Luật Biển là công cụ pháp lý quốc tế để duy trì hòa bình và an ninh hàng hải

Thứ Năm, 16/06/2011, 14:09
Hôm 14/6, Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) đã khai mạc tại New York, Mỹ. Hội nghị một lần nữa nhấn mạnh UNCLOS là công cụ pháp lý quốc tế, được thừa nhận và thực hiện đối với các đại dương trên thế giới.

Với mục tiêu là tập trung vào các vấn đề hành chính và ngân sách liên quan đến Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLS) và báo cáo của Tổng thư ký cơ quan đáy biển quốc tế (ISA) và Chủ tịch Ủy ban giới hạn thềm lục địa (CLCS), hội nghị đã nghe nhiều tham luận của các đại biểu xung quanh những sự kiện nóng hiện nay.

Tin từ TTXVN cho hay, ngay trong buổi khai mạc, Chủ tịch hội nghị Camillo Gonsalves đã nhấn mạnh, UNCLOS là công cụ pháp lý quốc tế thiết yếu để duy trì hòa bình và an ninh cũng như sử dụng bền vững các đại dương, hàng hải và bảo vệ môi trường biển. Hiện UNCLOS đã được 162 nước phê chuẩn và con số này sẽ còn tăng.

Phó Tổng thư ký LHQ về các vấn đề luật pháp và cố vấn luật pháp Patricia O'Brien cho biết, số đơn đệ trình CLCS hiện đã lên tới 56 cộng với 10 đơn nữa sẽ được đệ trình, tải trọng công việc của CLCS phải giải quyết vẫn là vấn đề then chốt. Nhóm làm việc không chính thức đang phải nỗ lực hợp tác với Ủy ban và Ban thư ký LHQ để đánh giá các biện pháp cần thiết có thể đáp ứng tải trọng công việc này, trong đó có đề nghị tăng thời gian làm việc của CLCS lên 26 tuần hàng năm.

UNCLOS có quy định rõ ràng về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Về công việc của Tòa án quốc tế về luật biển, bà Patricia O'Brien nêu bật ý kiến tư vấn được phòng tranh chấp đáy biển đệ trình về trách nhiệm và nghĩa vụ của các nước bảo trợ cho các cá nhân và thực thể hoạt động tại các khu vực đáy biển.       Còn theo Chủ tịch ITLS José Luís Jesus, trong 162 nước thành viên UNCLOS, 44 nước đã tuyên bố các thủ tục giải quyết tranh chấp về giải thích hoặc ứng dụng UNCLOS, trong đó 30 nước chọn Tòa án quốc tế về Luật Biển để giải quyết tranh chấp.

UNCLOS là một hiệp ước quốc tế được tạo ra trong Hội nghị về luật biển Liên hiệp quốc lần thứ 3 diễn ra từ năm 1973 cho đến 1982 với các chỉnh sửa đã được thực hiện trong Hiệp ước Thi hành năm 1994. Công ước Luật Biển là một bộ các quy định về sử dụng các đại dương của thế giới và được ký kết năm 1982 để thay thế cho 4 hiệp ước năm 1958 đã hết hạn. UNCLOS có hiệu lực từ năm 1994, quy định quyền và trách nhiệm của các quốc gia trong việc sử dụng biển, thiết lập các hướng dẫn rõ ràng cho các hoạt động kinh doanh, bảo vệ môi trường và cải thiện quản lý các tài nguyên thiên nhiên đại dương.

UNCLOS gồm 17 phần với 320 điều khoản và 9 phụ lục chi phối tất cả các vấn đề biển và không gian các đại dương từ quyền thông thương, các giới hạn biển, nghiên cứu khoa học biển, đến quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, giải quyết tranh chấp. Công ước thiết lập Tòa án quốc tế về luật biển, Cơ quan đáy biển quốc tế và Ủy ban giới hạn thềm lục địa. Sau Hiến chương LHQ, UNCLOS là văn kiện pháp lý đa phương quan trọng nhất trong lịch sử của LHQ, với việc  thiết lập được một cách cụ thể và rõ ràng khái niệm, quy chế cũng như phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia của các nước.

Đối với Việt Nam, UNCLOS là công cụ pháp lý quan trọng để Việt Nam bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. Việt Nam là một trong 130 nước bỏ phiếu thông qua và sau đó cùng 118 nước khác ký UNCLOS năm 1982 tại Vịnh Montego (Jamaica). Ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã chính thức phê chuẩn và trở thành thành viên thứ 63 của UNCLOS.

Nằm ven Biển Đông và là một trong những quốc gia có bờ biển dài trong khu vực (khoảng 3.260km), theo các quy định của UNCLOS, Việt Nam được mở rộng chủ quyền, các quyền thuộc chủ quyền và quyền tài phán của mình ra các vùng biển và thềm lục địa rộng khoảng 1 triệu km2. Việt Nam có quyền xác định các vùng biển và thềm lục địa theo UNCLOS nhưng đồng thời cũng có nghĩa vụ tiến hành phân định các vùng biển và thềm lục địa ở những khu vực chồng lấn với các nước láng giềng.

Theo quy định của UNCLOS, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong vùng này, quốc gia ven biển có quyền thuộc chủ quyền về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế…

Còn thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia này cho đến bờ ngoài của rìa lục địa hoặc đến cách đường cơ sở 200 hải lý nếu như rìa ngoài của bờ lục địa ở khoảng cách gần hơn. Trong trường hợp bờ ngoài của rìa lục địa kéo dài tự nhiên vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì quốc gia ven biển có thể xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa theo sự kéo dài tự nhiên đó nhưng cũng không được vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2.500m một khoảng cách không quá 100 hải lý.

Tại đây, quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình; quyền này là đặc quyền và đương nhiên tồn tại không phụ thuộc vào việc có chiếm hữu hay tuyên bố hay không…

Sông Thương
.
.
.