trở lại ở châu Âu, cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Nhà Trắng còn vấp phải các cuộc biểu tình bạo động ở thành phố Ferguson khiến ông Barack Obama phải điều cả lực lượng Vệ binh quốc gia trợ giúp và cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel. Trong mâu thuẫn với đảng Cộng hòa, đảng Dân chủ của Tổng thống cũng vấp phải nhiều khó khăn mà gần đây nhất là việc các nghị sĩ của đảng Cộng hòa phản đối gay gắt chính sách của Mỹ với Iran sau khi hạn chót lần thứ 2 về vấn đề hạt nhân của nước này đã không đạt được thỏa thuận. Quan điểm của các nhà lập pháp này là siết chặt các biện pháp bao vây cấm vận Iran. Ba Thượng nghị sĩ có ảnh hưởng là John McCain, Lindsey Graham và Kelly Ayotte thậm chí còn ra tuyên bố chung đề nghị Nhà Trắng gia hạn đàm phán phải đi kèm với một số biện pháp trừng phạt mới nhằm gia tăng áp lực buộc Iran phải nhượng bộ. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ lại cùng đồng thuận với Liên minh châu Âu (EU) là gia hạn đình chỉ các hình thức trừng phạt Iran đến hết 30/6/2015.

Rõ ràng, chỉ trong hơn nửa tháng vận hành Quốc hội mới, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đã có những “đụng độ”. Tuy nhiên, dù muốn thao túng mọi quyết sách của chính phủ, nhưng theo giới quan sát, đảng Cộng hòa vẫn phải tính tới chuyện nhượng bộ trong một số vấn đề nhằm ghi điểm cho cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2016. Và đây chính là lý do để đảng Dân chủ quyết giành được lợi thế trong một số vấn đề nhằm lấy lại uy tín của mình và chính phủ.

Sông Thương
.
.
.