Mối lo IS liên minh với Al-Qaeda tạo làn sóng thánh chiến toàn cầu

Thứ Bảy, 15/11/2014, 08:13
Những thông tin về cuộc gặp gỡ bí mật diễn ra hôm 13/11 giữa tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đang khiến cả thế giới lo ngại về khả năng thành lập một liên minh khủng bố mới giữa các nhóm Hồi giáo cực đoan. Nguy cơ này ngày càng hiện hữu khi nhiều nhóm Hồi giáo vũ trang khác ở Ai Cập, Syria và châu Phi cũng tuyên bố tham gia. Trong khi đó, liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu tiếp tục họp khẩn để bàn thảo các biện pháp đẩy lùi khủng bố và ngăn chặn làn sóng gia nhập IS của các công dân Mỹ, phương Tây.

Theo thông tin đăng tải trên trang web của hãng Guardian của Anh hôm 13/11, cuộc gặp gỡ bí mật giữa IS và Al-Qaeda đã được thực hiện từ hôm 2/11 tại một trang trại ở phía Bắc Syria. Tại đây, IS và Al-Qaeda đã thống nhất cùng nhau chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, chống Mỹ và các nước phương Tây.

Trong hơn 10 ngày qua, các thủ lĩnh cấp cao của hai tổ chức này đã có nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với thủ lĩnh các nhóm Hồi giáo vũ trang khác thuộc khu vực Trung Đông và châu Phi. Hôm 10/11, một nhóm vũ trang thường xuyên thực hiện các vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Ai Cập có tên là Ansar Beit al-Maqdis đã thề trung thành với IS và đe dọa sẽ sớm phát động các cuộc tấn công mới nhằm vào quân đội, cảnh sát Ai Cập. Còn ở Malaysia, lực lượng an ninh nước này cũng đã bắt giữ 13 công dân đang có kế hoạch đến Syria. Những người này bị nghi có liên kết với IS, thậm chí còn là cầu nối để các thủ lĩnh IS liên hệ với thủ lĩnh cấp cao của các nhóm Hồi giáo vũ trang khác trong khu vực.

Những sự kiện liên tiếp này cho thấy, IS đang thực hiện một âm mưu thành lập liên minh khủng bố toàn cầu và nguy cơ hiện hữu sẽ gieo rắc kinh hoàng ở nhiều nơi. Tại châu Âu, cảnh sát Anh, Pháp, Đức thời gian gần đây thường xuyên tuyên bố bắt giữ được những kẻ hậu thuẫn cho IS và chuẩn bị có hành động bất hợp pháp gây nguy hiểm cho đất nước. Hôm 12/11, 240 nhân viên cảnh sát Đức đã được huy động tham gia chiến dịch truy quét quy mô lớn nhằm vào một mạng lưới được cho là bảo trợ các phần tử Hồi giáo cực đoan tại Syria. 9 người mang quốc tịch Đức đã bị bắt giữ và bị tình nghi tham gia đưa các tay súng thánh chiến từ Đức sang Syria để chiến đấu trong hàng ngũ IS…

Sự kết hợp giữa IS và Al-Qaeda sẽ khiến cuộc chiến chống khủng bố càng trở nên khó khăn hơn. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi hôm 13/11 đã bất ngờ xuất hiện trong một đoạn băng ghi âm được tải lên các trang mạng thánh chiến. Abu Bakr al-Baghdadi đã kêu gọi tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào Arab Saudi rồi vươn ra là cuộc thánh chiến trên toàn thế giới. Tên này nói: “Cuộc hành quân của các chiến binh thánh chiến sẽ tiếp tục cho đến khi họ đến Rome. Người Do Thái và quân thập tự chinh sẽ sớm buộc phải giao chiến trên mặt đất và đẩy các lực lượng trên bộ của họ đến chỗ diệt vong. Những “ngọn núi lửa thánh chiến” sẽ nhằm vào Mỹ và đồng minh tại Iraq và Syria rồi lan rộng ra khắp thế giới”. Ngoài lời kêu gọi các phần tử cực đoan ở Saudi Arabia, Thủ lĩnh IS còn tuyên bố với thế giới: “Chúng ta thông báo với thế giới rằng chúng ta đã mở rộng địa bàn của IS tới 5 quốc gia nữa. Đó là Arab Saudi, Yemen, Ai Cập, Libya, Algeria”.

Giới quan sát nhận định, sự xuất hiện của Abu Bakr al-Baghdadi vào đúng thời điểm mà CIA và FBI đang nỗ lực xác minh thông tin rằng tên này đã bị tiêu diệt trong một cuộc không kích của Mỹ đã khiến cho cuộc chiến chống IS gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, dù tính xác thực của đoạn băng này chưa được kiểm nghiệm song người ta vẫn nhận thấy rõ sự tàn bạo và giọng điệu kích động trong đó. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói: “Đoạn băng nhắc nhở mọi người trong khu vực và trên thế giới về âm mưu của IS”.

Hãng tin Reuters cho biết, Mỹ đã mời đại diện 30 quốc gia tham gia liên minh quốc tế chống IS nhóm họp trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 19/11 tại trụ sở Bộ chỉ huy trung tâm - căn cứ không quân MacDill tại thành phố Tampa, bang Florida để thảo luận kế hoạch mới chống IS. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tiết lộ rằng, chiến dịch không kích do Mỹ đứng đầu nhằm vào IS sẽ được tăng cường trong thời gian tới, đến khi lực lượng bộ binh của Iraq hoàn thiện và chiến đấu hiệu quả hơn. Trong khi đó, Tướng bốn sao Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc đã và đang tích cực cân nhắc phương án sử dụng lực lượng bộ binh vào cuộc chiến chống nhóm IS ở Iraq và Syria với con số “khiêm tốn” chứ không phải 150.000 quân như thời kỳ đỉnh cao của cuộc chiến Iraq 2003-2011. Đồng thời, Nhà Trắng cũng đề nghị Quốc hội khoản ngân sách 5,6 tỷ USD cho tài khóa 2015 cho cuộc chiến chống IS.

Hiện tại, theo đề xuất của các tướng lĩnh Mỹ, song song với chiến dịch không kích, Mỹ và các nước phương Tây sẽ phải thắt chặt hơn việc kiểm soát và ngăn chặn công dân nước mình tham gia chiến đấu cùng IS. Đi đầu trong việc này, Thủ tướng Anh David Cameron ngày 14/11 cho biết, những công dân nước này tham chiến ở nước ngoài có thể sẽ không được phép trở về quê hương. Thủ tướng Anh nêu rõ, một đạo luật mới về chống khủng bố cũng sẽ ngăn chặn những máy bay không tuân theo danh sách cấm bay của Anh hoặc các biện pháp theo dõi an ninh trên mặt đất trong lãnh thổ của nước này. Còn Pháp và Bỉ đã thống nhất được cơ chế trao đổi thông tin tình báo, đặc biệt là những thông tin liên quan đến IS và các công dân của hai nước này gia nhập IS

Sông Thương
.
.
.