Mỹ - Hàn Quốc lên kế hoạch đối phó với CHDCND Triều Tiên

Thứ Ba, 26/03/2013, 09:14
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục gia tăng sau khi Mỹ - Hàn Quốc cùng ký một thỏa thuận nhằm đối phó với cái gọi là “những hành động gây hấn” của CHDCND Triều Tiên. Kế hoạch này cho phép quân đội Hàn Quốc giữ vai trò chủ động còn quân đội Mỹ tăng viện từ bên trong cũng như bên ngoài Hàn Quốc trong trường hợp “Bình Nhưỡng có những hành động khiêu khích hạn chế”.
>> Bán đảo Triều Tiên “cận kề miệng hố chiến tranh”

Trả lời phỏng vấn báo giới, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok cho biết, kế hoạch hành động chung đối phó với các mối đe dọa của CHDCND Triều Tiên mà Hàn Quốc và Mỹ vừa ký kết có hiệu lực ngay tức thì và có tác dụng răn đe hiệu quả “các hành động xâm chiếm” của CHDCND Triều Tiên.

Kế hoạch này bao gồm các thủ tục tham vấn ý kiến và hành động cho phép liên quân Mỹ-Hàn ứng phó khẩn cấp trước “các mối đe dọa và hành vi khiêu khích từ Bình Nhưỡng”. Đích thân Tướng Jung Seung-jo, Tổng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc và Tướng James Thurman, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc đã ký kết bản kế hoạch hợp tác này.

Cụm từ “các hành động xâm chiếm” được đề cập trong bản thỏa thuận này bao gồm hành động xâm nhập trái phép vùng biên giới, sử dụng máy bay tầm thấp đi vào vùng biên giới, tấn công biên giới hải đảo…

Thông tin từ Bộ Tư lệnh lực lượng hỗn hợp Hàn-Mỹ (CFC), kế hoạch này đã được quân đội hai nước bàn bạc hồi năm 2010 khi Seoul nghi ngờ Bình Nhưỡng phóng ngư lôi bắn chìm tàu chiến Cheonan làm 46 thủy thủ thiệt mạng và pháo kích hòn đảo Yeonpyeong ở Hoàng Hải.

So với hai kế hoạch trước, kế hoạch lần này cũng cho phép quân đội Hàn – Mỹ phản ứng mạnh mẽ hơn với CHDCND Triều Tiên. Đáng chú ý là nếu “các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng” leo thang, Seoul sẽ chủ động đối phó và Washington có thể điều thêm tiếp viện từ bên trong (tức 28.500 quân đang đóng ở Hàn Quốc) hoặc ngoài lãnh thổ gồm các căn cứ ở Nhật Bản và một số nơi dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương. 

Các quan chức quân đội Mỹ-Hàn đang bàn thảo kỹ về thỏa thuận tác chiến vừa ký kết.

Giới quan sát nhận định, việc Hàn Quốc và Mỹ ký kết kế hoạch này bắt nguồn từ việc trong những tuần gần đây, CHDCND Triều Tiên liên tục đưa ra những cảnh báo đối với Hàn Quốc nhằm phản đối các cuộc tập trận chung giữa hai nước này cũng như việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) thông qua nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng. Hồi cuối tuần trước, CHDCND Triều Tiên thậm chí còn cảnh báo về các cuộc tấn công mới nhằm vào các hòn đảo của Hàn Quốc và khuyến cáo các cư dân miền Nam nên rời khỏi khu vực này.

Chưa hết, trang mạng Uriminzokkiri của CHDCND Triều Tiên còn cho đăng tải đoạn video dài 4 phút mô tả hình ảnh lính dù tấn công thủ đô Seoul và bắt cóc hàng nghìn công dân Mỹ sinh sống ở Hàn Quốc. Đoạn phim dài 4 phút, với tiêu đề "Cuộc chiến ngắn ba ngày," bắt đầu với hình ảnh về những khẩu đại pháo và làn mưa tên lửa được bắn đi, kế tiếp là cuộc tấn công quy mô lớn bằng đường bộ và đường không với binh sĩ CHDCND Triều Tiên tràn vào từ biên giới.

Điều đáng lo ngại hơn là Hàn Quốc cũng thề rằng đòn trả đũa lần này sẽ mạnh hơn, dẫn tới khả năng một cuộc đụng độ nhỏ có thể sẽ trở thành một cuộc chiến lớn. Những đe dọa của Bình Nhưỡng buộc cựu Tư lệnh quân đội Mỹ tại Hàn Quốc (giai đoạn 2008-2011) Walter Sharp hôm 23/3 phải khuyến cáo rằng, Trung Quốc cần ngay lập tức từng bước can thiệp để làm giảm căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên khi CHDCND Triều Tiên bị mất kiểm soát và có những tính toán sai lầm.

Đồng thời, ông Walter Sharp cũng kêu gọi Hàn Quốc và Nhật Bản nên sớm có kế hoạch trao đổi thông tin tình báo để đối phó với tình huống khẩn cấp. Trong một diễn biến khác, hãng AP dẫn một nguồn tin từ quân đội Hàn Quốc cho hay, CHDCND Triều Tiên đang gia tăng đào tạo các “chiến binh mạng” phục vụ cho cuộc chiến trên internet. Nguồn tin này cũng khẳng định, hơn 32.000 máy tính và server của 3 mạng truyền hình lớn nhất Hàn Quốc cùng 3 ngân hàng của nước này vừa bị nhóm “chiến binh mạng” này tấn công bằng virus máy tính Malware.

Các thông tin tình báo mà Seoul thu thập được cũng khẳng định, trong vòng 5 năm trở lại đây, Bình Nhưỡng đã chi rất nhiều tiền cho lĩnh vực khoa học và công nghệ. Bằng chứng là tháng 12 năm ngoái, CHDCND Triều Tiên đã phóng thành công vệ tinh và vừa thử hạt nhân lần thứ 3 (tháng 2). Mỹ và Hàn Quốc đều cho rằng, CHDCND Triều Tiên hiện đang có đội quân mạng gồm hàng ngàn tin tặc được đào tạo bài bản ở nước ngoài và có thể tiến hành một loạt cuộc tấn công mạng quy mô lớn

Phan Hiển
.
.
.