Mỹ - Nhật Bản: Bàn thảo về lá chắn tên lửa ở châu Á – Thái Bình Dương

Thứ Bảy, 25/08/2012, 10:45
Bên cạnh việc xúc tiến xây dựng lá chắn tên lửa ở châu Âu, Mỹ cũng đang bàn thảo với Nhật Bản về việc hình thành một lá chắn tên lửa ở châu Á – Thái Bình Dương với mục đích ngăn ngừa CHDCND Triều Tiên và xa hơn là với sức mạnh quân sự ngày càng hùng mạnh của Trung Quốc.
>> Nhật Bản - Trung Quốc gia tăng căng thẳng

Tờ Telegraph của Anh số ra ngày 24/8 dẫn nguồn tin từ tờ Wall Street Journal cho hay, Mỹ đang xem xét khả năng xây dựng một hệ thống radar sớm phát hiện tên lửa ở miền Nam Nhật Bản hoặc tại một vị trí khác thuộc khu vực Đông Nam Á. Đây là một phần trong chiến lược phòng thủ mới do chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đề ra, theo đó tập trung chú ý tới châu Á-Thái Bình Dương, khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với nền kinh tế Mỹ.

Hệ thống radar này được cho là thế hệ mới hơn hệ thống radar phòng thủ tên lửa X-Band mà Mỹ đã triển khai từ năm 2006 tại tỉnh Aomori ở miền Bắc Nhật Bản. Nếu thực hiện được chương trình này, Mỹ sẽ gây dựng được 3 hệ thống radar phòng thủ tên lửa của riêng khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Riêng ở Đông Nam Á, các chuyên gia tên lửa hàng đầu của Mỹ đang nghiên cứu, tìm kiếm địa điểm sao cho vị trí của hệ thống radar X-Band thứ 3 có thể tạo vòng cung theo dõi tên lửa đạn đạo phóng đi từ CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc. Hiện tại, Mỹ đang trong quá trình thảo luận với Nhật Bản.

Lầu Năm Góc đặc biệt lo ngại về việc phát triển loại tên lửa đạn đạo chống tàu Dong Feng 21D mới của Trung Quốc bởi nó có thể phá hủy tàu sân bay của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Tại buổi họp báo tại Lầu Năm Góc với Tham mưu trưởng liên quân Lực lượng phòng vệ Nhật Bản Shigeru Iwasaki hôm 23/4, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey tiết lộ: "Đối với vấn đề phòng thủ tên lửa nói chung, chúng tôi đã phối hợp rất chặt chẽ với các đối tác Nhật Bản. Hiện vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra về việc mở rộng cơ sở này song chắc chắn đó là chủ đề của cuộc thảo luận vì hệ thống phòng thủ tên lửa là quan trọng đối với cả hai nước chúng tôi”.

Trong khi đó, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề chiến lược toàn cầu Madelyn Creedon cho hay, Mỹ cũng đang tiến hành song song hai cơ chế đối thoại ba bên gồm Mỹ-Nhật Bản-Australia và Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc về việc triển khai các lá chắn tên lửa ở châu Á – Thái Bình Dương. Bà Madelyn Creedon còn cho biết, mô hình này tương tự với hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ đang định dựng lên ở châu Âu.

Thời gian tới, sau khi hoàn thiện trạm X-Band trên biển từ Hawaii đến Thái Bình Dương, hải quân Mỹ cũng sẽ tăng cường các lực lượng tàu chiến được trang bị khả năng đánh chặn từ 26 như hiện nay lên 36 chiếc vào năm 2018 và bổ sung thêm hệ thống phòng thủ tên lửa giai đoạn cuối tầm cao (THAAD).

Hệ thống radar phòng thủ tên lửa X-Band đã được Mỹ triển khai tại tỉnh Aomori ở miền Bắc Nhật Bản từ năm 2006.

Giới quan sát nhận định, nếu Mỹ thành công trong thảo luận với Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia hệ thống phòng thủ tên lửa này sẽ bao phủ một vùng rộng lớn ở châu Á, giúp phát hiện và bắn chặn kịp thời tên lửa của đối phương được phóng đi từ đất liền hoặc từ tàu chiến. Các kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có thể sẽ khiến quan hệ giữa cường quốc số 1 thế giới với một số cường quốc khác như Nga và Trung Quốc trở nên phức tạp bởi cả hai nước này đều lo ngại những hệ thống lá chắn tên lửa như thế sẽ làm phương hại đến an ninh của họ.

Tạp chí Quốc phòng Jane cho hay, kế hoạch về lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Á đã được Bộ Quốc phòng nước này nhắc đến từ hồi tháng 3 nhưng trong vòng 2 tháng gần đây, Washington mới xúc tiến thực hiện.

Nguyên do là vì, hồi cuối tháng 7 vừa qua, quân đội Trung Quốc đã thử nghiệm một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể bắn trúng các mục tiêu ở bất kỳ thành phố nào tại Mỹ. Tên lửa này, theo Tạp chí Quốc phòng Jane, có tên gọi DF-41, có thể mang một lúc 10 đầu đạn hạt nhân riêng rẽ, mỗi đầu đạn có thể bắn trúng một mục tiêu đã được lập trình.

Ngoài ra, Mỹ cũng rất lo ngại trước thông tin, Trung Quốc sẽ thử tên lửa đạn đạo chống tàu Dong Feng 21D mới

Huyền Chi
.
.
.