Mịt mù lối thoát cho vấn đề Hy Lạp - EU

Thứ Bảy, 13/06/2015, 09:57
Ra đi hay ở lại châu Âu, câu hỏi này đang khiến Chính phủ Hy Lạp và cả chính giới Liên minh châu Âu (EU) đau đầu suy nghĩ. Sự mất kiên nhẫn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cùng một số nhà tài trợ lớn của quốc gia này trong khu vực đang đẩy nội bộ EU đến bờ vực của sự mất đoàn kết nội bộ.
Bất đồng từ hai phía

Có thể nói rằng, cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và EU cùng các chủ nợ khác là cơ hội cuối cùng để chính phủ nước này “bày tỏ sự cầu thị cũng như thái độ hợp tác” nhằm giải quyết vấn đề nợ công và những tiêu chuẩn khắt khe của EU. Tuy nhiên, xem ra mọi việc đã không suôn sẻ.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói: “Thời gian lại trôi đi. Tôi e là phải nói rằng, cuộc chơi đã kết thúc. Chúng tôi không còn thời gian. Mọi người đã mất hết kiên nhẫn”. Quan điểm của ông Donald Tusk là ông Alexis Tsipras nên thực tế hơn là đưa ra những quyết định mang tính “đánh bạc”.

Và đúng là như vậy. Trong cuộc đàm phán với Hy Lạp tại thủ đô Brussels của Bỉ hôm 11/6, do bất đồng lớn, đoàn đại biểu của IMF đã bất ngờ rời cuộc họp. Phát ngôn viên của IMF Gerry Rice nói: “Có sự khác biệt lớn giữa chúng tôi trong những vấn đề quan trọng nhất. Vì chưa có tiến triển gì trong việc thu hẹp những khác biệt này trong thời gian gần đây, nên chúng tôi vẫn còn cách thỏa thuận một quãng đường dài”.

Cũng theo ông Gerry Rice, vướng mắc lớn nhất của IMF trong cuộc đàm phán với chính quyền Athens là các vấn đề như lương hưu và thuế. Nguồn tin từ hãng BBC thì cho hay, cuộc đàm phán kéo dài 2 tiếng đồng hồ giữa Thủ tướng Hy Lạp và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cũng không đạt được bước đột phá nào. Đáng chú ý là giới chức EU đã thừa nhận, đây là “nỗ lực cuối cùng” của ông Jean-Claude Juncker nhằm giúp Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ bị loại ra ngoài EU.

Cuộc đàm phán giữa Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras kéo dài 2 tiếng đồng hồ hôm 11/6 cũng không đạt được kết quả. Ảnh: Demotix.

Chưa dừng ở đó, thất bại lại tiếp tục đeo bám đoàn đại biểu của Hy Lạp trong cuộc đàm phán vào đêm muộn với hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp. Dù Athens đã cố gắng thuyết phục chính quyền Berlin và Paris về thỏa thuận “đổi cải cách lấy tiền” nhưng cũng không mang lại kết quả gì khả quan. Nhiều nhà phân tích thì nhận định, nguyên do của sự khước từ quốc tế này đối với Hy Lạp là vì thời gian đang cạn dần và không thể loại bỏ nguy cơ Hy Lạp bị vỡ nợ.

Lục đục trong nội bộ EU

Cho đến nay, ngoài Đức, Pháp thì ngay cả Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cũng đã đưa ra tuyên bố không loại trừ khả năng Hy Lạp phải rời khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Bà Chrisitne Lagarde cho rằng, dù không ai ở châu Âu muốn kịch bản này xảy ra, song các cuộc đàm phán về vấn đề nợ của Athens “không phải là một cuộc dạo chơi” và IMF sẽ phải đưa ra những quyết định cuối cùng.

Thủ tướng Đức Angela Merkel dù khá mệt sau cuộc đàm phán với Hy Lạp vẫn phải thừa nhận rằng, việc Hy Lạp phá sản là điều khó tránh khỏi. Có ít nhất 3 lý do khiến Thủ tướng Angela Merkel tin vào điều này vì sau các cuộc đàm phán mới nhất, Hy Lạp vẫn tiếp tục khước từ các đề nghị của EU như việc tăng thuế giá trị gia tăng; việc bỏ dở giữa chừng cuộc đàm phán của IMF và áp lực từ nội bộ nước Đức. Ngày càng có nhiều nghị sĩ trong Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà Angela Merkel bác bỏ cấp gói cứu trợ tiếp theo cho chính quyền Athens.

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy, có tới 80% số người Đức được hỏi cho rằng Chính phủ Hy Lạp không nghiêm túc trong đàm phán với các đối tác châu Âu về vấn đề nợ quốc gia. 82% số ý kiến bày tỏ nghi ngờ việc Hy Lạp sẽ thực thi nghiêm túc các biện pháp cải cách cũng như chính sách "thắt lưng buộc bụng" theo đề xuất với các định chế cho vay quốc tế.

Đương nhiên là lập luận của người Đức không phải là không có cơ sở và mang tính thuyết phục cao. Nhưng như Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức Jens Weidmann đã nói, trong trường hợp Hy Lạp vỡ nợ và phải rời khỏi Eurozone, thì thiệt hại lớn nhất sẽ thuộc về Hy Lạp và người dân nước này. Tuy nhiên điều này cũng sẽ tạo nên một tiền lệ xấu cho các quốc gia khác trong EU.

Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker thì phát biểu: “Tôi không cho rằng chúng ta sẽ bớt đi được những mối lo hay sức ép khi Hy Lạp rời khỏi Eurozone. Nhưng tôi không thể nghĩ chúng tôi có thể tiếp tục một mình tiến hành việc đó nếu không có IMF”.

Huyền Chi (tổng hợp)
.
.
.