Trước giờ thực thi lệnh ngừng bắn mới:

Miền Đông Ukraine vẫn rền vang tiếng súng

Chủ Nhật, 15/02/2015, 09:16
Thỏa thuận 4 bên gồm Ukraine, Nga, Pháp, Đức theo công thức Normandie đang có nguy cơ bị phá vỡ vì miền Đông Ukraine vẫn tiếp diễn những cuộc đọ súng dữ dội giữa quân đội chính phủ và lực lượng chống đối. Trong khi đó, Quốc hội Mỹ đang xem xét dự luật hỗ trợ vũ khí sát thương cho chính quyền Kiev. Nguy cơ chiến tranh lại cận kề.

Trong hai ngày qua, lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới đã bày tỏ sự hoan nghênh và ủng hộ trước thỏa thuận Minsk thứ 2 mà Ukraine, Nga, Pháp và Đức đã đạt được hôm 12/2. Tuy nhiên, phần đông cũng không giấu được sự lo ngại về những khó khăn khi triển khai thỏa thuận này. Một trong những dấu hiệu rõ ràng cho thấy, từ lời nói đến hành động thực tế xung quanh vấn đề miền Đông Ukraine còn một quãng đường khá xa mà các bên không chỉ nỗ lực mà còn phải thiện chí thực hiện.

Theo thỏa thuận được ký kết, lệnh ngừng bắn mới được thực thi vào ngày 15/2, các bên rút vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng chiến sự và thành lập một khu vực phi quân sự tại miền Đông cùng quy chế tương lai của vùng Donbass (gồm Donetsk và Lugansk). Tuy nhiên, từ ngày 13/2 đến nay, chiến sự vẫn xảy ra ác liệt.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố, lực lượng chống đối miền Đông không chấm dứt nã pháo vào dân thường làm 28 người thiệt mạng. Đáp lại, lực lượng chống đối cho rằng, quân đội chính phủ không chịu lùi bước và tận dụng khoảng thời gian còn lại trước khi ngừng bắn để tấn công.

Sáng 13/2, quân đội Ukraine đã tấn công từ khu vực Svetlodarsk tới Logvinova, xa lộ Debaltsevo-Artemovsk… nhằm khai thông một hành lang tới Debaltsevo. Đến tối 13/2, kênh truyền hình LifeNews của Nga cho hay, các đơn vị quân đội CHND Lugansk (LPK) tự xưng đã tiến vào thành phố Debaltsevo, nơi đang diễn ra giao tranh ác liệt trên đường phố…

Giao tranh vẫn diễn ra ở miền Đông Ukraine. (Ảnh: AP)

Một số tờ báo khác của Nga cho hay, thủ lĩnh tổ chức cánh hữu Pravyi sector ở Ukraine Dmitry Yarosh tuyên bố, không công nhận thỏa thuận đạt được trong cuộc đàm phán ở Minsk và sẽ tiếp tục hoạt động chiến sự. Lập luận của ông Dmitry Yarosh là thỏa thuận này mâu thuẫn với hiến pháp hiện hành của Ukraine và “việc thực hiện chúng không phải là bắt buộc đối với công dân”.

Phát biểu tại thủ đô Kiev, Tổng thư ký tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) Lamberto Zannier khẳng định, chiến sự vẫn đang tiếp diễn và ông thực sự lo ngại khi các hành động đối địch này có vẻ như không thể chấm dứt.

Một yếu tố khác được cho là có tác động mạnh đến cục diện ở miền Đông Ukraine hiện nay chính là việc nhóm Thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa trình lên Quốc hội Mỹ dự luật quy định quyền của Tổng thống Barack Obama trong việc cung cấp vũ khí cho chính phủ Ukraine. Chưa hết, cả Mỹ và Ukraine còn cáo buộc Nga vẫn tiếp tục triển khai vũ khí hạng nặng ở miền Đông Ukraine. Còn NATO tuyên bố “có bằng chứng” về sự hiện diện quân sự của Nga tại Donbass…

Trước những diễn biến phức tạp ở miền Đông Ukraine, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) đã triệu tập phiên họp khẩn cấp vào ngày 15/2. Nguồn tin từ hãng AP khẳng định, tại cuộc họp này, Nga sẽ trình lên Hội đồng Bảo an LHQ dự thảo nghị quyết kêu gọi tất cả các bên thực thi thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2 ký ngày 12/2. Hiện tại, Nga đã cho lưu hành bản dự thảo nghị quyết đồng thời hối thúc các bên thực thi nghiêm túc thỏa thuận đã ký.

Nghị quyết trên, nếu được thông qua, sẽ là hành động hiếm hoi mà Hội đồng Bảo an có thể thực hiện đối với cuộc khủng hoảng kéo dài ở Ukraine. Lãnh đạo nhóm 7 nền công nghiệp phát triển trên thế giới (G7) gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Mỹ hôm 13/2 cũng đã bày tỏ quan ngại và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế.

G7 cũng khẳng định, sẵn sàng triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn việc thỏa thuận Minsk bị vi phạm. Tổng thống Petro Poroshenko thừa nhận, Ukraine còn phải đi một con đường dài tới hòa bình và chẳng có gì đảm bảo là thỏa thuận ngừng bắn vừa được thông qua ở Belarus sẽ có hiệu lực.

Sông Thương
.
.
.