Mập mờ việc Thổ Nhĩ Kỳ “bóc mẽ” tình báo Israel

Thứ Bảy, 19/10/2013, 10:35
Mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đang có nguy cơ bùng phát thành xung đột sau khi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cung cấp cho Iran tài liệu chi tiết về hoạt động của cơ quan tình báo Mossad thuộc Israel.

Theo thông tin tiết lộ trên tờ Bưu điện Washington, danh tính của toàn bộ nhóm điệp viên nằm vùng của Mossad ở Iran đã được gửi tới chính quyền Tehran năm 2012. Kèm theo đó là nội dung các cuộc gặp quan trọng được tổ chức trên đất Thổ Nhĩ Kỳ, giữa giới chức tình báo Mossad và nhóm điệp viên nằm vùng. Chưa hết, tờ Bưu điện Washington thậm chí còn đưa thông tin rằng, Giám đốc tình báo Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan là người thường xuyên cung cấp thông tin nhạy cảm của Israel cho Iran.

Hiện chưa có lời bình luận nào từ Chính phủ Israel, nhưng theo nhận định của một cựu quan chức tình báo nước này, thông tin này có liên quan đến vụ việc hồi tháng 4/2012, khi Iran tuyên bố tóm gọn một ổ gián điệp Israel gồm 15 người. Cựu quan chức này cũng cho biết thêm rằng, Mossad từng điều hành trực tiếp mạng lưới gián điệp người Iran và cho phép cơ quan mật vụ Thổ Nhĩ Kỳ giám sát hoạt động của nhóm này.

Trả lời phỏng vấn tờ Bưu điện Washington, Thứ trưởng Ngoại giao Israel Zeev Elkin chỉ nói rằng, quan hệ song phương Tel Aviv-Ankara hết sức phức tạp. Còn Đài phát thanh quân đội Israel đưa tin rằng, từ lâu, giới chức quân sự nước này đã nghi ngờ “độ trung thực trong hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ”. Đài phát thanh này còn dẫn lời của quan chức quốc phòng khẳng định: “Việc tiết lộ thông tin tình báo của Israel cho Iran đã được Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện từ đầu năm 2010. Nhưng Tel Aviv đã không ngờ rằng mình lại bị phản bội nghiêm trọng đến vậy”.

Từ sau vụ việc ở tàu Mavi Marmara, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Israel ngày càng xấu đi.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã có phản ứng khá gay gắt trước bài báo của tờ Bưu điện Washington và một số hãng thông tấn phương Tây khác. Chính quyền Ankara chỉ trích bài báo của tờ Bưu điện Washington, cho đây là hành động bôi nhọ uy tín của Thổ Nhĩ Kỳ, do một số thế lực không hài lòng vì sự gia tăng ảnh hưởng của nước này tại Trung Đông.

Một thủ lĩnh cấp cao trong đảng cầm quyền AK nói: “Thổ Nhĩ Kỳ là một cường quốc trong khu vực, nên có một số người không hài lòng vì điều này. Những bài báo như vậy là một phần trong chiến dịch có tính toán với mục tiêu là phá vỡ bầu không khí chính trị ôn hòa sau khi ông Hassan Rouhani đắc cử Tổng thống Iran… và nhằm vào vai trò trung gian hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ”. Một số nhà phân tích cho rằng, thông tin này cũng có thể nhằm phá hoại những kết quả mới đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 trong cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ cách đây vài ngày.

Được biết, mối quan hệ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ - Israel được thiết lập vào tháng 3 năm 1949 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia đa số người Hồi giáo đầu tiên (trước Iran vào năm 1950) công nhận sự tồn tại của nhà nước Israel. Từ đó, Tel Aviv trở thành nơi cung cấp vũ khí chính cho Thổ Nhĩ Kỳ. Quan hệ quân sự và hợp tác ngoại giao luôn được chính phủ hai nước này ưu tiên. Thậm chí, hai bên còn thường xuyên chia sẻ, trao đổi các mối quan tâm tới tình trạng bất ổn trong khu vực Trung Đông… Nhưng những ngày tháng êm đẹp trong mối quan hệ song phương này bắt đầu xấu đi và ngày càng trở nên căng thẳng sau cuộc chiến tranh Israel-Hamas 2008-2009.

Đỉnh điểm của sự bất đồng chính là vụ Israel tấn công tàu cứu trợ Mavi Marmara của Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 5/2010 làm 10 người thiệt mạng. Việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từ chối xin lỗi như một “cái tát mạnh” vào chính quyền Ankara. Kể từ đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày càng thể hiện lập trường chống Israel và củng cố vị thế quốc gia trong cộng đồng Hồi giáo khu vực và trên toàn thế giới.

Hãng AFP dẫn một nguồn tin ngoại giao Mỹ khẳng định, ngay cả khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đứng ra hòa giải trong chuyến thăm Israel hồi tháng 3, quan hệ giữa hai quốc gia này vẫn chưa hề tan băng. Ngược lại, dù không thể hiện rõ sự chống phá như những ngày đầu xảy ra vụ tàu Mavi Marmara, song Thổ Nhĩ Kỳ vẫn âm thầm mua sắm nhiều trang thiết bị kỹ thuật và vũ khí mới cho quân đội với lý do bảo vệ an ninh trước tình hình hỗn loạn ở Syria. Song thực tế, các hợp đồng quân sự nhằm giúp Ankara củng cố quân đội và sẵn sàng đối phó với Tel Aviv trong trường hợp khẩn cấp. Hơn nữa, với những gì đang xảy ra trong khu vực, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đều muốn hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng của đối phương với các quốc gia láng giềng và gia tăng sự hợp tác của mình nhằm tìm kiếm một liên minh vững chắc không phụ thuộc vào Mỹ để củng cố vị thế trong khu vực

Châu Anh
.
.
.