Mafia Italia thâm nhập chính trường Australia

Thứ Sáu, 03/07/2015, 10:15
Bằng các hoạt động tài trợ, tổ chức mafia Italia khét tiếng Ndrangheta đã xâm nhập sâu rộng vào chính trường và thao túng các hoạt động của chính trị gia Australia. Những thông tin này được Hãng truyền thông ABC và Fairfax Media đăng tải trên trang web sau hơn một năm điều tra cùng Báo cáo chiến lược kiểm soát ma túy quốc tế 2015 cho thấy, Australia đang trở thành “điểm đến hấp dẫn” đối với các nhóm tội phạm có tổ chức trên toàn thế giới.
Lỗ hổng chính trị để tham nhũng

Ngay sau khi Hãng truyền thông ABC và Fairfax Media cho đăng tải chương trình điều tra kéo dài một năm mang tên “Four Couners”, lực lượng cảnh sát Australia đã vào cuộc để tìm hiểu thực hư câu chuyện về sự liên quan giữa các chính trị gia nước này với tổ chức mafia Italia Ndrangheta.

Theo đó, ABC và Fairfax Media khẳng định, tổ chức mafia vùng Calabria này đã sử dụng các khoản tiền lớn tài trợ cho các đảng phái chính trị ở Australia rồi từ đó gây áp lực đối với các hoạt động kinh tế xã hội.

Sự tham gia của mafia Ndrangheta vào chính trường Australia được xác định là vào năm 2010 sau khi con trai của một thủ lĩnh của Ndrangheta có thời gian ngắn làm việc tại Đại sứ quán Austalia ở Thủ đô Rome. Khi đó, cựu Bộ trưởng thuộc đảng Tự do Amanda Vanstone là Đại sứ Australia tại Italia.

Vì được sự tin cậy của Đại sứ Amanda Vanstone mà nhân vật nói trên đã có cơ hội gặp cả Thủ tướng Australia khi đó là John Howard và một số chính trị gia có ảnh hưởng lớn của đảng Tự do. Ngay sau đó, các thủ lĩnh của Ndrangheta đã quyết định hỗ trợ tài chính vào chính trường Australia thông qua con đường quyên góp tiền cho bầu cử. 

Tuy không nói rõ về việc cựu Thủ tướng Australia có biết về hồ sơ tội phạm của nhân vật nói trên hay không, song cuộc điều tra của ABC và Fairfax Media khẳng định rằng, nữ Đại sứ Amanda Vanstone rất rõ về việc này. Sinh năm 1952, và Amanda Vanstone từng là Thượng nghị sĩ đảng Tự do ở bang Nam Australia từ năm 1984-2007, giữ nhiều chức vụ Bộ trưởng trong chính phủ của Thủ tướng John Howard. Bà làm Đại sứ Australia tại Italia từ tháng 6/2007 đến tháng 7/2010.

Trong hồ sơ hoạt động chính trị của mình, bà Amanda Vanstone cũng bị vấp phải vài phi vụ, trong đó có việc bị nghi ngờ liên quan đến cấp visa cho trùm mafia Francesco Madafferi. Tên này khi đó đang bị cảnh sát Italia điều tra, là thành viên của tổ chức mafia Ndrangheta và cùng với anh trai là Antonia bị cáo buộc tham gia một số vụ tra tấn, giết người.

Trích dẫn báo cáo của cảnh sát Australia, Hãng ABC và Fairfax Media cho biết, thời điểm đó, nữ Đại sứ Australia đã biện luận rằng việc cấp visa cho Francesco Madafferi là vì tên này bị bệnh thần kinh và cần phải được chữa trị. Đổi lại, gia đình của Francesco Madafferi sau đó được cho là đã ủng hộ đảng Tự do 100.000 USD và chi một khoản tiền không nhỏ khác cho bà Amanda Vanstone cùng 4 chính trị gia cấp cao khác của đảng này.

Tháng 8 năm 2008, Francesco Madafferi đã bị cảnh sát Australia bắt và bị buộc tội cùng với một số thủ lĩnh buôn bán ma túy khác ở Australia trong đó có Pasquale Pat Barbaro. Báo cáo này cũng khẳng định, trong vụ việc này, cảnh sát Australia đã thu giữ được một lượng lớn ma túy với tổng trị giá 440 triệu USD.

Ndrangheta là một trong bốn tổ chức tội phạm quyền lực nhất Italia, nắm giữ vai trò quan trọng trong mạng lưới buôn lậu ma túy tại châu Âu và trên toàn thế giới. Doanh thu của Ndrangheta lên đến 44 tỷ euro/năm nên tổ chức này không tiếc tiền để mua chuộc giới chức cả ở Italia và nước ngoài.

Được mô tả là “doanh nghiệp số 1 của cả nước”, lợi nhuận của mafia Italia  tương đương 7% GDP của cả nước này. Riêng lợi nhuận của Ndrangheta chiếm đến 3% nguồn của cải làm ra hằng năm của nước Italia, trong đó một nửa là từ buôn bán ma túy, hơn cả GDP của hai nước Slovenia và Estonia cộng lại.

Kết quả điều tra của ABC và Fairfax Media còn khẳng định, nhiều chính trị gia Australia ở cấp tiểu bang lẫn liên bang thuộc đảng Tự do và đảng Lao động khi có quan hệ với Ndrangheta, đã lợi dụng các lỗ hổng chính trị để tham nhũng, nhận hối lộ và tạo điều kiện cho nhánh của Ndrangheta ở Australia gây áp lực, đe dọa, tống tiền các doanh nghiệp nước này trong cả các hoạt động kinh doanh hợp pháp (như buôn bán trái cây và rau) lẫn các hoạt động bất hợp pháp (buôn bán ma túy).

Tòa nhà Quốc hội Australia.     Ảnh: Getty Imagine.

Góc khuất của thế giới tội phạm có tổ chức

Những thông tin nói trên được đăng tải đã khiến giới chức Australia giật mình. Từ đây, các hồ sơ tội phạm, nhất là tội phạm buôn bán ma túy đã được lật lại. Người ta bắt đầu có những lý giải lớn hơn, cho rằng, chính bởi ảnh hưởng của mafia Italia Ndrangheta mà hoạt động của tội phạm buôn bán ma túy ở nước này ngày càng phát triển và tinh vi.

Chỉ tính riêng ở tiểu bang Victoria và New South Wales, điều tra của cơ quan chức năng cho thấy, có ít nhất 150 nhóm tội phạm có tổ chức ở đây tham gia hoạt động buôn bán ma túy. Một số nghiệp đoàn tội phạm có tài sản lên tới hàng triệu euro với hoạt động bình phong như các công ty đa quốc gia, công ty xuất nhập khẩu, công ty công nghệ cao…

Chưa hết, sự thao túng của tổ chức tội phạm có tổ chức ở quốc gia này tiếp tục bị phát giác bởi báo cáo Chiến lược kiểm soát ma túy quốc tế 2015 được công bố hồi đầu tháng 6. Theo đó, Australia là một trong 60 quốc gia rửa tiền nhiều nhất thế giới và là điểm đến của nhiều loại ma túy và các hóa chất bào chế...

Báo cáo cũng nhấn mạnh, một quốc gia được cho là có hoạt động rửa tiền nhiều nhất khi các tổ chức tài chính ở quốc gia này giao dịch số lượng lớn tiền tệ thu được từ các hoạt động buôn bán ma túy quốc tế. Ủy ban tội phạm Australia cũng đã phát hiện ra rằng, mỗi năm, các tổ chức tội phạm đã khiến nước này tiêu tốn gần 12 tỷ euro và hoạt động rửa tiền vẫn là mục tiêu chính của các tổ chức tội phạm.

Và để tránh nguy cơ tiếp tục bị thao túng, trong một cuộc họp hôm 30/6, nhiều nhà lập pháp Australia đã kêu gọi cải tổ quy định về ủng hộ tài chính cho các đảng phái chính trị trong nước.

Khánh Chi
.
.
.